Phong cách sống tối giản (Mininalism) đang ngày càng trở nên phổ biến hiện nay, nhất là khi chúng ta đang phải hàng ngày vật lộn với sự quá tải về vật chất và cả thông tin.
Những đêm lặng lẽ với vết thương trong mình, có bao giờ bạn nản lòng đến mức chỉ muốn nằm yên mãi, không muốn đứng dậy bước ra ngoài nữa không? Có bao giờ bạn chỉ muốn ngủ thiếp đi, mà không tìm thấy một động lực nào để thức dậy? Nghe có vẻ tiêu cực, nhưng tôi đã từng như thế.
Nhớ những ngày trực tuyến hơn 12 giờ, giao tiếp với không biết bao nhiêu con người, nhưng sao… tôi vẫn thấy cô đơn quá. Nhiều lúc tôi “thèm người” đến ngơ ngẩn, giữa hàng chấm xanh mà không biết chia sẻ với ai, chỉ mong có thể “giao tiếp” và “kết nối thực sự” với ai đó, bất cứ ai… Tôi cảm giác mình bị rối nhiễu trong thế giới quá nhiều thông tin, ai ai cũng tranh thủ để nói, để gây sự chú ý. Thế giới này ngày ngày vẫn quay cuồng lướt đi, nhưng bao người trong chúng ta – vốn đã mang nặng đủ mọi trách nhiệm trên vai, lại đuổi không kịp, hoặc có lẽ là cũng chẳng muốn (?) cuốn vào guồng quay ấy.
Gánh vác quá nhiều trách nhiệm làm tôi không còn thời gian để ý đến cảm xúc bản thân, sức khỏe cũng dần yếu đi. Tôi cũng không có thời gian để chăm chút đến căn phòng nơi mình sống hàng ngày. Những tháng ngày ấy, hòa vào thế giới, tôi như đang bỏ quên chính mình. Như một quả bóng đang căng đầy áp lực, tôi dần cảm thấy mệt mỏi, dần chẳng biết bản thân phải đi về đâu, chỉ chờ khoảnh khắc quả bóng kia vỡ ra, sẽ sụp đổ, chạy trốn. Trước khi điều đó xảy tới, xin hãy tự cứu lấy mình.
“Một căn phòng chất đống đồ vật, có thể so sánh với sự bao vây của rất nhiều người. Bạn có thấy khó chịu khi một đám người chẳng hề quen biết nhảy vào ở chung với lý do chúng ta là đồng loại không? Sau khi hình dung ra vấn đề, bạn hãy xem xét khả năng sử dụng của đồ vật, chuyển bản thân lên làm vai chính để đánh giá xem mình sẽ dùng những đồ vật gì. Đó là một bước tiến đáng kể. Xét trên quan hệ giữa người với người, đây chính là chọn một vài người quen biết giữa những người xa lạ. Khi đó, số lượng người sống chung sẽ giảm một cách đáng kể.”
Ở Nhật Bản, đất nước nổi tiếng với tỉ lệ người tự tử vì áp lực công việc và cuộc sống, mọi người ý thức hơn bao giờ hết rằng cần một biện pháp giải phóng chính mình. Hideko Yamashita, một tư vấn viên sinh tại Tokyo, tốt nghiệp Đại học Waseda khoa Văn học đã khởi xướng phong trào Danshari bao gồm ba chữ Dan (từ chối), Sha (vứt bỏ), và Ri (tránh xa). Cụm từ Danshari đã trở thành một trào lưu không chỉ ở Nhật Bản mà còn lan rộng toàn thế giới và được tác giả đăng kí bản quyền độc quyền. Danshari không chỉ là một phong cách sống, mà giờ đây nó trở thành một nghệ thuật sống.
Danshari hướng tới sự giải thoát khỏi những ám ảnh về cả vật chất lẫn tinh thần được nhiều giới trẻ ngày nay áp dụng. Chỉ khi vứt bỏ được những suy nghĩ và vật dụng không cần thiết, con người ta mới có không gian chăm chút chính bản thân mình, nghỉ ngơi dưỡng sức cho những tháng ngày tiếp theo.
Nếu bạn cần một điểm dừng, mong muốn nhìn nhận một cách nghiêm túc những điều “thực sự quan trọng” trong bộn bề cuộc sống hàng ngày thì cuốn sách Tối giản – Sở hữu ít đi, hạnh phúc nhiều hơn của Hideko Yamashita là dành cho bạn. Cuốn sách này đã gây sốt tại Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, được dịch ra 12 thứ tiếng và trở thành cẩm nang không thể thiếu dành cho những người thực hành sống tối giản. Giữa những trào lưu hô hào người ta phấn đấu đạt được càng nhiều thứ càng tốt, cuốn sách không cần quá to tát cầu kì nhưng sự hữu dụng của nó lại giống ánh sáng chỉ lối trong đêm tối, đưa ta tìm đến sự tự do và hạnh phúc đích thực.
Because less is more.
H.Hạnh