Bạn không phải là thiên tài? Có thể đó là vì bạn không sinh đúng năm.
Tóm tắt ngắn:
Những kẻ xuất chúng là hành trình tìm hiểu những nhân vật đạt được thành công phi thường – trong toán, thể thao, luật hay bất cứ ngành nghề nào. Ta thường nghĩ những siêu nhân này sở hữu một sức mạnh bí ẩn giúp họ có thể vươn lên thành chuyên gia số một trong lĩnh vực của họ, nhưng chính các nhân tố khác, như gia đình, văn hóa, hoặc thậm chí cả ngày sinh, lại có tác động đáng kể lên sự thành công đó.
Ai nên đọc cuốn sách này?
- Bất cứ ai muốn hiểu sâu sắc hơn về thành công và phương pháp đạt được nó
- Các giáo viên, huấn luyện viên và những người trong ngành đào tạo
- Những chuyên gia tư vấn và những người quan tâm đến cải cách đất nước
Tác giả cuốn sách này là ai?
Malcolm Gladwell là cây viết nổi tiếng cho tạp chí New Yorker. Ông bước chân vào nghề báo dưới vai trò phòng viên mảng Kinh doanh và Khoa học cho tờ Washington Post. Năm 2005, ông lọt vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất của tạp chí Times.
Ngoài Những kẻ xuất chúng, Gladwell đã viết 1 vài cuốn sách best-seller khác, bao gồm Điểm bùng phát: Làm thế nào những điều nhỏ bé tạo nên sự khác biệt lớn lao (The Tipping Point) và Trong chớp mắt: Sức mạnh của việc suy nghĩ mà không cần suy nghĩ (Blink).
MỘT: Cuốn sách này có ích gì cho tôi? Tại sao thành công “tự thân” chỉ là 1 truyền thuyết
Đã bao giờ bạn đọc cuốn tiểu sử của một nhân vật nổi tiếng mà bí quyết thành công của họ chỉ nhờ may mắn? Có lẽ không. Mọi người thường nghĩ họ hẳn phải vươn đến đài vinh quang nhờ tài năng và nỗ lực. Những mẩu tóm tắt tiếp theo sẽ cho bạn thấy những truyền thuyết về nhóm người “tự thân lập nghiệp” đó chỉ là những lời đồn thiếu căn cứ. Bạn sẽ thấy rất nhiều nhân tố vô hình ảnh hưởng đến thành công của một người, và đa phần nằm ngoài sự kiểm soát của họ.
Trong các phần tiếp, bạn sẽ học được
- Tại sao Bill Gates và nhóm Beatles trở nên thành công đến vậy;
- Tại sao ngày bạn sinh có thể khiến bạn không bao giờ có thể trở thành một ngôi sao khúc côn cầu; và
- Trồng lúa thì có liên hệ gì đến kĩ năng giải toán.
HAI: Văn hóa của ta thích những câu chuyện về “cá nhân tự lập”
Nếu ta gặp một nhà toán học xuất chúng, ta thường cho rằng tài năng tư duy logic của anh ta, về cốt lõi, là do bẩm sinh. Ta cũng nghĩ tương tự đối với sự khéo léo của các vận động viên chuyên nghiệp, cảm nhận về nhịp điệu của các nhạc sĩ, hay kĩ năng giải quyết vấn để của các lập trình viên.
Sở dĩ là bởi là ta thường vô thức cho rằng thành tích của một người là do nỗ lực và khả năng bẩm sinh của anh ta.
Khi Jeb Bush tranh cử chức thống đốc bang Florida, ông gọi mình là “một người tự lập” như một phần trong chiến lược tranh cực. Quả thực, tuyên bố đó là trò hề, bởi trong họ nhà ông có hai tổng thống Mỹ, một giám đốc ngân hàng phố Wall giàu có, và một nghị sĩ Mỹ. Tuy nhiên, chủ nghĩa cá nhân vẫn rất nổi trội trong văn hóa Mỹ, vì vậy ông đã tận dụng nó.
Thành thích của Jeb Bush khiến ông trở thành một kẻ xuất chúng (outlier) – một người đã giành được kì tích về mặt thống kê. Nhưng giống như xuất thân đầy lợi thế của Bush đã giúp ông vươn lên, các yếu tố ngoại lai khác cũng giúp những kẻ xuất chúng vượt lên trung bình.
Ta đặt quá nhiều niềm tin vào các cá nhân và bảng thành tích “tôi tự làm ra” của họ tới mức quên mất các biến số khác.
