Cuốn “Đời sống vỉa hè Sài Gòn” (Annette M. Kim) khắc họa nét văn hóa đường phố TP HCM và tương lai của nó trong quá trình đô thị hóa.
Tác phẩm gốc mang tên Sidewalk City: Remapping Public Space in Ho Chi Minh City, do Nhà xuất bản Đại học Chicago ấn hành năm 2015. Phó giáo sư Kim – tác giả sách – thu thập ghi chép từ văn khố, số liệu thống kê, quy hoạch đô thị, ảnh chụp, cũng như xem xét tài liệu học thuật của các nhà sử học về các giai đoạn khác nhau trong lịch sử để kể cho người đọc một câu chuyện sống động về sự chuyển mình của vỉa hè Sài Gòn.
Hơn 300 năm hình thành và phát triển, đời sống vỉa hè Sài Gòn dịch chuyển cùng thời cuộc, từ thành lũy thời đế quốc, đô thị thuộc địa Pháp, thủ đô thời hậu thuộc địa và đến nay là thành phố xã hội chủ nghĩa. Dù những người phụ thuộc vào vỉa hè ngày càng chịu nhiều áp lực do quá trình đô thị hóa và tăng dân số, không gian vỉa hè chính là nền móng cho đời sống văn hóa của cư dân địa phương.
Trong sách, tác giả khái quát lịch sử của vỉa hè Sài Gòn, những câu chuyện nhân ái về thân phận con người gắn với không gian này. Phần đông người Sài Gòn đồng cảm với những người bán hàng vỉa hè, nhường không gian này cho họ, nhất là những số phận có hoàn cảnh khó khăn.
Nhóm nghiên cứu thực hiện 275 cuộc phỏng vấn, thu thập hơn 3.000 tấm ảnh và đoạn phim, nhiều năm trực tiếp trải nghiệm nghiên cứu để đưa ra biến số, những sự kiện chưa được lý thuyết hóa, từ đó vẽ ra tấm bản đồ tái định hình không gian công cộng.
Nữ tác giả nghiên cứu không gian vỉa hè Sài Gòn bằng tư duy của một học giả chính sách công, nhưng chuyển tải chúng dưới góc nhìn của một chuyên gia về nghệ thuật thị giác. Bà giúp ta nhận ra những biểu tượng và ngôn ngữ độc đáo của vỉa hè.
Phó giáo sư Kim cũng đề cập tương lai của vỉa hè Sài Gòn trong quá trình đô thị hóa, khi các hoạt động đối diện nguy cơ bị giải tán với lý do cản trở giao thông, mất vệ sinh an toàn thực phẩm và làm xấu mỹ quan thành phố. Bà đặt ra câu hỏi: Mất đi vỉa hè nhộn nhịp hàng quán và những nụ cười thân thiện, Sài Gòn có gì khác biệt những đô thị khác? Tác giả cho rằng nếu thành phố muốn tăng cường phát triển du lịch, vỉa hè là một trong những khía cạnh nên được phát huy, thay vì phá bỏ.
Ông Nguyễn Đỗ Dũng, chuyên gia quy hoạch quốc tế với nhiều đồ án đã được xây dựng ở Dubai, Việt Nam và Ấn Độ, viết trong lời đề tựa cuốn sách bản tiếng Việt: “Đô thị hóa không có nghĩa là bê tông hóa và phương Tây hóa. Chúng tôi tin rằng việc chia sẻ những góc nhìn như thế này là phổ biến giá trị và bản sắc của TP HCM nói riêng và các đô thị Việt Nam nói chung, sẽ giúp tạo ra những thay đổi tích cực trong phát triển đô thị”.
Annette M. Kim là Phó giáo sư ngành Chính sách công Sol Price, Đại học Nam California, Mỹ. Bà đồng thời là giám đốc sáng lập phòng phân tích không gian đô thị SLAB. Bà hiện nghiên cứu về làn sóng di cư tại các thành phố châu Á, thị trường bất động sản ở châu Á và Đông Âu, không gian đô thị ở các quốc gia này. Bà từng xuất bản nhiều sách liên quan chủ đề đô thị, dân sinh.
Theo Vnexpress