Patrick McGinnis viết cuốn “Đừng sợ lỡ cuộc chơi”, nói về hội chứng lo lắng bị bỏ lỡ – “fomo” – khiến con người mất tự tin, không hạnh phúc.
Khi mắc chứng “fomo”, con người trải qua cảm xúc: khao khát, hối hận, ghen tức, lo âu và bất mãn. Thay vì làm chủ cuộc đời mình, họ dành nhiều thời gian soi mói chuyện của người khác. Trên mạng xã hội, người xem có thể cảm thấy tự ti, yếu kém trước các chia sẻ về tình yêu, sự nghiệp thành đạt. Tác giả cho rằng “fomo” là rào cản hạnh phúc, khiến con người dễ rơi vào trầm cảm. Sách cảnh báo: “Khi đồng nghiệp, môi trường xung quanh hoặc internet chi phối động lực đằng sau các quyết định của bạn, thì nghĩa là bạn đang từ bỏ quyền kiểm soát và không còn khả năng làm chủ cuộc sống của mình”.
Tác giả còn đề cập khái niệm “fobo” (fear of better options) – sợ bỏ lỡ điều tốt hơn. Con người không kiên định với một lựa chọn cụ thể vì nghĩ rằng “luôn có một lựa chọn khác tốt hơn”. Họ dành nhiều thời gian ôm ấp các chọn lựa khả thi, đau đáu về “một phương án tốt nhất chưa xảy đến”. Nhân viên mắc chứng “fobo” thường nói “có lẽ”, thay vì cam kết với một phương án cụ thể. Vì thế, nhiều cơ hội quý thường vụt qua, do anh ta chần chừ, không quyết định dứt khoát. Tác giả rút ra kinh nghiệm: “Bạn không nên chìm đắm vào những điều đã bỏ lỡ, trái lại, bạn nên tập trung vào những điều thật sự quan trọng của hiện tại”.
Thay vì cố gắng đạt những chuẩn mực xã hội, mọi người nên đặt mục tiêu phù hợp với tiềm lực của mình. Đối diện với các lựa chọn, người đọc nên tỉnh táo, tự hỏi: “Liệu mình có thật sự muốn làm điều này, hay chỉ bắt chước người khác”. Patrick McGinnis cho rằng “đừng mãi đuổi theo bóng của người khác”, mà cần thấu hiểu giá trị cốt lõi của bản thân, xác định rõ đam mê.
Ngoài ra, người trẻ không nên sa đà vào mạng xã hội – vốn là con dao hai lưỡi, khiến con người xao nhãng, khó tập trung. Patrick gợi ý luyện tập chánh niệm – sự tập trung cao độ vào một việc, để giúp tinh thần cởi mở, thư thái. Như khi uống nước, đi bộ, độc giả cảm nhận làn nước mát lan ra khắp cơ thể và tập trung hít thở.
Năm 2004, Patrick tốt nghiệp Harvard, nổi tiếng nhờ là “cha đẻ” của khái niệm “fomo”. Hai năm sau, anh ra mắt sách đầu tay The 10% Entrepreneur: Live Your Startup Dream Without Quitting Your Day Job – nói về cách khởi nghiệp thông minh, ít tốn nhân lực và chi phí. Thành công trong sự nghiệp, anh thường chia sẻ bí quyết kinh doanh, hay xây dựng doanh nghiệp hiệu quả tại các đại học. Từ 2019 đến nay, Patrick duy trì podcast The FOMO Sapiens – nói về kinh doanh, lối sống tích cực và tâm lý học.
Theo Vnexpress.