Tiểu thuyết “Đội gạo lên chùa” là tiếng nói của tinh thần tự lực, tự cường và lòng yêu thương con người cất lên từ ngòi bút của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, nhiều đơn vị xuất bản đã cho ra mắt những cuốn sách viết về đại dịch, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe. Đó là những tựa sách mới, phù hợp trong những ngày dịch bệnh.
Bên cạnh đó, nhiều độc giả cũng tìm thấy được sự nhẹ nhàng trong tâm hồn và lối suy nghĩ tích cực khi đọc những cuốn sách nói về tình yêu thương con người, ý chí vươn lên trong cuộc sống. Đội gạo lên chùa của cố nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là một trong số đó.
Cây bút Nguyễn Xuân Khánh bén duyên với nghiệp cầm bút từ những năm 1960. Đến nay, gia tài văn học của ông được đông đảo công chúng đón nhận bởi giá trị nhân văn truyền tải trong từng tác phẩm.
Cuốn sách này ra mắt khi ông ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nên từng trang sách là sự cộng dồn, tổng hòa vốn sống của cuộc đời nhà văn. Tác phẩm một lần nữa khẳng định sức sáng tạo không ngừng nghỉ của ông. Đến nay, tác phẩm đã được in lần thứ tám.
Truyền tải tinh thần tự lực, tự cường
Đội gạo lên chùa lấy bối cảnh một làng quê Bắc Bộ trong thời kỳ kháng chiến, trải qua giai đoạn đầy đau thương trong công cuộc cải cách ruộng đất.
Nhân vật trong truyện là sư cụ Vô Úy, người đã trải qua nhiều biến cố, nếm trải đủ nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần với tâm thế một vị chân tu. Song, ngay cả những giây phút phải rơi nước mắt vẫn không ai nhìn thấy sư cụ kêu than, oán trách.
Pháp hiệu Vô Úy có nghĩa là “không sợ”. Con người cũng như tính cách của ông luôn thể hiện điều đó, dù trong lúc khốn khó nhất vẫn toát lên sự uy dũng của một sức mạnh phi thường, ẩn sau vẻ bề ngoài nhỏ bé.
Sư cụ Vô Úy đã mang tinh thần “không sợ” đó truyền cho các đệ tử của mình, từ vị sư hộ pháp có khuôn mặt dữ dằn tới cậu bé An mồ côi cha mẹ trong cuộc kháng chiến. Độc giả có thể tìm thấy ở nhân vật này ý chí kiên cường vượt mọi gian khó, từ đó vững tâm hơn trước những khó khăn của thời cuộc.
Để cậu bé An ngủ một mình trong ngôi chùa vắng lặng là dụng ý truyền cho cậu bé tinh thần tự lực, tự cường: “Trên con đường dài, một người con của Phật hay một con người cũng vậy, đều phải biết tự đi bằng đôi chân của mình”, tác giả viết.
Sư cụ cũng khuyến khích An học võ, làm việc luôn chân luôn tay bởi không muốn cậu bé bị “nhấn chìm” khi bước chân vào cuộc đời đầy rẫy biến cố. Qua đó, nhà văn muốn nhắn nhủ đến độc giả tinh thần tự làm chủ cuộc đời bằng sức mạnh của chính bản thân mình.
Sức mạnh nội lực giúp vượt nghịch cảnh
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã vẽ nên một vầng sáng xung quanh cậu bé mồ côi An đi ra từ chùa Sọ. Đó là vầng sáng của sức mạnh nội lực và lòng từ bi. Chính điều đó đã che chở cho anh bộ đội An sau này trở về an toàn từ cuộc chiến khốc liệt.
Cũng tại chùa Sọ, nhiều câu chuyện “rất đời” đã diễn ra, răn dạy chúng ta lối sống khoan dung, nhân ái. Đó là câu chuyện của một người đàn ông xin được làm sư. Đến khi hoàn tục, ông vẫn giữ cốt cách của một vị chân tu, đi làm cách mạng, cứu nước, thương dân.
Đó còn là câu chuyện của một vị sư có khuôn mặt dữ tợn, võ thuật cao cường, tưởng rằng chỉ biết đến đao to búa lớn, nhưng lại khiến người đời nể phục vì đã giữ giới nghiêm cẩn đến suốt phần đời còn lại.
Đó cũng là câu chuyện về một chú tiểu được chọn làm sư trụ trì. Bao năm qua, chú tiểu lăn lộn trong quân ngũ, không bắn ai, tưởng rằng có thể quay trở về chùa như lời thề trước lúc vào bộ đội, nhưng rồi lại quyết định hoàn tục vì người bạn năm xưa bị tàn phế sau chiến tranh, cần một bờ vai vững chãi nơi anh.
Trải qua bao biến cố của thời cuộc, chùa Sọ vẫn tồn tại. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh viết: “Kiếp người chẳng qua như những con đom đóm. Vầng trăng kia là ánh sáng của Phật, tỏa chiếu khắp nhân gian. Kiếp nhân sinh là con đom đóm. Chẳng ai thắp mà đom đóm vẫn sáng. Nghĩa là con người vốn có ánh sáng trong mình. Trong đêm đen, con đom đóm cố hết sức để tự phát sáng. Ánh sáng nhỏ nhoi lắm, yếu ớt lắm. Nhưng dù sao cũng là ánh sáng”.
Theo Zing News