(Tiểu thuyết “Hồ”, tác giả Yasunari Kawabata – NXB Văn học, Nhã Nam, 2016)
“Có một người xấu xí… Nói ra thì e là vô lễ chứ chắc hẳn cũng vì hắn xấu ơi là xấu như thế nên mới trở thành thi sĩ cũng không chừng”. Kawabata đã mở đầu truyện ngắn Shashin (Bức ảnh) bằng bức ảnh của một nghệ sĩ có “khuôn mặt không chơi được”. Tự nhận mình là một du khách “sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản” dùng cả cuộc đời mình cho xứ mệnh truy tìm cái đẹp, dễ hiểu vì sao Kawabata lại “dị ứng” với những thứ xấu xa, nhơ bẩn, quái dị tồn tại xung quanh mình.
Quan niệm cực đoan ấy đã đẩy Kawabata tới nhiều sai lầm trong cuộc đời ông mà đáng tiếc nhất có lẽ là sự việc nhà văn này đã phê phán D. Osamu là “tác giả phảng phất cái mùi của cuộc sống hạ đẳng”. Trong diễn từ Nobel văn chương của mình, một lần nữa Kawabata lại xoáy sâu mối xung đột với người đã khuất khi tiếp tục chỉ trích: “dù thế giới có xa lạ bao nhiêu, thì tự sát cũng không dẫn đến giải thoát. Người tự sát dù có cao thượng đến bao nhiêu, anh ta vẫn còn lâu mới là người thông tuệ. Không phải Akutagawa, không cả Dazai Osamu (1909- 1948), người tự sát sau chiến tranh, không một người tự sát bất kỳ nào khác gợi trong tôi cả sự thấu hiểu lẫn thông cảm”. Để rồi, ông đã chọn cái chết bằng hơi độc trong sự cô đơn.
Tác giả Yasunari Kawabata
Phải đến năm 1972, những nỗi u buồn tích tụ từ chiến tranh, bệnh tật, chuyện đời tư mới chính thức đánh gục Kawabata. Nhưng mầm mống của bi kịch ấy đã sớm được dự báo kể từ khi ông viết Sebazuru (Ngàn cánh hạc), Yama no Oto (Tiếng rền của núi)và nhất là tiểu thuyết ngắn Mizuumi được xuất bản năm 1954 (bản dịch Hồ, NXB Văn học, Nhã Nam, 2016). Cũng như tiểu thuyết Tiếng rền của núi được Kawabata hoàn thành trước đó không lâu, Hồ là một tiểu thuyết kỳ ảo với thế giới truyện ma mị mà ranh giới giữa thực và mộng đã bị xóa nhòa. Trong đó, yếu tố kỳ ảo dường như chỉ là một “chiếc mặt nạ không tốt, nghệ thuật không tốt” che đậy những lời bộc bạch của Kawabata về cuộc đời ông và sự tan vỡ những đức tin về đất nước và con người Nhật Bản mà tác gia này từng níu giữ trong suốt thời kỳ diễn ra thế chiến thứ hai. Nhân vật chính của Mizuumilà Gimpei có thể xem là một bản sao “lỗi” của Kawabata khi ông lấy chính cuộc đời mình làm nguyên mẫu xây dựng nên hình tượng gã đàn ông quái gở có sở thích săn tìm những người phụ nữ đẹp này. Cũng như Kawabata, Gimpeitừng là một đứa trẻ mồ côi, phải sống những ngày cơ cực với gia đình nhà dì, yêu văn chương và mỹ nhân. Nhưng như đã nói, Mizzumi không phải là một tự truyện, Kawabata – một nhà văn am hiểu phật học đã “tự đầu thai” mình trong kiếp sống của Gimpei. Hay nói một cách khác, Kawabata đã tạo ra một hiệu ứng cánh bướm trong tiểu thuyết Hồ khi cho Gimpei trẻ hơn mình khoảng 20 tuổi, là người trực tiếp tham gia thế chiến thứ hai – một cuộc chiến mà tác giả đã “rũ bỏ trách nhiệm” của một người Nhật “chân chính”. Trong Hồ, Gimpei đã trở thành một anh lính hèn nhát, một kẻ đang tâm giết chết đứa con mới chào đời, một tên thầy giáo dạy văn hư hỏng, một tên biến thái ưa rình rập phụ nữ, nhưng tồi tệ nhất là y đã biến thành một “kẻ hạ đẳng” thay vì hóa thân thành Kawabata – một nhà văn đức cao vọng trọng, thờ ơ với chiến cuộc. Trong Mizuumi, Gimpei không phải là kẻ hạ đẳng duy nhất khi chiến tranh đã làm sụp đổ hoàn toàncăn tính dân tộc của Nhật Bản khi cướp đi những người con ưu tú đẹp đẽ nhất và để lại những ông lão già nua, những nam sinh yếu đuối và thiếu sức sống. Cứu cánh cuối cùng của họ là cái đẹp, chính xác hơn là các mỹ nhân. Song rút cục, từng người tình cũng bỏ Gimpei, lão Arita, cậu sinh viên vì Mizuno không ai trong số họ có thể cứu chuộc sự mục ruỗng đã nảy nở ăn sâu trong những người đàn ông yếu đuối nữa.
