Câu hỏi đơn giản trên là điều đầu tiên thôi thúc phóng viên Sarah Frier viết nên cuốn sách mê hoặc nhất về những tranh đấu ở thung lũng Silicon. Bởi lẽ vậy mà nó cũng chân thực hơn bao giờ hết về cách mà Zuckerberg đã “nuốt chửng” đối thủ bằng việc biến Instagram thành một phần của Facebook.
Năm 2010, Kevin Systrom và Mike Krieger ra mắt ứng dụng chia sẻ ảnh có tên là Instagram, với một tính năng đơn giản nhưng hấp dẫn: làm cho bất cứ thứ gì bạn chụp được trông đẹp hơn.
Chỉ hai năm sau đó, cụ thể vào ngày 4 tháng 12 năm 2012, tờ Daily Mail đưa tin: “Mười ba nhân viên của dịch vụ chia sẻ ảnh Instagram đã đi ăn mừng vào hôm nay, sau khi biết mình sắp trở thành triệu phú”.
Ngỡ tưởng chỉ là chiêu trò giật tin câu view, nhưng không. Mark Zuckerberg đã chính thức mua lại Instagram với giá 1 tỷ đô-la, và lúc này 13 nhân viên của Instagram mỗi người sở hữu 77 triệu đô-la.
Vụ sáp nhập được coi là quyết định sáng suốt nhất của Facebook từ trước đến nay, cùng với chiến lược “mua để diệt” của Zuckerberg thì Instagram cũng bị “nuốt chửng” từ đây, sau cùng Systrom và Krieger phải chấp nhận từ bỏ đứa con của mình trong cay đắng.
Tuy nhiên, khi nhìn vào quy mô phát triển và giá trị thương mại hiện tại của Instagram thì không thể phủ nhận đóng góp của “công ty mẹ” Facebook. Liệu rằng có đúng khi nói Zuckerberg đã “diệt” Instagram?
Với những tình tiết “chưa từng được tiết lộ” từ các nguồn tin độc quyền, phóng viên Sarah Frier sẽ gói gọn câu chuyện lớn lên của Instagram từ khi thành lập cho đến nay qua cuốn sách “Thương vụ Facebook thâu tóm Instagram”. Cuốn sách sẽ cho bạn thấy sức tác động to lớn của Instagram đối với xã hội, mối quan hệ đầy rủi ro giữa chúng ta với công nghệ, cuộc chiến thu hút người dùng cũng như tham vọng thống trị đáng sợ của Facebook.
Bắt đầu tìm đáp án đằng sau quyết định “thâu tóm Instagram” của Mark Zuckerberg.
Instagram đã bị đánh trượt trong bài kiểm tra của Zuckerberg như thế nào?
Ngay từ những ngày đầu, Systrom và Krieger đã xác định rõ những giá trị mà Instagram theo đuổi: thiết kế chu đáo, tính đơn giản và các bài đăng chất lượng cao. Nhưng triết lý “phát triển bằng mọi giá” của Facebook đã khiến những giá trị này lung lay hơn bao giờ hết.
Systrom một mặt muốn thành công trên quy mô lớn như Facebook, mặt khác cũng muốn tránh làm giảm giá trị ở bất cứ khía cạnh của sản phẩm hoặc phá hỏng những gì nó đại diện. Nhưng Instagram phát triển quá nhanh, và Systrom không thể có được cả hai. Mark Zuckerberg đã khiến anh thấy rõ thực tế này, đầu tiên là với hoạt động kinh doanh quảng cáo.
Frier đã phân tích rõ thực tế này trong sách như sau:
“Zuckerberg về sau đã buộc Instagram phải mở các nút thắt kiểm duyệt và chạy quảng cáo cho bất kỳ doanh nghiệp nào mua quảng cáo trên trang web của Facebook. Nhưng trước khi Zuckerberg làm vậy, các kỹ sư của Instagram đã chạy đua với thời gian suốt những tháng tiếp theo để xây dựng một hệ thống có thể cứu Instagram khỏi cái chết do các “bảng quảng cáo kỹ thuật số mờ nhạt” gây ra.”
Rốt cuộc, Instagram quyết định họ không muốn trở thành người môi giới – điều mà Facebook đang làm. Thay vào đó, họ muốn tập trung vào việc cải thiện mối quan hệ với người dùng, vốn là lý do hàng đầu khiến ngày càng có nhiều người tham gia và yêu thích Instagram.
Sự phản kháng không dừng lại ở đó. Tại văn phòng ở London, các nhân viên cố gắng khắc họa văn hóa Instagram và làm nổi bật sự khác biệt của ứng dụng này so với Facebook, như những gì đội ngũ ở California đã làm.
Những động thái trên cuối cùng chỉ có tác dụng thổi bùng ngọn lửa đang âm ỉ giữa Zuckerberg và Systrom, hay Facebook và Instagram. Tới nước này, ông chủ Facebook không thể tiếp tục làm ngơ nữa.
Instagram phát triển nhanh làm lung lay vị thế dẫn đầu của Facebook
Sau khi thương vụ 1 tỷ đô-la thành công, Facebook đã giúp Instagram đạt được ước mơ: tiếp cận đông đảo công chúng toàn cầu. Nhưng câu hỏi đặt ra là giờ nó phải tỏ lòng biết ơn thế nào với công ty mẹ hùng mạnh Facebook, tổ chức hiện đang lo lắng về vị thế dẫn đầu của mình?