Truyền thuyết về “anh hùng tự thân” chỉ là một ảo tưởng – nhưng rất rất phổ biến.
BA: Khi bạn đạt tới ngưỡng nào đó, tập luyện thêm sẽ không thể giúp bạn thành công
Mặc dù tài năng thiên bẩm quan trọng, nhưng có chiều cao 2m cũng không đảm bảo bạn có 1 hợp đồng bóng rổ triệu đô, và có chỉ IQ cao ngất ngưởng không tự động biến bạn thành chủ nhân giải Nobel. Tại sao lại thế?
Những phẩm chất kiến tạo thành công – như chiều cao đối với các cầu thủ bóng rổ hay trí thông minh tính toán với các nhà toán học – có một “ngưỡng” nào đấy. Ví dụ, nếu đã cao hơn 2m, có thêm vài cm không đem lại sự khác biệt lớn cho người chơi.
Điều này cũng đúng trong ngành giáo dục: một số trường luật hạ các tiêu chuẩn đầu vào thấp xuống cho các nhóm thiểu số dưới chính sách ưu tiên (affirmative action). Những sinh viên này thường học kém hơn một chút so với các bạn bè da trắng, nhưng khi xem xét công việc của họ sau khi ra trường, sự khác biệt này đã biến mất. Cho dù họ có thể hiện kém hơn trước và trong khi học trường luật, nhóm thiểu số này có mức lương ngang bằng, nhiều bằng khen như nhau, và cũng đóng góp rất nhiều cho giới luật gia như những người bạn da trắng của họ.
Giống như chiều cao của các cầu thủ bóng rổ chỉ có giá trị đến một ngưỡng nào đấy, sau khi bạn có đủ chuyên môn luật, các yếu tốt khác bắt đầu đóng vai trò quan trọng hơn. Các kĩ năng và phẩm chất liên quan là những nền tảng cần thiết để thành công trong một lĩnh vực – bạn không thể là chuyên gia luật hàng đầu nếu bạn có kĩ năng lý luận logic bằng 0 – tuy nhiên một khi chạm đến ngưỡng, việc tiếp tục tập luyện kĩ năng này sẽ không thể đưa bạn tiến xa. Các xúc tác khác như kĩ năng xã hội, mạng lưới, hay thậm chí may mắn, thì có thể.
BỐN: Những chuyên gia hàng đầu trong bất cứ ngành nào cần ít nhất 10,000 giờ tập luyện – không phải chuyện đơn giản
Mặc dù tài năng chắc chắn là yếu tố thiết yếu trong công thức thành công, bạn cũng phải cực kì chăm chỉ. Bill Gates dành cả ngày để học lập trình máy tính. Nhóm Beatles tập nhạc thường xuyên trên sân khấu. Đúng là họ rất giỏi, nhưng nhờ tập luyện bền bỉ thì họ mới vươn tới đẳng cấp thế giới.
Để trở thành chuyên gia trong bất cứ thứ gì, các nghiên cứu cho thấy bạn cần dành một khoảng thời gian tối thiểu – khoảng 10,000 giờ – luyện tập. Tất nhiên, không phải cũng có cơ hội tu luyện như vậy.
Đầu tiên, bạn cần có cơ hội khởi đầu sớm để có thể luyện tập tối đa và đảm bảo lợi thế xuất phát trước trong cuộc đua. Ngoài ra, bạn hoặc gia đình của bạn cũng cần phải có nguồn lực để hỗ trợ; nếu dành 40 tiếng/tuần để cố gắng trở thành một nghệ sĩ violin nổi tiếng thế giới, bạn làm gì còn thời gian làm việc nhà.
Tùy thuộc vào ước mơ mà bạn sẽ cần tiếp cận các thiết bị tiên tiến, đắt tiền khác nhau. Lời động viên từ gia đình, bạn bè, huấn luyện viên, giáo viên, và người quen bạn gặp trên đường có đều sẽ giúp ích.
Nếu bạn may mắn, như Bill Gates hay nhóm Beatles, bạn sẽ có tất cả những thứ trên. Tuy nhiên, rất nhiều người không được như thế, vì vậy về căn bản là đã mất đi cơ hội để có thể trở thành chuyên gia số một trong lĩnh vực mình chọn.
NĂM: Tháng sinh của bạn có thể ảnh hưởng lớn đến thành tích bạn đạt được.
Tuổi tương đối của bạn – số tuổi trong tương quan với bạn bè đồng chăng lứa – có thể là con dao hai lưỡi.