Thực tế, những dấu hiệu về khủng hoảng căn cước, về sự sụp đổ của ý thức hệ nam quyền của Nhật Bản đã xuất hiện trong nền văn học hiện đại của đất nước này từ khá sớm. Sự tồn tại dai dẳng của chế độ đẳng cấp trong xã hội Nhật Bản hiện đại đã thẳng tay gạt bỏ đi thái độ sống tiêu cực, hủy hoại bản thân của những nhà văn thấm đẫm tư tưởng hiện sinh, nhân văn như Akutawa và nhất là “vô lại phái” do D. Osamu làm chủ soái. Họ đã bị lãng quên, bị xem thường bởi chính những văn tài khác như Kawabata – người tự cho mình có sức mạnh tinh thần của Thiền đạo đủ sức vượt qua những thách thức khủng khiếp từ cuộc sống. Thất bại của Nhật Bản trong thế chiến thứ hai khiến họ một lần nữa hứng chịu sự quay lưng, ghẻ lạnh của cộng đồng. Nhưng những lời tiên tri của Cassandra ấy đã nhanh chóng thành hiện thực. Chính xác như những nhận định của R. Benedict trong Hoa cúc và gươm rằng người Nhật mất tinh thần khi những kế hoạch, trật tự vẽ ra trước mặt họ sụp đổ.
Mizuumi là có thể xem là cuốn tiểu thuyết đầu tiên và duy nhất Kawabata công khai thừa nhận sự thất bại của mình trong cuộc chiến chống lại những “karma” mà ông vẫn xem thường, vô cảm. Mang một cái tên đẹp đẽ và êm đềm đậm chất thiền đạo song Mizuumi lại là một mặt hồ lạnh giá, một tấm gương tự nhiên soi chiếu đến từng ngóc ngách nội tâm phức tạp với những phức cảm bệnh hoạn của nhân vật Gimpei – cái bóng của Kawabata. Trong Mizzumi, hồ nước ở làng mẹ Ginpei cũng là nơi chứng kiến mối tình đầu đơn phương của hắn, là nơi đầu tiên hắn phát hiện sự độc ác, ti tiện của bản thân mình khi âm mưu dìm chết người chị họ Yaoi xuống làn băng giá. Cũng vì điều này, Gimpei trở thành một kẻ “đánh mất quê hương”, đi tìm hình bóng của Yaoi trong những thân phận đàn bà khác. Song đâu chỉ có thế, cuộc kiếm tìm của Gimpei trong Mizzumi thực chất là một cuộc chạy trốn cái xấu, cái tồi tệ của bản thân nhưng rồi hắn nhanh chóng thất vọng khi những người đàn ông vây quanh mình cũng suy đồi, tồi tệ và hèn yếu. Và ngay cả những kẻ ra trận, “những anh hùng” thực sự của Nhật Bản dưới con mắt Gimpei chỉ là những kẻ chơi gái chịu, bỏ mặc các tình nhân của mình sinh nở, bệnh tật trong thù hận.
Mizzumi và bản thân cuộc đời bi thảm của Kawabata đã chứng minh một sự thật tuyệt vọng là cái đẹp là vô ích, không thể cứu rỗi thế giới, thay đổi xã hội khi những kẻ truy tìm chúng chỉ là những cá nhân trống rỗng như gã thợ ảnh trong bộ phim Blowup của đạo diễn Atonioni. Và đằng sau đó là cả một câu hỏi về vai trò và ý nghĩa của nghệ thuật khi phải chăng chúng không còn cần thiết trong một xã hội tinh thần đã hỏng hóc, rệu rã và vỡ vụn.
Hải Đăng – Trạm đọc (Read Station)