Nếu bạn có một mục tiêu, bất kể mục tiêu đó là gì, hãy kết nối não bộ với những chỉ dẫn chi tiết, gợi mở chính xác điều bạn muốn. Và rồi lùi lại, tránh khỏi đường đi. Kỳ vọng của bạn sắp sửa thành hiện thực.
Trong cuộc sống, chúng ta thường mơ ước một công việc tốt, một sự nghiệp thành công, một gia đình hạnh phúc… hay bất cứ thứ gì tốt đẹp khác. Nhưng bạn có bao giờ băn khoăn tại sao mọi chuyện không diễn ra theo cách nó nên diễn ra? Tại sao bạn không nhận được những điều mình muốn? Tại sao xung quanh bạn lại có một số người “may mắn” hơn những người khác? Liệu đó có phải là số mệnh? Và cuốn sách “Cách Ta Nghĩ Vẽ Đường Đời Ta Đi” của TS. Shad Helmstetter sẽ là lời giải đáp cho những thắc mắc của bạn bấy lâu nay.
Tìm kiếm hướng đi mới
Mọi người thường nói rằng cuộc sống đáng ra phải mang đến cơ hội bất tận, biến giấc mơ thành hiện thực và sống mỗi ngày trong hạnh phúc, thành công. Từ tận đáy lòng, chúng ta biết bản thân xứng đáng và có quyền nhận được sự công bằng này. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi rằng vì sao chúng ta không nhận được điều chúng ta muốn – và nên có? Tại sao có người lại “may mắn” hơn đa phần những người khác? Điều gì đã làm nên sự khác biệt? Phải chăng một ẩn số bí mật sắp xếp số phận và định hướng cuộc sống của chúng ta? Đâu là bức tường cản trở ta trên con đường đến hạnh phúc và thành công?
Hãy hình dung một cuộc sống không có rào cản và trở ngại thường ngày, một cuộc sống ngập tràn thành tựu và cảm giác thỏa mãn. Cuộc sống của những hy vọng, lời hứa, kỳ vọng và thành tựu. Tác giả cho rằng cuộc sống đó chỉ tồn tại trong các trang sách. Khi còn nhỏ, TS. Shad Helmstetter thường nằm dài trên thảm cỏ vào đêm khuya, đắm chìm trong ánh sáng lấp lánh của những vì sao, mường tượng ra những giấc mơ và nhìn thấy nó trở thành hiện thực. Chỉ là sau này, những giấc mơ của ông phải nhường chỗ cho những cân nhắc thực tế hơn. Khi quyết tâm theo đuổi con đường học vấn, tác giả bắt đầu biết đến những gì bản thân không thể làm và học tất cả những điều “cần”, ”phải”, “không thể”.
Ông đã đặt ra rất nhiều câu hỏi: sẽ thế nào nếu chúng ta có thể? Sẽ thế nào nếu chúng ta có thể tìm thấy giới hạn đang kìm hãm bản thân bạn và loại bỏ nó?…. Và ông bắt đầu hành trình nghiên cứu, tìm hiểu về “hành vi của con người”, “ tiếp thị động lực”. Tuy nhiên, tác giả vẫn không thể tìm thấy lời giải cho câu hỏi: Làm thế nào những cá nhân bình thường có thể chạm tới các vì sao trong thiên đường của riêng họ mà vẫn đặt đôi bàn chân trên mặt đất? Cuối cùng, tác giả quyết định bắt tay vào hành trình riêng của mình và tìm kiếm câu trả lời. Ông nhận ra rằng việc làm chủ tương lai phải bắt đầu từ việc quản lý “bản ngã” của chính mình. Nếu đạt được điều đó, chúng ta có thể quản lý và kiểm soát ít nhất một phần cái mà chúng ta gọi là “cuộc sống”.
Bất cứ điều gì bạn tiếp nhận vào trong trí não, bằng cách này hay các khác, sẽ tác động trở lại, theo cách này hay cách khác.
Tự đối thoại và động lực
Có những động lực thực sự có hiệu quả, nhưng thực tế có tới 95% các hình thức động lực không hề có tác dụng. Ví dụ như việc khán giả say mê ngồi nghe diễn giả dệt nên bức tranh kỳ diệu của sự giàu có và thành công, bắt đầu ngày hôm sau với con người mới, chinh phục tất cả các khó khăn, phá bỏ mọi giới hạn, quyết tâm thực hiện mục tiêu. Nhưng bạn có biết kiểu động lực này tồn tại vấn đề gì không? Đó chính là dù có ảnh hưởng tích cực thế nào chăng nữa, chúng chỉ tạo ra tác động bên ngoài chứ không tạo nên thay đổi lâu dài.