“Zuckerberg đã xem xét sự tăng trưởng của Instagram và thấy chỉ số này vẫn đang tăng nhanh, ngay cả khi tốc độ thêm người dùng mới của cả Facebook lẫn Twitter và Snapchat đang chậm lại. Phát hiện này không mang đến điềm báo tốt lành cho công ty quý giá mà anh thâu tóm.”
Ông chủ Facebook tin rằng vấn đề là “tất cả người dùng của anh đều có một mạng xã hội khác để truy cập, cái mà Facebook đã và đang quảng cáo trên trang web của chính mình suốt nhiều năm”.
Chẳng phải Mark đang sở hữu Instagram đó sao? Systrom phản bác với lập luận Instagram không hề ăn cắp miếng bánh của Facebook, cái bánh chỉ đơn giản đang trở nên lớn hơn.
Nhưng Facebook là đứa con cưng của Zuckerberg. Và vị CEO rõ ràng đang đọc dữ liệu với sự thiên vị. Như cách ví von châm biếm của một cựu giám đốc tại Insta thì: “Facebook giống như một cô chị muốn diện đẹp cho cô em đi dự tiệc nhưng không hề muốn cô em xinh hơn mình”.
Zuckerberg đưa ra một quyết định nhỏ vào cuối năm 2017, một sự thay đổi mà người dùng rất khó nhận ra: Anh yêu cầu Systrom lập một liên kết dễ thấy trong Instagram để dẫn người dùng từ đây sang Facebook. Còn trên bảng tin của Facebook, Zuckerberg đã xóa đi liên kết dẫn tới Instagram.
Zuckerberg có phải kẻ phản diện trong câu chuyện này?
Khi Facebook bắt đầu ra mắt các bản sao Stories đầu tiên, không có cái nào trong số đó gây được tiếng vang lớn như Instagram. Đây đáng ra phải là chuyện vui, nhưng Zuckerberg không nhìn nhận theo hướng đó. Tất cả những gì anh thấy là Instagram đánh cắp cơ hội của Facebook – vốn là đứa con ruột được cưng chiều.
Như Sarah đánh giá về phản ứng của vị CEO trẻ tuổi là:
Mỗi khi Instagram đạt được một chút thành công, Zuckerberg dường như lại thẳng chân đá họ về lại vị trí của mình.
Zuckerberg nhiều lần thẳng thắn với Systrom trong cuộc họp rằng anh nghĩ Instagram thành công với Stories chẳng phải vì thiết kế của nó, mà vì Instagram đã đi trước. Dù ý kiến này chẳng khác nào một cú đấm vào mặt Systrom – và những gì anh đã cố công gây dựng với Instagram, anh đủ hiểu tranh luận với Zuckerberg sẽ chẳng dẫn tới đâu ngoại trừ bị đuổi việc.
Nhưng dường như sự việc trên chỉ có tác dụng kéo dài khoảng thời gian Systrom gắn bó với công ty. Vào năm 2018, sau nhiều cuộc cãi vã căng thẳng, anh đã đi đến quyết định rời bỏ Facebook, và tất nhiên là cả Instagram. Chẳng phải đợi lâu, Mark Zuckerberg đổi tên ứng dụng thành Instagram from Facebook một thời gian ngắn sau đó.
Trong suốt câu chuyện này, Zuckerberg dường như luôn là kẻ phản diện.
Cái giá của vụ thâu tóm này là bao nhiêu? Ai là kẻ được, người mất?
Năm 2019, Instagram đã mang về khoản doanh thu xấp xỉ 20 tỷ đô-la, hơn một phần tư tổng doanh thu của Facebook. Thỏa thuận mua lại Instagram bằng tiền và cổ phiếu vào năm 2012 của Facebook là thương vụ siêu hời trong lịch sử thâu tóm doanh nghiệp.
Giờ đây, Instagram ngày càng giống với hình ảnh của Facebook hơn bao giờ hết. Một quyết định hợp lý đã được đưa ra, và chính những nhân viên của Instagram cũng thừa nhận rằng nó là điều hợp lý: Zuckerberg nắm giữ quyền kiểm soát nhiều hơn với sản phẩm.
Systrom và Krieger bán Instagram cho Facebook vì họ muốn nó lớn mạnh hơn, hợp thời hơn và tồn tại lâu hơn. Cả hai người họ đã luôn cố gắng rất nhiều để tạo ra giá trị cho thế giới, thế nhưng cuối cùng vẫn mắc kẹt trong những rắc rối của doanh nghiệp về cá tính, lòng tự tôn cá nhân và các ưu tiên.
Sau cùng, Sarah Frier đặt dấu chấm hết cho cuốn sách của mình bằng một câu nói đầy ẩn ý, dấy lên câu hỏi nghi ngờ trong tâm trí độc giả:
“Nếu lịch sử Facebook có thể nói lên bất cứ điều gì, đó chính là cái giá thật sự của vụ thâu tóm đã đổ lên vai của chính người dùng Instagram”.
Vũ Thành Long