Có một loại khủng hoảng sau khi ra trường mà hầu hết sinh viên tốt nghiệp đều trải qua. Đi rải hồ sơ khắp nơi, từ công ty danh tiếng đến công ty mới mở, từ tổ chức to đến tổ chức nhỏ, nhưng chẳng thấy có hồi âm, hoặc là người ta không thích bạn, hoặc là bạn thấy không hứng thú với người ta. Rồi khi mới bước chân vào làm thì bị sai vặt đủ các kiểu, ma cũ bắt nạt ma mới khiến bạn chán nản mà muốn nhảy việc.
Một loại khủng hoảng khác khi tân sinh viên mới bước vào trường đại học, môi trường sống bỗng chốc bị thay đổi đột ngột. Bạn nghĩ khi bạn học cấp ba, thành tích cũng không đến nỗi nào sao lên đại học mình lại sa sút thế này. Bạn hào hứng nộp đơn vào năm sáu câu lạc bộ của trường nhưng khi đi phỏng vấn thì nhận được câu “Chúng tớ không tuyển người giỏi nhất mà chỉ tuyển người phù hợp nhất. Rất tiếc….”. Việc này khiến bạn thực sự mất niềm tin vào chính bản thân mình.
Loại cuối tôi muốn nhắc đến xảy ra khi bạn vẫn còn đang mài đũng trên ghế trường cấp ba. Lúc mới bước vào trường đã chia ra các lớp A, B, C theo điểm thi đầu vào. Những bài kiểm tra định kỳ, những kỳ thi tháng khiến bạn mệt mỏi vì mục tiêu chỉ là để “em có thể vào đại học”. Và những lời thầy cô cha mẹ văng vẳng bên tai “hãy nhai hết những cuốn vở này, em sẽ bước qua tuổi mười tám”.
Cứ mỗi khi gặp những chuyện mình cảm thấy bất lực, thay vì xem những chương trình giải trí, hay đi hát hò xả stress như người ta thì tôi lại chọn một cuốn sách, và lần này là cuốn Ta có bi quan không? của Khải Đơn. Chỉ nghe tên cuốn sách thôi, có lẽ đã không ai có thể vượt qua được vũng lầy của đời mình rồi.
Đúng, lẽ ra là phải thế. Khi gấp lại cuốn sách Ta có bi quan không? tôi cảm thấy như đã tìm được bản ngã của chính mình, để thấy rằng mình đang thực sự bi quan, nhìn đời qua lăng kính màu xám. Nhưng tôi lại nhận ra một sự thật vô cùng quan trọng. Không một phép màu hay bất cứ thế lực nào có thể giúp bạn trưởng thành mà không sai lầm, không đau đớn.
Ta lớn lên với lòng đố kỵ khi nhìn thấy nhiều người thành công xung quanh mình, nhưng đừng để lòng đố kỵ ấy làm ta mù quáng. Hãy nuôi dưỡng khả năng của chính mình thay vì mải mê tấn công và bắt lỗi người khác. Và khi đang sống ngột ngạt trong quãng thời gian khó khăn, đừng chỉ đứng đấy mà hỏi “Ai sẽ cứu lấy tôi?” vì tất cả mọi người cũng chỉ là những kẻ mù lòa trên con đường bất định của đời họ, ai có lòng kiên trì và can đảm thì sẽ đi được đến cuối con đường hướng ra ánh sáng.
“Ta học cách tự lành vết thương, thay vì kỳ vọng vị anh hùng nào đó xuất hiện để cứu lấy mình. Chẳng ai cứu được kẻ phiêu lưu chọn buông mình xuống vực thẳm. Chẳng ai giúp được người chọn quăng mình xuống dòng sông chảy xiết. Đau khổ là điều cuối cùng không thể sẻ chia, và ta phải tự học điều đó.”
Bạn nghĩ mình vẫn còn nhiều thời gian để học điều đó, “Mình còn chưa đến ba mươi tuổi”. Nhưng khi nhìn lại, bạn kinh hoàng nhận ra quá nửa chỗ thời gian ấy bạn ngủ rất nhiều, bạn nhậu nhẹt nói chuyện linh tinh với bạn bè cũng rất nhiều. Giống như chị Khải Đơn nhận xét về chính mình “vô trách nhiệm với tuổi trẻ của mình, hoang phí thời gian trong những ngày đờ đẫn không thèm bước tiếp, chẳng làm gì và mặc kệ cái gì tới thì tới”. Ôi, có phải đã quá muộn rồi không?
Không, vẫn chưa muộn. Nhưng chỉ có chính bạn nỗ lực mới có thể giải thoát chính mình. Hoặc làm một “người hùng” hoặc làm một kẻ thua cuộc bị đời nhấn chìm. Hãy sống như thể ngày mai là ngày cuối cùng, yêu lấy bản thân mình, yêu gia đình và bạn bè, yêu lấy cả công việc bạn đang làm. Người đời đặt đâu đừng chỉ có ngồi yên đấy. Nếu không muốn khổ sở thoát ra khỏi vũng lầy thì ngay từ đầu đừng mù quáng đặt chân vào đó, liều lĩnh nhưng hãy thận trọng, cuồng nhiệt nhưng hãy giữ mình. Và cuối cùng, tự xây dựng cho mình kiến thức và lòng can đảm để có ngồi cạnh đống lửa lớn cũng không bao giờ sợ bị bỏng.
Tuổi trẻ là của bạn, thời gian là của bạn. Nếu bạn còn không muốn tự cứu lấy nó thì bạn mong chờ ai sẽ làm việc đó thay bạn đây.
Trạm Đọc