Đây là một ví dụ: Tại Canada, trong liên đoàn khúc côn cầu thiếu niên, độ tuổi gia nhập hợp lệ là ngày 1 tháng 1. Tất cả những trẻ sinh cùng một năm dương lịch sẽ tranh đấu với nhau. Có vẻ công bằng, phải không?
Tất nhiên không. Nó khiến những đứa sinh tháng 1 chiến đấu với những đứa sinh tận tháng 12. Nói cách khác, những đứa trẻ sinh cuối năm sẽ phải cạnh tranh với lũ bạn lớn mình gần một tuổi.
Hệ thống này không chỉ bất công mà còn tạo ra hiện thực hóa lời tiên đoán (self-fulfilling prophecy): các huấn luyện viên sẽ khen ngợi những đứa trẻ 9 tuổi tốt nhất bởi vì chúng khỏe hơn, chơi tốt hơn, nhưng thực tế là chúng chỉ già dặn hơn – một năm thôi cũng đủ tạo ra sự khác biệt lớn lao khi nó chiếm tới 1/8 cuộc đời chúng.
Những đứa trẻ có lợi thế về tuổi này sẽ giành được nhiều sự động viên và cơ hội để cải thiện vào giai đoạn quan trọng nhất trong chu trình phát triển. Đó được gọi là lợi thế tích lũy, và đó là lý do tại sao các cầu thủ khúc côn cầu chuyên nghiệp tại Canada có ngày sinh thuộc nửa đầu năm hơn là nửa cuối.
Bạn có thể sẽ nghĩ, “Hey, không phải vấn đề to tát – Tôi không chơi khúc côn cầu. Tôi thậm chí không phải dân Canada!”
Nhưng tuổi tương đối có thể tạo ra các cơ hội không công bằng trong rất nhiều lĩnh vực sử dụng ngày kết sổ hàng năm để phân chia mọi người theo các nhóm tuổi. Hầu hết các liên đoàn thể thao sử dụng chúng. Một nơi khác? Các nhà trường.
Vì vậy, một bé gái 5 tuổi có độ tập trung ngắn hạn khiến em vẽ nghệch ngoạc lên bài tập đánh vần của mình có thể lớn lên với suy nghĩ mình là “đứa trẻ có vấn đề.” Đồng thời, một đứa trẻ 6 tuổi bình tĩnh khác ngồi cạnh cô có thể sau này vào Harvard.
SÁU: Cách bạn được nuôi dạy cũng ảnh hưởng lớn đến độ thành công của bạn.
Sau khi kĩ năng của bạn đạt đến một “ngưỡng”, những khả năng tự nhiên sẽ không còn có ý nhiều cho cuộc truy tìm sự thành công. Một yếu tố quan trọng hơn nhiều là liệu bạn có trí thông minh thực dụng.
Đây là loại kiến thức “theo qui trình”: biết cách hòa đồng và phối hợp với người khác để đạt được thứ bạn muốn – hay nói cách khác, nên hỏi ai, điều gì, và khi nào. Khả năng tương tác và đàm phán với những nhân vật đứng đầu như giáo viên, trưởng phòng, giám đốc…cũng giúp mọi người tiến gần hơn đến mục tiêu.
Kiến thức này không sinh ra đã có. Nhà xã hội học Annette Lareau phát hiện ra rằng những phụ huynh giàu có truyền cho con mình cảm giác “tôi có quyền” nhiều hơn cha mẹ ở tầng lớp dưới. Nói chúng, họ giáo dục con bằng cách tập trung hơn vào chúng, hay ít nhất cung cấp cho đứa trẻ các hoạt động phong phú, thúc đẩy phát triển trí tuệ.
Trái lại, những cha mẹ nghèo thường sống khép nép, và để trẻ đi theo mô hình “tăng trưởng tự nhiên” – không thúc ép, không kích thích, không khích lệ như các gia đình giàu. Điều này có nghĩa trẻ em từ xuất thân khó khăn sẽ ít được dạy trí thông minh thực tế hơn, khiến giảm đáng kể khả năng thành công của chúng.
BẢY: Tác động của năm sinh lên thành công
Những lợi thế “bất công” trong cuộc đời có rất nhiều nguồn gốc.
Hãy xem xét một vài tỉ phú công nghệ có tên tuổi lớn: Bill Gates, Steve Jobs, và đồng sáng lập Sun-Microsystems, Bill Joy. Tất cả bọn họ đều sinh ra với tài năng lý luận logic xuất chúng, cũng như đầy tham vọng, trí thông minh thực tiễn, và cơ hội để thực hành các kĩ năng của mình. Bí ẩn của thành công đã bị bóc mẽ?
