Obama đã có “một lịch sử” những bài diễn thuyết đi vào lòng người mà có lẽ người dân sẽ luôn nhớ về ông như một chính trị gia bậc thầy về nghệ thuật hùng biện.
Trong ngày làm việc thứ 2 tại Việt Nam của tổng thống Obama, ông lại một lần nữa làm hơn 4000 sinh viên, trí thức Việt Nam tại Trung tâm hội nghị quốc gia Hà Nội sởn gai ốc với tài năng diễn thuyết thần sầu của mình.
Đây không phải là lần đầu tiên mà khả năng thuyết trình của ông được ca ngợi. Obama đã có “một lịch sử” những bài diễn thuyết đi vào lòng người mà có lẽ người dân sẽ luôn nhớ về ông như một chính trị gia bậc thầy về nghệ thuật hùng biện.
Trạm Đọc xin phân tích bài diễn văn đầy ấn tượng của ông trong chuyến công du có lẽ là cuối cùng với tư cách người đứng đầu Hoa Kỳ tại Việt Nam của ông dựa trên cuốn sách “Nói theo phong cách của Obama” của chuyên gia về nghệ thuật lãnh đạo Shel Leanne.
Thứ nhất, tạo ấn tượng mạnh ngay lần đầu gặp mặt
Chúng ta chỉ có khoảng 7 giây ngắn ngủi để ghi điểm trong mắt người khác ở lần gặp đầu tiên, và Obama áp dụng triệt để cơ hội quý giá này để giành điểm trong mắt khán giả Việt Nam.
Đầu tiên là hình ảnh và ngôn ngữ cơ thể. Trên khái đài của Trung tâm hội nghị quốc gia, ông đứng vững, vai vuông, và đặt hai tay lên mỗi bên của bục, thể hiện sự tự tin và uy quyền.
Bí quyết thứ hai của ông là tận dụng giọng nói thiên phú của mình và vô cùng uyển chuyển trong ngữ điệu. Ông cũng biết lên giọng những lúc cao trào, nhấn mạnh những điểm quan trọng, ngắt nhịp bài nói linh hoạt, tô màu cảm xúc bài nói của mình, lúc thì đầy hi vọng, lúc thì đầy hài hước, lúc thì đầy nghiêm trang, người nói và bài nói như nhập làm một.
Thứ hai, phá bỏ những rào cản
Một trong những thủ thuật mà những người nổi tiếng sử dụng khi đến nước ngoài để phá băng đó là mở đầu câu chuyện bằng ngôn ngữ của quốc gia đó. Tuy nhiên, Obama làm được nhiều hơn chỉ là câu nói “Xin chào, Việt Nam” dễ thương của mình, mà còn áp dụng rất nhiều các kĩ thuật khác.
Đầu tiên, ông thừa nhận “có con voi đang ở trong phòng”, nghĩa là thẳng thắn nhìn nhận những căng thẳng tiềm tàng giữa 2 bên. Vì cũng chỉ cách đây chừng 50 năm, nước Mỹ mà ông đại diện đã sa lầy vào cuộc chuyến tranh Việt Nam khiến hàng triệu người dân ta ngã xuống.
Trong phần mở đầu, Obama đã đề cập ngay đến vấn đề “khó xử” này khi nói rằng “Nhiều người trẻ Việt Nam cũng như hai con gái của tôi khi sinh ra chỉ biết đến tình hòa bình và hữu nghị Việt Nam – Hoa Kỳ, do vậy khi đến đây tôi ý thức về quá khứ nhưng chúng ta nên hướng về tương lai, sự thịnh vượng, an ninh và sự ổn định để chúng ta có thể thúc đẩy lẫn nhau….Chiến tranh lạnh và nỗi lo sợ với chủ nghĩa cộng sản đã đưa chúng ta tới một cuộc chiến. Chúng ta đã nhận thức được sự thật đau đớn rằng chiến tranh dù cho thế nào đi nữa đều mang lại sự đau đớn và bi kịch cho người dân của chúng ta.”
Không chỉ kêu gọi 2 dân tộc xích lại gần nhau để vượt qua nỗi đau ấy, ông Obama còn thấy sự gắn kết bền chặt về những giá trị chung mà hai nước cùng theo đuổi, như giá trị về bình đẳng, và tự do mà Bản Tuyên ngôn Độc lập của hai nước cùng được nói đến.
