Một vùng đất có quá nhiều điều để người ta nhớ, có quá nhiều người để người ta thương, và mọi thứ làm người ta tự hào nói thật lớn rằng “Tui là dân Ông Tạ đó!”.
“Ông Tạ không phải của riêng tôi hay của ai đó. Ông Tạ của chúng ta, của bao nhiêu bà con Sài Gòn-Gia Định-Chợ Lớn cố cựu; của những bước chân Bắc-Trung-Nam sau này…; của tất cả những gương mặt, thế hệ Ông Tạ hôm nay.
Và của Sài Gòn một thuở.
Nhớ đến nhói tim Ông Tạ một thời… “
Nhắc đến Ông Tạ, không ai còn lạ lẫm với những ngõ Cổng Bom, ngõ Con Mắt, xóm đạo An Lạc,… cho đến những hàng bánh cốm, trà Bắc, kẹo lạc… Từng con ngõ, từng địa danh, từng cái quán nhỏ cho đến những gánh hàng rong đều gợi nhắc về Ông Tạ, mảnh đất để thương để nhớ của biết bao nhiêu người, trong đó có tác giả, nhà báo Cù Mai Công – người con của vùng Ông Tạ, người đem thương nhớ mảnh đất con người nơi đây gửi gắm qua từng trang viết.
Để một lần nữa được sống lại những ký ức thơm mùi kẹo lạc, nghi ngút khói bánh chưng, giòn vang tiếng cười ngày Tết và nhộn nhịp của vùng Ông Tạ, tác giả Cù Mai Công đã mang đến qua tập 2 của cuốn sách “Sài Gòn một thuở ‘dân Ông Tạ đó!’”. 287 trang sách mang những ký ức, mảnh đất và con người quen thuộc nơi đây gần hơn với bạn đọc, nhất là với những người con vùng Ông Tạ dù xưa hay nay.
Khung trời ký ức về Ông Tạ
Ký ức tươi đẹp về một thuở Ông Tạ đông đúc, một thuở trời yên vui như vẫn hiện rõ mồn một trong trái tim của những người dân nơi đây và cả những người đã rời xa nó.
Những cái Tết ngồi canh nồi bánh chưng, cùng cười nói râm ran như pháo Tết. Cái tình làng nghĩa xóm nơi đây quyện bay trong khói nồi bánh chưng đêm se lạnh cuối năm. Những xe tải chở thịt heo rần rần họp chợ lúc 2-3 giờ sáng, gánh kẹo lạc thơm mùi ký ức, hũ dưa hành, măng khô, trà Bắc, thuốc lào… tất cả những điều ấy đã góp phần định hình nên một vùng đất khiến người ta xa mà vẫn còn nhớ mãi.
Một vùng đất mới nay đã thành cũ để nhớ để thương, và nhìn bên ngoài có vẻ chẳng còn như xưa nhưng cái tình của những người đi hay ở dường như vẫn vẹn nguyên. Cũng như tác giả Cù Mai Công, rất nhiều những người dân Ông Tạ đã cùng mảnh đất này chứng kiến sự chuyển mình, từ mái tranh vách đất, từ cánh đồng hoang vu dần khoác lên mình vẻ đẹp đô thị nhộn nhịp, tấp nập.
Dù có thể những con người nơi đây chẳng quây quần được bên nhau như cái thời nhà tranh vách đất ấy, thì những nét cũ như gánh lá dong, hàng kẹo lạc, bánh chưng, dưa hành vẫn tấp nập hơn các khu chợ nơi khác….
Ký ức tuổi thơ của không chỉ tác giả Cù Mai Công, mà của rất nhiều người con lớn lên từ mảnh đất này ngập tràn dư vị của hạnh phúc. Ngày còn con nít là những lúc trốn ngủ trưa chạy ra chợ xem hàng quán náo nhiệt dịp cận Tết, là những ngày gần Trung Thu đứng tụ tập bên tiệm trà bánh Phượng Hoàng nuốt nước miếng ừng ực vì thèm. Cho đến khi dần khôn lớn, biết thầm thương trộm nhớ, lại là những buổi mùa hạ leo hàng rào trường để “khắc nỗi nhớ lên cây” cho người con gái thầm thương.