Tất cả động lực bên ngoài đều mang tính tạm thời. Chúng có thể đánh thức bạn, nhưng lại không giúp bạn tỉnh táo. Ví dụ nhé, bạn tham gia một đội bóng thi đấu giải cho địa phương và may mắn có một huấn luyện viên xuất sắc. Anh ấy vực bạn dậy khi bạn gục ngã, củng cố niềm tin chiến thắng và khen ngợi khi bạn làm tốt nhiệm vụ. Anh ấy là người truyền động lực tuyệt vời và đội của bạn đạt được sự đỉnh cao nhờ sự dẫn dắt của anh ấy. Nhưng rồi cuộc vui nào cũng đến lúc tàn, mùa giải kết thúc, vị huấn luyện viên rời đi. Bạn có biết anh ấy mang theo điều gì không? Động lực của bạn. Anh ấy chính là động lực của bạn. Khi không còn người đó bên cạnh, bạn phải tìm nơi ký gửi động lực khác. Tại sao? Vì động lực đó đến từ bên ngoài và nó chỉ là tạm thời.
Càng tiếp nhận nhiều động lực, chúng ta sẽ làm tốt hơn. Nhưng khi nó rời đi, chúng ta sẽ quay trở về thời điểm trước khi có động lực tinh thần. Đó là lý do tại sao sau các cuộc nói chuyện truyền động lực, người tham dự được bơm đầy năng lượng, sẵn sàng chinh phục thế giới nhưng nguồn năng lượng vơi dần, rồi hết hẳn sau vài tuần, vài ngày, thậm chí vài giờ.
Nếu muốn có động lực – và duy trì động lực – bạn phải có phương pháp tự đối thoại đúng đắn. Phương pháp tự đối thoại phù hợp sẽ giúp tạo ra động lực bên trong – loại động lực duy nhất kéo dài, vì nó hình thành từ chính hoạt động của não bộ. Hãy trở thành người truyền cảm hứng cho bản thân mình. Khi đó, bạn không cần huấn luyện viên ở bên mọi lúc, mọi nơi. Thật tuyệt vời khi bạn không bao giờ cần ai thúc đẩy bạn hành động phải không? Thông qua việc tự đối thoại, có một vị huấn luyện viên sẽ giúp bạn phát hiện điểm mạnh bản thân và hỗ trợ bạn làm chủ được nó. Người đó sẽ định hướng, nâng cao quyết tâm và xây dựng niềm tin cho bạn. Người đó sẽ thành động lực tối thượng của bạn. Và người đó, chính là bạn.
Bất kỳ ai trong chúng ta cũng đều có thể làm được. Một khi nhận ra bức tường thực sự là gì, chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua nó.
Các kỹ thuật mới
Ở chương này, tác giả đưa ra 5 phương pháp sử dụng tự đối thoại; bạn có thể chọn sử dụng một số hoặc tất cả chúng.
Tự đối thoại thầm có thể là một cuộc đối thoại nội bộ có ý thức hoặc vô thức. Bao gồm tất cả mọi thứ bạn nghĩ về bản thân những điều khác xung quanh bạn. Giờ đây, khi thức dậy vào mỗi buổi sáng, thay vì than thở “ước gì mình không phải ra khỏi giường”, bạn nên tự nhủ với bản thân rằng hôm nay là một ngày tuyệt vời – và đã đến lúc để bắt đầu một ngày mới. Bạn chỉ cần tự nhủ hãy xem xét mọi thứ dưới góc độ tích cực hơn thì vấn đề sẽ được giải quyết.
Để bắt đầu, hãy lắng nghe mọi thứ bạn nói với chính bản thân mình mỗi ngày, nếu chúng là hình thức tự đối thoại không phù hợp, ngay lập tức chỉnh sửa và nói lại theo hướng tích cực. “Tôi dường như không thể làm việc có tổ chức ngày hôm nay” ngay lập tức trở thành “Tôi đã làm việc có tổ chức và mọi thứ vẫn nằm trong tầm kiểm soát, đặc biệt là ngày hôm nay!”. Thay vì tự than “Ôi mệt quá!” – vào thời điểm bạn kiệt sức – hãy ngay lập tức nói với bản thân rằng bạn luôn tràn đầy năng lượng và nhiệt tình. Cứ tiếp tục thực hiện điều đó mỗi khi có cơ hội, rồi nó sẽ bắt đầu phát huy tác dụng. Điều gì sẽ xảy ra với năng lượng và cả sự nhiệt tình của bạn? Lượng hoóc-môn Adrenalin sẽ nhanh chóng chạm nóc và đưa bạn trở lại cuộc sống ngay lập tức.