Gác lại những rào cản, cùng hướng tới tương lai, đó luôn là phong cách của vị tổng thống “Yes, we can”
Thứ ba, chiếm cảm tình
Có lẽ chưa có một vị tổng thống Mỹ nào chiếm được trái tim của người Việt Nam như Obama.
Làm sao có thể không “yêu được” khi mới ngày hôm qua, Obama ăn tối trong một quán bún chả bình dân, cầm trên tay chai bia Hà Nội, bắt tay và chụp ảnh tự sướng với người dân xung quanh. Và Obama cũng không ngần ngại cập nhật những chi tiết này trong bài phát biểu của mình: “Trong chuyến thăm này, sự thân thiện của những người Việt Nam đã chạm tới trái tim của chúng tôi. Nhiều người đã vẫy tay chào tôi bên đường, làm tôi cảm thấy được tình cảm dân tộc. Hôm qua tôi đến thăm phố cổ Hà Nội và được ăn bún chả rất ngon, uống bia Hà Nội. Đường phố thật đông đúc, tôi chưa bao giờ thấy nhiều xe máy như vậy. Tôi chưa thử đi qua đường, nhưng sau này có dịp trở lại Việt Nam, các bạn sẽ chỉ cho tôi cách qua đường như thế nào.”
Đây là cách mà một bậc thầy diễn thuyết nhập cả bản thân mình vào bài nói.
Thứ 4, chuyển tải quan điểm qua hình ảnh và các từ ngữ đầy ấn tượng
Không rõ các lãnh đạo của Việt Nam sang Mỹ sẽ đưa những chi tiết biểu tượng nào khi phát biểu về nước Mỹ, nhưng trong lần này, Obama hẳn đã biết cách chọn lọc những hình ảnh mà người con Việt Nam cũng ghi nhớ và tự hào.
Đó là: “Hàng nghìn năm, Việt Nam đã trồng cấy ở những mảnh đất này. Chúng ta đã có lịch sử trống đồng Đông Sơn. Hà Nội đã đứng vững trên dòng sông Hồng hơn một nghìn năm. Thế giới đều biết đến lụa và những bức tranh của Việt Nam và Văn Miếu là bằng chứng kiến thức của Việt Nam.”
Muốn hiểu một dân tộc, không gì bằng hiểu văn học nghệ thuật của dân tộc đó; vừa trích một bài thơ đầy hùng khí “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt – mỗi khi đọc lên người Việt lại rạo rực về ý thức chủ quyền dân tộc – sau đó Obama đã khéo léo sử dụng thêm câu thơ của Nguyễn Du “Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi” làm tăng tính uyển chuyển của người nói.
Việc chọn lựa hình ảnh này thể hiện khả năng thấu hiểu cũng như tinh tế trong lựa chọn để đảm bảo những ý tưởng phổ quát được diễn tả lại một cách “bản địa” nhất đến người nghe.
Thứ 5, truyền tải tầm nhìn
Có lẽ, điều khiến người dân Việt Nam phấn khích khi Obama đến thăm Việt Nam là niềm hi vọng mà ông mang theo. Trong 2 chiến dịch tranh cử của mình, hi vọng và sự thay đổi về một nước Mỹ tốt đẹp hơn là thông điệp chính mà ông truyền tải qua các bài diễn thuyết lay động lòng người của mình.
Khi tới Việt Nam, ông mang lại hi vọng về một trường đại học Fullbright chất lượng quốc tế sẽ đi vào hoạt động, rằng “thế hệ trước của người Mỹ đến đây để chiến đấu, nhưng thế hệ sau của người Mỹ đã đến đây đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị hai nước”.
Cá nhân ông với tư cách là tổng thống Mỹ cũng ủng hộ mạnh mẽ vào hiệp định TPP sẽ thúc đẩy thương mại, các vấn đề bình đẳng quốc tế, nhân quyền, bảo vệ môi trường… Đây là những tầm nhìn trong tương lai được ông truyền tải rất rõ ràng trong chuyến thăm lần này.
Những dẫn chứng trong bài nói này cho thấy Obama không chỉ là một tổng thống “giỏi văn” mà còn là người thực sự thay đổi thế giới này.
Trạm đọc (Read Station)