Trong một thế giới hiện đại, nơi mà phương Tây dường như đang dẫn đầu về kinh tế và văn hóa, câu hỏi lịch sử cấp bách nhất được đặt ra là: “Tại sao phương Tây lại làm được điều đó?” Có phải do người châu Âu hiện đại kế thừa nguồn gen thượng đẳng của dòng giống Neanderthal, trong khi người châu Á lại trỗi lên từ Homo erectus sơ khai hơn hay không?
Đã có lý thuyết cho rằng Đông và Tây khác biệt do con người phương Đông và phương Tây la hai chi người khác nhau từ hơn một triệu năm trước. Người phương Tây có khởi nguồn từ chủng Neanderthal thượng đẳng, và người phương Đông bắt nguồn từ từ Homo erectus hạ đẳng. Và nhiều người châu Âu trong hơn 100 năm qua tự tin khẳng định rằng châu Âu đã vượt trội hơn người phương Đông về mặt văn hóa kể từ khi có những con người hiện đại. Nhưng liệu sự vượt trội ấy có phải là do nguồn gen của hai chủng người?
Câu trả lời là “Không”
Ian Morris, nhà khảo cổ học, nhà sử học và học thuật người Anh, hiện là giáo sư của Willard tại đại học Stanford, đã khẳng định điều này trong cuốn sách “Tại sao phương Tây vượt trội?”.
“Tại sao phương Tây dẫn đầu về kinh tế, văn hóa…?” Hầu hết đều cho rằng đó là nhờ cuộc Cách mạng công nghiệp của Anh. Nhưng điều đó chỉ đặt ra nhiều câu hỏi hơn: Tại sao người Anh, mà không phải người Trung Quốc hay người châu Phi, phát minh ra động cơ hơi nước và nhà máy hiện đại? Các điều kiện xã hội đã làm cho việc chuyển đổi sang nền kinh tế công nghiệp dễ dàng hơn ở đó là gì?
Nhiều câu trả lời cho rằng là vì người phương Tây, chủ yếu là người da trắng, phù hợp hơn để cai trị. Nhưng Morris đã sử dụng mô hình di cư đầu tiên của loài người ra khỏi châu Phi, cũng như nghiên cứu di truyền mới nhất để chỉ ra rằng người châu Âu không khởi nguồn từ chủng Neanderthal thượng đẳng, và người châu Á cũng không phải bắt nguồn từ Homo erectus hạ đẳng.
“Sự tiến hóa của loài người chúng ta và việc chinh phục hành tinh này đã tạo ra tính đồng nhất của nhân loại về mặt sinh học và do đó cũng là chuẩn mực cho bất kỳ giải thích nào về lý do phương Tây vượt trội. Tính đồng nhất về mặt sinh học của loài người đã loại trừ các lý thuyết dựa trên nguồn gốc chủng tộc.”
Bằng việc khám phá các mô hình khái quát, dạng hình tổng thể của lịch sử, Morris khẳng định những thuyết phân biệt chủng tộc dựa vào sinh vật học để giải thích luận điểm phương Tây vượt trội hiên nhiên không có cơ sở. Con người, ở các chủng tộc lớn, dù ở bất cứ đâu cũng cũng đều giống nhau, và tất cả chúng ta đều thừa hưởng như nhau những khả năng tư duy sáng tạo không ngừng từ tổ tiên người châu Phi. Sinh vật học tự thân không thể giải thích được lý do phương Tây vượt trội.
Trên thực tế, ta không thể giải thích chính xác sự thống trị của phương Tây hiện đại mà không đặt nó trong bối cảnh của lịch sử của toàn bộ loài người. Điều đó, đòi hỏi phải có kiến thức trên nhiều lĩnh vực, từ địa lý, đến sinh học, tâm lý học, rồi khảo cổ học, kinh tế học, triết học và xã hội học trải dài suốt hàng ngàn năm. Và Morris đã làm được điều đáng kinh ngạc này. Ông đã đưa ra một lời giải thích duy vật, với mục đích phát triển một khoa học về lịch sử.
Ian Morris đã quay trở lại thời tiền sử, khi đông và tây chỉ là biểu hiện địa lý. Đối với Morris, phương Tây có nghĩa là các xã hội đã mở rộng ra từ lõi ban đầu ở Tây Nam châu Á, bao quanh lưu vực Địa Trung Hải và châu Âu, và trong vài thế kỷ qua, có thêm Mỹ và châu Đại Dương. Còn phía Đông đã mở rộng ra từ lõi ban đầu là sông Hoàng Hà, sông Dương Tử, và ngày nay có trải rộng ra tới Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á.