“Ai từng sống những ngày ấy, trải qua những buổi chợ Tết Ông Tạ sôi động, ầm ĩ ngày nào làm sao quên được nhỉ!! Một trời Ông Tạ thương nhớ…”
Đất Ông Tạ một thời
Theo chân tác giả Cù Mai Công, chúng ta cùng ngược dòng ký ức về Ông Tạ thuở cũ. Ngày tháng “nước giếng, đèn dầu” cho đến khi chuyển vào nhịp sống đô thị.
“Các cửa hàng mọc lên tràn ngập khắp nơi, khắp vùng, nhất là khu ngã ba ông Tạ – “trái tim” Ông Tạ, như Quận 1 của Sài Gòn, như Phước Lộc ở Quận Cam (Orange Country, California).”
Tiệm vàng Kim Hoa, tiệm Cầm đồ Bình Dân và ngân hàng Đông Phương, hàng bánh gai Ba Khoan, chùa Khuông Việt… kể mãi không hết những địa điểm hằn sâu trong ký ức mỗi người nơi đây.
Ngõ Con mắt, xóm đạo An Lạc, những quán cà phê nổi tiếng như Thăng Long Dakbla, Gió, Ngự Uyển… Có những quán cà phê đến nay đã không còn, nhưng vẫn có những quán kiên cường trụ lại. Giờ ngựa xe qua lại đông đúc tấp nập hơn xưa nhưng lạc vào quán cà phê nhuốm màu thời gian ấy, vẫn mang lại cảm giác vừa đủ để không chìm trong quá khứ lại không cuốn theo nhịp đời bên ngoài tấp nập.
Những con ngõ với nhà sách cùng đủ loại truyện mà tụi con nít ngày đó phải lén nhịn ăn sáng để dành tiền thuê. Hay con đường quen thuộc nơi có quán bún chả Ngọc Hà, chè ba màu Ngọc Ngoan bên trường Thánh Tâm, bún mọc bà Tý ngõ Con Mắt, kẹo lạc Quế Hương, hàng rong với kẹo thèo lèo cứt chuột… Mảnh đất mà mỗi lần nhắc về quá khứ, có quá nhiều thứ để khiến người ta bồi hồi. Một thời lội nước tắm mưa, thả diều, bắt dế đến thời kinh tế mới nhộn nhịp và hân hoan.
Tác giả Cù Mai Công như vẽ lại một tấm bản đồ chi tiết về vùng Ông Tạ, chẳng thiếu một hàng quán hay con đường nào, tất cả đều hiện lên sinh động trong cuốn sách nhỏ này.
Nhắc đến đất Ông Tạ, chắc chắn không thể không nhắc đến rạp hát Đại Lợi – nơi đã thổi bùng sức sống cho cả khu Ông Tạ, mang theo ánh đèn sáng choang, rực rỡ cả khu vực đầm lầy, mồ mả vốn tối tò mò mà ai cũng ngại qua lại. Kéo theo các hàng quán tụ tập xung quanh, những xe bò bía, xe nước mía, xe hủ tiếu, gánh bánh trái… đủ hết.
Khu Ông Tạ được khéo ví von như Sài Gòn thu nhỏ với đủ cả những nhộn nhịp và trầm lắng. Vùng đất này chứa đựng những nơi đã trở thành một phần ký ức không thể thiếu của người dân nơi đây, khiến người ta dù đi hay ở vẫn cứ muốn nâng niu và trân quý mãi những ký ức tươi đẹp ấy.
Người Ông Tạ một thuở
Khu Ông Tạ trước năm 1954, vẫn còn là vùng đất dân cư thưa thớt, không chợ búa, xung quanh còn đầy những rừng cao su, rừng điệp, đầm lầy và thậm chí là cả mồ mả. Thế nhưng, chỉ vài năm sau khi các cộng đồng Bắc 54 tự phát tràn về, Ông Tạ đã thành khu đô thị lớn nhất, như một thủ phủ kinh tế của hơn ba trăm khu tái định cư Bắc 54 toàn miền Nam trước năm 1975. Không chỉ là nơi thuận lợi về phát triển kinh tế, nơi đây còn tập trung gần một nửa văn nghệ sĩ miền Nam nổi tiếng trước năm 1975.