Thay vì mất nguyên ngày để buồn bã hoặc chán nản, bạn sẽ có một ngày quý báu hơn với những thành tựu đáng giá, trạng thái phấn khích, khỏe mạnh cả về tinh thần và thể chất. Thay vì vẽ ra một ngày u ám với sự mất mát, bạn hãy đứng dậy và giành lấy chiến thắng của riêng mình.
Tự trò chuyện là trọng tâm của “sự chấp nhận”. Đôi khi chúng ta phải chịu một tình huống xấu nào đó, nhưng việc tình huống đó có ảnh hưởng tới mình hay không là hoàn toàn tùy thuộc vào bạn. Và khi tự trò chuyện tích cực trở thành một thói quen, thành công cũng sẽ tự nhiên xuất hiện.
Lắng nghe mọi thứ bạn nói. Học cách xây dựng các cuộc tự trò chuyện tốt nhất về bản thân bạn – thông qua việc lập trình lại các chương trình trò chuyện mới cho bản thân. Sau khi làm chủ được điều này, nó sẽ trở thành kho báu mà bạn không bao giờ mất.
Tự trao đổi thực chất là tự nói chuyện thành tiếng và đóng hai vai trong cuộc trao đổi! Hầu hết chúng ta thường nghĩ rằng, hình thức tự trao đổi có thể hơi lập dị, nhưng đó là vì chưa ai nói cho chúng ta biết rằng tự trao đổi với bản thân rất có lợi, đặc biệt khi nói thành tiếng và nói to. Bạn có thể thực hành bằng việc vào phòng tắm và khóa cửa lại. Nói chuyện với bản thân thành tiếng, tự hỏi và tự trả lời, mặc ánh nhìn ái ngại của các thành viên gia đình. Kế hoạch bắt đầu như thế này: Sáng mai, khi bạn bước vào phòng tắm, hãy nói “chào buổi sáng” với chính bản thân mình. Nói dõng dạc với khuôn mặt cười rạng rỡ và thái độ hưng phấn. “Hôm nay trông bạn thật tuyệt vời! Phong độ của bạn cũng rất tốt, bạn đã sẵn sàng giải quyết bất cứ điều gì chưa?” và sau đó hãy tự trả lời câu hỏi của bạn. “Tôi cảm thấy rất phấn khích. Tôi vui mừng khi được sống và trải nghiệm cuộc sống này!”
Hãy bắt đầu ngày mới với những điều tuyệt vời nhất về bản thân. Hãy chủ động nói với bản thân những gì bạn có thể làm vào ngày hôm đó thay vì ngao ngán lắc đầu và nói về những gì bạn không thể làm. Nếu bạn có câu hỏi nào đó nhưng chưa tìm thấy câu trả lời, hãy hỏi bản thân câu đó. Hãy hỏi chính bản thân mình. Bạn luôn có một người bạn trung thành ở đó, người luôn chớ để lắng nghe bạn.
Tự ghi chép là hình thức tự đối thoại mà bạn viết cho bản thân bạn.
Tác giả đã viết lại các cuộc tự đối thoại trong từng lĩnh vực cải thiện của bản thân, sau đó hình thành thói quen đọc chúng hằng ngày. Phương pháp này có tác dụng rất tích cực nhưng cũng tiêu tốn khá nhiều thời gian và công sức. Bạn hãy thử thực hành nó, nếu không hiệu quả với bạn thì sẽ tự động kết thúc. Nếu ghi chép hiệu quả với bạn, vậy thì bạn không chỉ tận hưởng quy trình – mà còn vui mừng với kết quả của nó nữa.
