Vì thế, khi cầm trong tay cuốn Sinh năm 1972 của tác giả Nguyễn Cảnh Bình, CEO Alpha Books, tôi cũng khá tò mò. Hơn nữa, thế hệ 7x ở VN là một thế hệ đặc biệt, được nếm trải mọi khó khăn của thời bao cấp nhưng lại trưởng thành đúng thời kỳ Đổi mới bắt đầu nên có được tính chịu thương chịu khó, bền bỉ của con nhà nghèo và cả sức trẻ thời mở cửa.
Tự truyện hay Hồi ký là một thể loại rất thú vị vì nó cho biết những trải nghiệm thực tế, sống động trong con mắt của từng cá nhân. Tuy nhiên, đây cũng là một thể loại rất khó viết vì làm sao để khách quan, cởi mở để sách hấp dẫn nhưng lại bảo vệ được bản thân và không ảnh hưởng đến những người liên quan. Không phải bỗng dưng mà trên thế giới rất nhiều người nổi tiếng đợi khi về hưu hay sau khi mất mới in tự truyện, để tránh những phiền toái không cần thiết. Đặc biệt là ở một đất nước không cởi mở như VN, nơi còn quá nhiều khuôn mẫu, định kiến, thiếu sự tôn trọng cá nhân thì viết tự truyện hay hồi ký đòi hỏi một sự dũng cảm mà đôi khi còn biến thành tai hoạ cho cá nhân đó như đã xảy ra với cuốn “Lê Vân – Yêu và Sống” hay hồi ký của Thương Tín. Vì thế tự truyện rất hiếm ở VN, thường chỉ ở dạng bài viết lẻ tẻ, thiếu sự cởi mở, thậm chí vài người còn tô vẽ cá nhân nên không thu hút lắm.
Vì thế, khi cầm trong tay cuốn Sinh năm 1972 của tác giả Nguyễn Cảnh Bình, CEO Alpha Books, tôi cũng khá tò mò. Hơn nữa, thế hệ 7x ở VN là một thế hệ đặc biệt, được nếm trải mọi khó khăn của thời bao cấp nhưng lại trưởng thành đúng thời kỳ Đổi mới bắt đầu nên có được tính chịu thương chịu khó, bền bỉ của con nhà nghèo và cả sức trẻ thời mở cửa. Đây chính là thế hệ đã xây dựng nền tảng cho nền kinh tế thị trường ở VN, nhưng cho đến nay chưa có tác phẩm nào ghi lại quá trình phát triển của thế hệ ấy. Sách in đẹp, minh hoạ thú vị và bản thân tôi luôn tò mò về con người Nguyễn Cảnh Bình nên dù sách dày vẫn quyết tâm đọc hết, càng đọc càng thu hút, không thể bỏ xuống.
Tôi biết đến Nguyễn Cảnh Bình từ đầu những năm 2000, như một chàng trai trẻ sáng sủa, trẻ trung, nhiệt tình, tưởng như sở hữu một nguồn năng lượng và một kho kiến thức không bao giờ cạn kiệt. Hỏi đến bất kỳ lĩnh vực gì chàng cũng có thể thao thao bất tuyệt, mà không phải là chỉ chém gió mà có trích dẫn tác giả, tác phẩm đàng hoàng. Đặc biệt chàng rất hết mình với sinh viên, người trẻ nhiều khi tổ chức không tốt, sát ngày mới mời diễn giả nhưng chàng vẫn nhận lời ngay, không hề tự ái hay khó khăn như các diễn giả khác và nói rất nhiệt tình, không đòi hỏi gì cả! Mỗi lần có dịp gặp nhau, chàng luôn đưa ra rất nhiều ý tưởng lớn lao về đưa tri thức mới cho các trường ĐH, cải cách xã hội… Nghe chàng từng học ngành Hoá dầu ở ĐH Bách khoa, làm việc cho Petrolimex, rồi bỏ ra mở cty sách, tôi vẫn khâm phục sự quyết đoán của chàng, dám bỏ 1 nơi làm việc nhiều người mơ ước để dấn thân vào kinh doanh.
Cơ duyên đưa tôi trở thành tác giả in sách tại nhà sách của chàng, tôi mới nhận ra chàng thật là một doanh nhân hiếm hoi ở VN rất ít quan tâm đến tiền bạc, đầu óc toàn ý tưởng. Tôi nghĩ có thể được gia đình trợ giúp nên chàng mới rảnh tay mơ mộng như vậy. Nhưng đọc cuốn sách này tôi mới hiểu sự thật hoàn toàn ngược lại. Có thể nói cuốn sách đã làm tôi hoàn toàn choáng váng vì dù không một lời than vãn, oán hận nhưng sự chân thực và thẳng thắn của nó còn dữ dội hơn bất kỳ cáo trạng nào.