Theo cách giải thích của Morris, nguồn gốc cuối cùng của sự vượt trội của phương Tây được tìm thấy trong quá trình thuần hóa thực vật và động vật xảy ra ở lõi phía Tây khoảng 9.500 năm TCN, trước phía Đông khoảng 2.000 năm.
Ông không coi địa lý là yếu tố quyết định. Như ông chỉ ra, ý nghĩa của địa lý thay đổi cùng với sự phát triển của công nghệ và xã hội.
5.000 năm trước, xã hội phát triển nhanh nhất ở Ai Cập và Mesopotamia, còn vị trí địa lý của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp và Anh là một bất lợi lớn. Nhưng trong 500 năm trước, sự xuất hiện của các con tàu đi biển loại lớn có thể vượt ra ngoài đại dương, nơi vẫn được coi là bất khả xâm phạm, đã chứng minh những nước nằm sát biển lại có lợi: Đó không phải là Ai Cập, hay Iraq, mà là tàu của người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Anh đã đến được Trung Quốc, Nhật Bản và châu Mỹ.
Cuộc đua song mã giữa 2 trục Đông – Tây
Cuộc đua Đông – Tây vẫn đang tiếp diễn đến ngày nay và bên nào sẽ giành chiến thắng? Mỹ hay Trung Hoa? Cuộc đua này hiện đang nóng hơn bao giờ hết.
Trong cuốn sách, Ian Morris đã lần theo những câu chuyện diễn ra ở phương Đông và phương Tây một cách chi tiết, liên tục đặt câu hỏi về những gì giải thích sự tương đồng và khác biệt giữa chúng.
Ở giai đoạn những năm 1200-1000 TCN, phát triển xã hội phương Tây vẫn đang vận hành tốt, dẫn trước sự phát triển của phương Đông trong suốt 13.000 năm. Có đủ lý do để nghĩ rằng vị trí dẫn đầu của phương Tây là vĩnh viễn. Nhưng không gì là vĩnh viễn.
Phương Tây sụp đổ và phương Đông đã bắt kịp. Vào những năm 1920, hầu hết các nhà khảo cổ phương Tây cho rằng họ biết vì sao Trung Hoa bắt đầu bắt kịp: đó là vì người Trung Hoa đã sao chép hầu hết mọi thứ – nông nghiệp, đồ sứ, xây dựng, luyện kim, chiến xa – từ phương Tây. Tuy nhiên, cho đến nay, yếu tố quan trọng nhất không phải là sự sao chép của phương Đông mà là sự sụp đổ của phương Tây đã khiến phương Đông bắt kịp.
Đã có thời kỳ mà theo Morris đặt tên là “Thời kỳ phương Đông” vì phần lõi phía Đông mở ra một biên giới mới và đi đầu trong phát triển xã hội. Vào khoảng năm 1100, phương Đông lại một lần nữa đến những giới hạn khả dĩ của một thế giới nông nghiệp nhưng vùng này lại khởi đầu một sự sụp đổ lớn lao.
Và phương Tây đuổi kịp. Cuộc Cách mạng Công nghiệp đã chuyển đổi sự dẫn dắt của phương Tây sang thống lĩnh thế giới và những hệ quả lớn lao mà nó đem lại. Nhưng theo Ian Morris, nếu có đủ thời gian, người phương Đông cũng có thể thực hiện được những phát minh như thế và đã có đực cuộc cách mạng công nghiệp của riêng mình.
Thế giằng co Đông – Tây sẽ không chấm dứt. Lịch sử không kết thúc với sự thống lĩnh của phương Tây vì cuộc đua giữa những đổi mới thúc đẩy xã hội tiến lên phía trước và những đổ vỡ níu kéo vẫn đang tiếp diễn.
Kết thúc cuốn sách, Ian Morris ít nói về việc liệu Trung Quốc sẽ lấy lại được ưu thế của mình hay không, mặc dù dự đoán điều này sẽ xảy ra muộn nhất là vào năm 2103.
Ông kết lại cuốn sách với hi vọng con người có thể học hỏi từ những sai lầm của mình và đặt ra câu hỏi lớn cho thời đại của chúng ta. Câu hỏi đó không phải là liệu phương Tây có tiếp tục dẫn đầu hay không, không phải là liệu một bên của lục địa Á – Âu sẽ cai trị bên kia mà là liệu toàn thể nhân loại có phát kiến được một dạng thức sống hoàn toàn mới trước khi thiên tai đánh gục chúng ta – mãi mãi.
Bài viết thuộc Trạm Đọc – Readstation
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
Tóm Tắt Sách: Tạo Ra Thông Điệp Kết Dính
Giấc mơ Mỹ – Đường đến Stanford: Hành trình trở thành người lớn khiêm nhường
Tóm Tắt Sách: Tư Duy Nhanh Và Chậm