- Ghi âm các cuộc tự đối thoại
Khi tác giả đang bắt đầu phát triển những phiên bản đầu tiên của các chương trình băng đĩa về tự hoàn thiện bản thân cho một công ty bán hàng thì ý tưởng nghe lại các cuộc đối thoại xuất hiện trong đầu ông. Tác giả đã viết ghi âm “Tôi có thể làm điều đó!” để nhân viên bán hàng có thể nghe khi doanh số bán hàng sụt giảm. Trong một buổi hội thảo quy mô lớn của tác giả, có người đàn ông đã giới thiệu rằng ba thế hệ gia đình ông ấy vẫn đang lắng nghe các cuộc tự đối thoại tích cực. Họ là những người luôn tươi cười rạng rỡ, năng động tích cực, những người đã biến tự đối thoại thành một phần trong cuộc sống của họ. Cuộc sống thay đổi, các thế hệ cũng thay đổi, nhờ tự đối thoại.
Nếu bạn còn băn khoăn trong việc lựa chọn phương pháp phù hợp để thiết lập tương lai tốt đẹp của riêng bạn, tác giả khuyến khích bạn nên lắng nghe các cuộc tự đối thoại. Chỉ cần nhấn vào màn hình, chọn chủ đề và bật nó lên. Tiềm thức của bạn đang lắng nghe chúng.
Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nở nụ cười. Nhưng tôi tin rằng chúng ta sẽ nhận được những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống nếu cười rạng rỡ hơn hoặc thường xuyên hơn.
Thay đổi hoặc không
Làm, hay không làm, đó là vấn đề. Trở thành hay không trở thành; đạt được hay không đạt được; thực hiện hay không thực hiện – câu trả lời cho câu hỏi đó sẽ xác định tương lai – và thành công – của mỗi chúng ta. Có lúc ta muốn thực hiện một thay đổi nhỏ, điều gì đó đem đến sự khác biệt, hoặc khắc phục một điều gì đó chúng ta từng trải qua trong quá khứ. Nếu cuộc sống trở nên “hiệu quả” đơn giản như thực hiện một vài thay đổi, tại sao bạn không thay đổi bản thân? Thay đổi tạo nên hoặc là kết quả của việc gì đó bên ngoài tác động tới bạn, hoặc là kết quả của sự thay đổi bắt nguồn từ bên trong bản thân bạn.
Kẻ thù lớn nhất là chính mình. Những suy nghĩ chúng ta đã nghĩ. Chính những suy nghĩ đã vẽ nên giới hạn mà ta tin rằng đó là bản thân mình. Nhận ra những gì chúng ta làm và làm với bản thân, không phải tình cờ xảy ra. Chúng ta đã hiểu rõ chúng ta là ai và chúng ta là gì; chúng ta là kết quả của sự kết hợp ngẫu nhiên giữa các nhân tố di truyền. Chúng ta biết tương lai tùy thuộc vào chúng ta nhiều hơn chúng ta từng nghĩ.
Chúng ta chỉ cần bắt đầu và bản thể bên trong của bạn, một phần cơ thể muốn đạt được, sẽ nhanh chóng đi theo chỉ dẫn mới mà chúng ta đã đưa ra.
Và không chỉ có vậy
Trên đây mới chỉ là bốn lời khuyến khích mà TS. Shad Helmstetter đưa ra để bạn có thể biến đổi hoàn toàn cuộc sống của mình. Nhưng Cách Ta Nghĩ Vẽ Đường Đời Ta Đi không chỉ có vậy!
Cách Ta Nghĩ Vẽ Đường Đời Ta Đi của TS. Shad Helmstetter đã nói về 24 câu chuyện hoàn chỉnh về tự đối thoại, cách chúng ta được định sẵn và phải làm gì với nó. Mọi thông tin đều có trong cuốn sách và nó thực sự hữu ích.
Nếu ma thuật ngày nay trở thành khoa học của ngày mai, thì “ma thuật tự đối thoại” chỉ vài năm trước đây đã trở thành ngành khoa học đang phát triển của một lối sống hoàn toàn mới
Quyền kiểm soát số phận nằm trong tay mỗi chúng ta. Dù cho trên con đường đến hạnh phúc và thành công luôn có những bức tường cản trở, kìm hãm bản thân thì bạn hãy tin rằng mình sẽ vượt qua được, chắc chắn bạn sẽ làm được điều mà bạn thực sự muốn làm.
Nếu bạn có một mục tiêu, bất kể mục tiêu đó là gì, hãy kết nối não bộ với những chỉ dẫn chi tiết, gợi mở chính xác điều bạn muốn. Và rồi lùi lại, tránh khỏi đường đi. Kỳ vọng của bạn sắp sửa thành hiện thực.
Review chi tiết bởi Hồng Dịu – Bookademy