Thế hệ của tác giả và tôi khá gần nhau, chúng tôi cùng trải qua thời bao cấp gian khó (chỉ khác là chúng tôi có chứng kiến chiến tranh còn 7x thì không), cùng chung một nền giáo dục “đồng phục” (lúc ấy không có trường tư, càng không có trường QT), cùng bị ném vào thời Đổi mới mà không được trang bị kiến thức hay kỹ năng gì, cùng chịu sự chèn ép của nhà trường và gia đình, vốn kẹt trong tư duy bao cấp trong khi chúng tôi phải đương đầu với một thế giới hoàn toàn mới. Chúng tôi có nhiều cơ hội hơn nhưng lại bị bó chặt chân tay, không cho tiếp nhận những cơ hội ấy. Ai dám bung ra để học cái khác chương trình chung của trường, bỏ làm Nhà nước hay đơn giản là không muốn lấy chồng sớm… đều phải đối mặt với sự cản trở của bố mẹ và nhà trường, chịu sự kỳ thị của xã hội. Tôi vốn cho là mình không may mắn khi mất cả tuổi thơ cho trường chuyên, chỉ biết vùi đầu học, không được vui chơi nhưng khi đọc về câu chuyện của tác giả mới biết là mình quá may mắn. Cùng là những đứa trẻ đọc nhiều, cá tính, chúng tôi cũng hay hỏi những câu “trái khoáy” ở lớp, như tôi từng phản ứng khi cô giáo dạy văn đọc sai thơ Nguyễn Khuyến, Cảnh Bình thì “dám” sửa khi thầy nói “Sào Nam” là tên khác của Phan Bội Châu, trong khi đó chỉ là tên hiệu. Nhưng tôi là học sinh chuyên, có thành tích nên giáo viên có bực cũng chỉ dám phàn nàn với giáo viên chủ nhiệm một chút, lại được học ĐH ở nước ngoài nên có 5 năm được ‘giải độc”, còn biết bao học sinh không có may mắn ấy mà Cảnh Bình là một ví dụ.
Đọc những dòng chia sẻ về quá trình từ một học sinh giỏi, niềm tự hào của bố mẹ, chỉ vì chán ngán lối dạy cũ kỹ, khuôn mẫu, hay thắc mắc, lại không khúm núm khi bị mắng vì không thấy mình sai mà bị trù dập, trở thành một học sinh cá biệt, bị giáo viên kỳ thị, bố mẹ thất vọng, lòng tôi đau như thắt. Đỉnh điểm của sự bất công ấy là dù được giải Nhì Vật lý toàn thành phố, được cử đi học đội tuyển thi QG nhưng trước khi thi một ngày thì bị khai trừ khỏi đội tuyển chỉ vì có hạnh kiểm khá và học lực trung bình! Đối với một đứa trẻ tuổi teen đầy nhạy cảm và dễ tổn thương, cú sốc đó không dễ vượt qua. Cậu bé Cảnh Bình ngày đó chỉ còn biết vùi mình vào những cuốn sách như Khát vọng sống về Van Gogh, Bay trên tổ chim cúc cu… đắm mình trong The Wall của Pink Floyd với những ca từ đầy phẫn nộ về một nền giáo dục vô cảm, giáo điều, độc ác để luôn tự nhủ: “Chỉ là một viên gạch nữa trên bức tường (giam cầm con người) mà thôi”!:
We don’t need no education
We don’t need no thought control
No dark sarcasm in the classroom
Teachers leave them kids alone
Hey! Teachers! Leave them kids alone!
All in all it’s just another brick in the wall.
All in all you’re just another brick in the wall.
Bình viết: “Tôi say mê Pink Floyd đến mức có lần suốt mấy ngày liền tôi vùi đầu vào album Bức tường. Khi đó tôi chỉ có chiếc casstte nhỏ bé, tôi tháo hai chiếc loa rời ra, úp vào tai mình thay tai nghe rồi bật loa hết cỡ… Tôi chẳng muốn nghe gì ngoài những âm thanh đó, thứ âm thanh xoa dịu tôi, dỗ dành, an ủi tôi… Có đôi lần tôi chảy nước mắt thương mình, tôi thấy cô đơn kinh khủng. Tại sao trên cuộc đời này không ai tin tôi…”.
Trái tim tôi đau thắt khi đọc những dòng này, thương cậu bé Bình ngày ấy, thương cả một thế hệ chúng tôi bị thời cuộc vùi dập, thương biết bao chàng trai cô gái tài hoa, tử tế đã tàn lụi trong im lặng. Pink Floyd không phải ban nhạc yêu thích của tôi vì nó dữ dội quá nhưng khi đọc tự truyện này tôi rất cám ơn họ, cám ơn tác phẩm của họ đã an ủi ít nhất một chàng trai của chúng tôi.
Điều đáng khâm phục nhất là cậu bé ấy đã không gục ngã, không đầu hàng hiện thực như đa số người khác, vẫn kiên trì đi theo con đường ham học, tin tưởng vào kiến thức của mình, thậm chí còn coi những bất công mình phải chịu như cơ hội để trưởng thành. Và chàng trai ấy đã vượt qua nhiều khó khăn để giữ vững tấm lòng son với tri thức, với xã hội để trở thành doanh nhân, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Cảnh Bình ngày nay.
LÀ MỘT GIÁO VIÊN, TÔI MUỐN XIN LỖI TÁC GIẢ CÙNG NHỮNG HỌC SINH BỊ BẤT CÔNG TƯƠNG TỰ VÀ CÁM ƠN ANH VÌ VẪN LUÔN NHIỆT TÌNH VỚI GIÁO DỤC Việt Nam!
PGS – TS Nguyễn Hoàng Anh
Giảng viên Đại học Ngoại Thương
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh Tế &Thương Mại Quốc Tế
Nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Châu Á – Thái Bình Dương
Nguyên GVCC Viện KT&KDQT
Cố vấn chương trình Lãnh đạo trẻ Giáo dục ABG