Ca sĩ Giang Tử, MC Nguyễn Ngọc Ngạn, nhạc sĩ Nguyễn Vũ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Hân, chàng nhạc sĩ Huế với Ai về sông Tương – nhạc sĩ Văn Giảng, hay nhà thơ Đỗ Trung Quân với bài thơ Quê hương: “quê hương là con diều biếc, tuổi thơ con thả trên đồng” đều là con dân vùng Ông Tạ.
Gien nghệ sĩ của cư dân nơi đây đố ai cãi được, nhưng người ta còn gọi nơi đây là vùng đất địa linh nhân kiệt. Nơi đây có những nhân vật cả đời theo nghề lính, như nhà cụ Vũ Hữu San – hạm trưởng khu trục hạm HQ-4 Trần Khánh Dư, tham gia chiến Hải chiến Hoàng Sa đầu năm 1974. Hay ở bên kia hẻm trong Ngõ Con mắt là nhà của Thiếu tá Tổng cục chiến tranh chính trị Nguyễn Công Luận…
Không phải chỉ những người nổi tiếng mới làm nên nét đẹp của người dân Ông Tạ, mà ngay cả những con người bình thường nhất cũng góp một phần không nhỏ hoàn thiện bức tranh toàn cảnh của vùng Ông Tạ. Như chủ cửa hàng bánh gai Ba Khoan, lò kẹo ông Xót, ông bà Chánh Chuyên, ông giáo Hậu,…
Tất cả họ – những con người đã gắn bó dù ít dù nhiều tại vùng Ông Tạ, chính họ là những người đã tạo nên vô vàn mảnh ghép xinh đẹp cho vùng đất này, và cũng chính họ góp nhặt được những mảnh ghép về Ông Tạ rồi xếp chúng ngay ngắn, cất vào tim làm kỷ niệm, và mỗi khi đi xa vẫn có cái để thương, để nhớ.
Những miêu tả sống động, những câu chuyện gần gũi về Ông Tạ mà tác giả Cù Mai Công viết trong cuốn sách Sài Gòn một thuở “dân Ông Tạ đó!” đã làm sống lại những ký ức tươi đẹp về mảnh đất và con người nơi đây. Mộc mạc, bình dị nhưng cũng hội nhập và phát triển. Những cái thân quen được thay dần bằng những cái mới, nhưng duy chỉ có tình yêu mà những người ở lại hay cả người ra đi dành cho Ông Tạ là không bao giờ thay đổi.
Những bí ẩn, những câu chuyện kỳ bí về mảnh đất con người nơi đây cũng được tác giả Cù Mai Công kể lại chi tiết trong cuốn sách này. Khiến nó không chỉ trở thành một cuốn sách gợi nhớ ký ức cho những người dân Ông Tạ, mà còn trở thành một cuốn sách giúp cả những người không phải dân Ông Tạ tìm hiểu và khám phá thêm về mảnh đất và con người nơi đây, khám phá những câu chuyện bí mật mà chỉ người Ông Tạ mới biết.
Sẽ chẳng thể biết hết từng con ngách, từng hàng quán ven đường cho tới chân dung của những người dân Ông Tạ nếu không đặt trọn trái tim và thương nhớ của mình tại nơi đó mà viết. Tác giả Cù Mai Công như thay mặt những người dân Ông Tạ, vẽ lên một bức tranh toàn cảnh về Ông Tạ một thời xa nhớ, nhộn nhịp tiếng hàng quán cười nói ngày Tết, yên tĩnh bình lặng của những quán cà phê trong hẻm nhỏ hay cả những trầm mặc, mất mát thuở chiến tranh…
Một vùng đất có quá nhiều điều để người ta nhớ, có quá nhiều người để người ta thương, và mọi thứ làm người ta tự hào nói thật lớn rằng “Tui là dân Ông Tạ đó!”.
Minh Hằng