“Margaret Thatcher: Hồi ký bà đầm thép” là phiên bản chọn lọc những nội dung hay nhất đồng thời gạt bỏ những chi tiết rườm ra, không hấp dẫn từ hai cuốn “Những năm tháng tại Phố Downing” và “Đường tới quyền lực”. Vì thế, cầm trên tay cuốn sách này, độc giả sẽ hình dung được cuộc đời bà theo đúng trình tự thời gian từ lúc thơ bé cho đến những năm tháng đầu tiên trong sự nghiệp chính trị và cuối cùng là thời gian bà làm Thủ tướng.
Sinh ra và lớn lên ở Grantham, trải qua nhiều nỗ lực, bà đã tìm được lối đến Quốc hội, thăng tiến đến vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ với chiến thắng vang dội vào năm 1979 và trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên ở Anh.
Cuốn sách đã mô tả chi tiết những thời điểm đáng nhớ trong sự nghiệp cầm quyền của bà như xung đột Falklands. Đây là cuộc chiến kéo dài trong 10 tuần giữa Argentina và nước Anh về hai lãnh thổ, gồm quần đảo Falkland và Nam Georgia và quần đảo Nam Sandwich tại Nam Đại Tây Dương. Không những vậy, cuốn sách còn đề cập đến cuộc đình công của thợ mỏ, vụ đánh bom ở Brington và ba lần chiến thắng chưa từng có trong các chiến dịch tranh cử. “Margaret Thatcher, Hồi ký bà đầm thép” còn lôi cuốn người đọc qua lời mô tả chi tiết đến từng giờ kịch tính trong những ngày cuối cùng của bà ở nhà số 11 Phố Downing.
Nhàn rỗi cũng là một tội lỗi
Một trong những chi tiết đáng chú ý trong những trang đầu của cuốn sách là việc bà Margaret Thatcher cho biết, gia đình bà rất đề cao đức tính chăm chỉ. Bà viết “Chúng tôi chẳng bao giờ nhàn rỗi – phần vì nhàn rỗi chính là một tội, phần vì có rất nhiều việc để làm, và phần nữa, hiển nhiên, vì chúng tôi là những con người như vậy”.
Có lẽ, bà đã học được đức tình tốt đẹp này từ mẹ mình. Theo những gì được chia sẻ trong cuốn hồi ký, mẹ bà Margaret Thatcher bận làm thu ngân cả ngày ở cửa hiệu nhưng bà đều tự tay quán xuyến mọi công việc trong gia đình.
Bà Thatcher nhớ lại: “Toàn bộ căn nhà ở North Parade không chỉ được lau dọn hàng ngày và hàng tuần mà vào mỗi mùa xuân, chúng tôi đều có một cuộc tổng vệ sinh để xử lý được tất cả những chỗ mà buổi lau dọn khác không thể giải quyết được. Thảm được cuốn lên và giũ bụi. Đồ gỗ gụ – chất lượng lúc nào cũng tốt, được mẹ tôi mua tại các cuộc bán đấu giá – được lau rửa bằng hỗn hợp nước ấm và dấm trước khi đánh bóng lại. Vì đây cũng là thời điểm kiểm kê thường niên tại cửa hàng, nên chẳng còn mấy thời gian để thở”.
Đâu là khởi nguồn khiến bà Thatcher quan tâm đến các vấn đề chính trị
Vì cha bà Thatcher nghỉ học giữa chừng ở tuổi 13 nên ông quyết tâm để con gái mình được học hành đầy đủ. Ông truyền động lực học đến con gái của mình bằng cách cùng con đến nghe “các bài giảng mở rộng của Đại học Nottingham về các vấn đề hiện đại và quốc tế, thường xuyên được thực hiện ở Grantham”. Bà Thatcher cũng phải thốt lên rằng, “Tôi đặc biệt nhớ các câu hỏi từ một quân nhân thuộc Không lực Hoàng gia, cũng là người địa phương, Trung tá Millington, người sau này giành được ghế nghị sĩ đại diện cho Chelmsfood của đảng Thịnh vượng chung – một đảng cánh tả của tầng lớp trung lưu – từ liên minh Churchill trong cuộc bầu cử bổ sung về cuối cuộc chiến tranh”.
Sự quan tâm của bố mẹ bà Thatcher còn thể hiện ở việc họ yêu cầu con cái mình phải hoàn thành bài tập về nhà, dù có phải làm trong chủ nhật đi chăng nữa. Bố bà cũng khuyến khích con “đọc các tác phẩm kinh điển – chị em Bronte, Jane Austen và dĩ nhiên là Dickens: chính tác phẩm “Chuyện hai thành phố” của Dickens với hơi hướng chính trị rất mạnh mẽ, là tác phẩm tôi thích nhất”.
Có lẽ từ những buổi học như vậy hay các cuốn sách nổi tiếng đã gieo những “mầm cây” đầu tiên về niềm say mê tìm hiểu các vấn đề chính trị trong tấm trí bà Thatcher.
Xuất thân là con gái của một người bán hàng, bằng nỗ lực của bản thân, bà Thatcher đã trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên ở Anh, người định hình nên nền chính trị hiện đại của quốc gia này. Nói như nguyên Phó Thủ tướng Anh, Nick Clegg, “dù đứng ở phe nào, không ai có thể phủ nhận được rằng, với tư cách là Thủ tướng, bà đã để lại dấu ấn đặc biệt và lâu dài trên đất nước bà phụng sự”.
Minh Phương