Hãy từ từ. Họ không chỉ có những điều kiện đó; họ còn có “thiên thời”, giúp họ có thể thực hành 10,000 giờ lập trình máy tính vào đúng thời điểm trong lịch sử.
Để có thể bắt kịp xu hướng ngành phần mềm luôn thay đổi, họ phải được sinh đúng lúc: đủ muộn để có thể tiếp cận mẫu máy tính mới, giúp tìm ra các lỗi lập trình đơn giản hơn, nhưng không quá muộn để không bị người khác chớp mất ý tưởng. Họ cũng phải đủ chín để khi khởi sự doanh nghiệp; nếu già hơn, họ có thể lại quan tâm đến chuyện “yên ổn” hơn là chấp nhận rủi ro lớn giúp họ thành công.
Không phải ông chủ công nghệ thành công nào cũng sinh giữa năm 1954 và 1956, nhưng sự thật là rất nhiều sinh trong khoảng đó cho thấy yếu tố “thiên thời, địa lợi” vô cùng quan trọng.
TÁM: Quê bạn ở đâu có thể có ảnh hưởng lớn đến những gì bạn đạt được.
Bạn có thể hay nghe đến khuôn mẫu dân châu Á thì giỏi toán. Một số có thể thốt lên, “Động chạm chính trị!” khi nghe điều này, nhưng đúng là một vài yếu tố văn hóa phương Đông khuyến khích học sinh học toán tốt hơn. Đầu tiên là ngôn ngữ. Khi trẻ học đếm số bằng từ trong ngôn ngữ châu Á, chúng tự động học được cách làm phép cộng, vì vậy phát triển năng lực toán học ngay từ khi còn nhỏ.
Ngoài lợi thế ngôn ngữ, gạo – khẩu phần ngũ cốc chính của người châu Á – cũng khuyến khích các sinh viên học toán bởi vì ngành nông nghiệp lúa nước yêu cầu kỉ luật lao động cao hơn. Trồng lúa khó hơn nhiều trồng các cây trồng khác ở châu Âu. Một vụ lúa bội thu đòi hỏi sự chính xác, hợp tác và kiên nhẫn.
Các chế độ phong kiến ở châu Âu làm nông dân không thu lợi được nhiều; họ phải trả hầu hết hoa màu của họ cho các địa chủ bất nhân, nhưng hệ thống này lại không phổ biến ở châu Á, vì vậy trồng lúa là công việc cho thấy rõ mối tương quan giữa năng lực và phần thưởng. Vì thế, ý thức chăm chỉ đã bén rễ từ xa xưa; có một câu tục ngữ lâu đời minh họa điều này rất rõ, “Không ai dậy trước bình minh 360 ngày trong một năm lại không thể làm gia đình anh ta giàu có.”
Điều này có liên quan gì đến toán? Giống như trồng lúa, toán đòi hỏi rất nhiều tư duy: bạn có thể dành cả giờ để cố gắng hiểu ra tại sao đáp án là 19,473.6 chứ không phải là -17. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các sinh viên phương Tây bỏ cuộc trước các bài tập toán sớm hơn nhiều bạn bè châu Á.
Vậy nên, đúng là dân châu Á thường giỏi toán hơn; nó là một phần trong di sản văn hóa của họ. Những người có tổ tiên làm việc trên các cánh đồng lúa thường thừa hưởng thái độ làm việc rất có ích cho việc học toán. Tính cách này lưu truyền lại, kể cả khi rất nhiều thế hệ đã không còn quan tâm tới việc đồng áng.
CHÍN: Nếu ta ghi nhận sự quan trọng của di sản văn hóa, ta có thể giúp mọi người vươn tới thành công – và tránh phải thất bại.
Có những sự việc gọi là “phi thường” nhưng không theo kiểu đáng ca ngợi, mà điển hình là tai nạn máy bay. Chúng xảy ra là do sự tích tụ của một chuỗi những vấn nạn nhỏ hoặc những lỗi mà bản thân không đáng kể. Nhưng giống như Bill Gates gặp được cơ hội may mắn hết lần này đến lần khác, các phi công cũng có thể vấp phải vô số vấn đề nhỏ có thể kéo đến thảm họa
Một ví dụ là Hãng hàng không Hàn Quốc, trước năm 2000, bị mang tiếng không an toàn. Tỉ lệ tai nạn của họ cao hơn 17 lần mức trung bình ngành. Nguyên nhân cho vấn đề này rất có thể là một di sản khác của văn hóa Hàn Quốc, giống như quan niệm dân châu Á giỏi toán.
Văn hóa Hàn Quốc coi trọng sự phục tùng và cho rằng người ta luôn nên coi trọng ý kiến cấp trên. Vì vậy, nếu cơ trưởng mắc lỗi, những thành viên tổ bay sẽ không dám cãi lời cấp trên bởi vì văn hóa không khuyến khích họ làm thế.
Một trong những vụ tai nạn của Hãng hàng không Hàn Quốc tại Guam có thể được truy nguồn về lỗi giao tiếp này. Cơ phó của chuyến bay cố gắng bảo người cơ trưởng đã kiệt sức rằng tầm nhìn đường bay quá kém, nhưng để tránh làm phật lòng với lời phê phán rõ ràng, anh ta chỉ nói,
“Anh có nghĩ là trời mưa to hơn không? Ở khu vực này ấy?”
Người cơ trưởng bỏ lơ lời bình luận rón rén của cơ phó về thời tiết – và máy bay của họ đâm sầm vào một ngọn đồi.
Sau một cuộc cải cách thừa nhận vấn đề về di sản văn hóa thứ bậc cứng nhắc của Hàn Quốc có thể gây nguy hiểm cho máy bay, Hãng hàng không Hàn Quốc đã thuê một công ty Mỹ để cải thiện kĩ năng giao tiếp của tổ bay. Ngày nay, mức độ an toàn của nó đã ngang bằng với các đối thủ.
MƯỜI: Nếu ta nhận thức những lý do khiến sân chơi trở nên không bình đẳng, ta có thể đem lại nhiều cơ hội thành công hơn cho mọi người.
Những quy trình ta sử dụng để sàng lọc tài năng mới nở thành những nhân vật thành công hiếm khi hiệu quả, dẫn đến bỏ sót nguồn nhân tài lớn.
Trong khúc côn cầu, chọn ngày khóa sổ hàng năm đồng nghĩa với việc những đứa trẻ sinh muộn phải cạnh tranh với những đứa lớn hơn chúng gần 1 tuổi. Nhưng một cầu thủ hockey sinh ngày 27 tháng 12 không thể để quay trở lại bụng mẹ để đợi đến sau ngày 1 tháng 1 mới ra đời để có lợi thế ngang bằng.
Rất nhiều cầu thủ lẽ ra đã có tương lai tươi sáng hơn nếu các nguồn lực không đổ vào những người có xuất phát điểm không công bằng nhờ sinh đúng thời điểm. Lợi ích tích lũy với người này đồng nghĩa với bất lợi cộng dồn với người khác.
Tuy nhiên một khi lỗi hệ thống này được ghi nhận, nó có thể được sửa chữa. Thay vì sử dụng ngày khóa sổ hàng năm, ta có thể chia những cầu thủ nhỏ thành 4 nhóm nhỏ cho tới khi lợi thế tuổi tương đối giảm xuống. Các em sinh từ tháng 1-3 có thể chơi trong một nhóm, tương tự với tháng 4-6…
Tương tự như với hệ thống giáo dục. Thay vì không làm gì và để con nhà giàu có tiếp cận được nhiều cơ hội hơn, ta có thể tạo ra các chương trình như học viên KIPP (Chương Trình Kiến Thức Là Sức Mạnh – Knowledge Is Power Program) của South Bronx – trường trung học chất lượng cao dành cho những học sinh đến từ các khu vực có thu nhập thấp. Mặc dù không phải thi sát hạch hay đề ra tiêu chí tuyển sinh, và đa phần học sinh có hoàn cảnh khó khăn, KIPP vẫn có thể giúp 84% học sinh của mình đạt thành tích về toán cao bằng hoặc cao hơn cấp lớp 8.
MƯỜI MỘT: Tổng kết
Thông điệp chính trong cuốn sách này là:
Không một ai có thể chỉ dựa trên chính họ mà thành công được. Đỉnh cao vinh quang là kết quả của một chuỗi những cơ hội gần như trời cho, may rủi, và ngẫu nhiên kết hợp lại (mà ta còn gọi là thiên thời, địa lợi, nhân hòa) để tạo ra hoàn cảnh chín muồi giúp họ đạt được thành tích như hiện tại.
Trạm Đọc (Read Station)