Một cô gái vừa mới qua độ tuổi 20, viết về lịch sử dưới một góc nghiêng mới mẻ thấm đẫm phong vị của tuổi trẻ bằng ngòi bút mượt mà, lãng mạn và tinh tế.
Góc nghiêng vẽ nên lịch sử
“Nhân gian nằm nghiêng” có cốt truyện xuyên không kể về hai con người lạc lõng mang nhiều nỗi niềm riêng của thế kỷ 21 là Huỳnh và Bùi Phóng vướng vào vòng xoáy bất định của sông Hồng, bị đưa về quá khứ cách thời hiện tại hơn 700 năm. Ở năm 1281, năm loạn lạc nhất trong cuộc đại chiến lần thứ hai của quan quân nhà Trần với đế quốc Nguyên Mông, họ trở thành những người chứng kiến dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc, với những tên tuổi đã làm nên đại nghiệp như Trần Khâm (vua Trần Nhân Tông), Trần Nhật Duật, Trần Ích Tắc, Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Hưng Đạo, Trương Hán Siêu…
Lấy cảm hứng từ “Đại Việt sử ký toàn thư”, cùng với trí tưởng tượng phong phú và sự thông minh trong sắp xếp các sử liệu thành một câu chuyện hấp dẫn, Đặng Hằng đã nương theo dòng lịch sử để kể một câu chuyện hư cấu theo góc nhìn nghiêng thật sống động và thuyết phục. Thông qua nhân vật trung tâm là cô gái trẻ tên Huỳnh, các vị danh tướng thời Trần cùng quan gia Trần Nhân Tông được khắc họa đậm nét, đều là những hào kiệt trẻ tuổi giỏi giang, hào sảng, nghĩa khí nhưng mang nhiều tâm tư lớn. Đó là một Trần Nhật Duật điềm đạm, tài ba, vừa cứng rắn vừa mềm mỏng, lại nhẹ nhàng tinh tế trong từng biến đổi cảm xúc. Một Trần Khâm phảng phất nỗi cô đơn trên ngôi cao, bản lĩnh, trí tuệ nhưng cũng thâm sâu khó lường. Một Trần Quốc Toản nhiệt huyết tràn đầy nhưng vẫn còn nhiều nét trẻ con, nghịch ngợm; hay Trần Quốc Tảng nồng nhiệt, mê đắm và sôi nổi. Còn là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn với tài năng quân sự bật nhất, xuất hiện quắc thước, uy nghi, đĩnh đạc nhưng cũng đủ mọi cung bậc buồn vui và trăm mối suy tư, cùng nàng công chúa An Tư xinh đẹp vì vận mệnh quốc gia mà hi sinh hiến mình cho giặc.
Những sự kiện lịch sử cũng được nữ tác giả trẻ khắc họa chi tiết và giàu cảm xúc: Hội nghị Bình Than khi Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản nóng nảy bóp nát quả cam, Hội Thề Đồng Cổ nghiêm trang vấn vương hồn thiêng sông núi, trận chiến khốc liệt ở ải Nội Bàng, trận cọc trên sông Bạch Đằng với mưu lược của vua tôi nhà Trần và Yết Kiêu danh tướng…, tất cả, hiện lên sống động như một bản hùng ca về lịch sử vừa hào hùng bi tráng vừa lãng mạn nhân văn. Tình huynh đệ, nghĩa vua tôi, tình mẫu tử, những rung động lứa đôi… tất cả, như một dòng chảy của nhân gian thấm đượm trên từng trang văn.
Một ngòi bút mượt mà và tinh tế
Gần 500 trang sách là cả một sự đầu tư kỹ lưỡng của nữ tác giả trẻ trong việc tìm kiếm sử liệu, chắt lọc sự kiện, cắt ghép và dựng nên một bối cảnh Đại Việt hơn 700 trước một cách chi tiết đến kinh ngạc, từ bản làng Lạng Sơn nơi biên ải vắng vẻ chỉ có tiếng hổ gầm, đến phố phường Thăng Long đông đúc người ngựa, hay chốn chùa chiền u minh là nơi vua tôi nhà Trần ẩn cư trong thời binh biến. Hồn văn hóa dân tộc cũng được khắc họa đậm nét, như miếng trầu têm cánh phượng, ngày tết xưa giản dị với bánh mứt và quần áo lành lặn, tục ướp trà bên hồ Dâm Đàm, món tào phớ trắng nõn nà thơm hương bưởi được múc bằng thứ vỏ ngọc trai thanh khiết…
Bút lực của tác giả cũng là thứ làm cho cuốn tiểu thuyết hấp dẫn cho đến cuối. Đặng Hằng trau chuốt văn phong trong từng câu văn, từng con chữ nhỏ, từ nào cũng thắm, câu nào cũng đượm ý đượm tình. Mội cánh hoa hàm tiếu, một đóa sen tàn, một lọn tóc mai lay động của giai nhân cũng được tác giả làm cho chúng thật có hồn, thấm đẫm những thứ tình cảm ngọt ngào hay nói hộ số phận mong manh của chủ nhân trong dòng chảy miên man của lịch sử.
Xuyên suốt hai phần câu chuyện, tác giả đều thành công trong việc vừa hé mở và lột tả nội tâm nhân vật, vừa dựng lên không khí hào hùng khốc liệt của thời binh biến. Hình hài của tổ quốc được miêu tả như một viên ngọc tinh khôi lấp lánh trong ánh đêm đen, cùng với sự hào sảng và hiên ngang của những hào kiệt chí khí ngút trời, sẽ khiến người đọc cũng rạo rực trong lòng thứ hào khí Đông A của lòng tự hào dân tộc. Thêm vào đó, chút tình cảm nhẹ nhàng diễn ra giữa nữ nhân vật chính cùng các danh tướng thời Trần, tình cảm của Bùi Phóng và An Tư công chúa như thêm chút gia vị tạo “phản ứng hóa học”, giúp tác phẩm đến gần hơn với các độc giả trẻ bằng những dư âm dịu ngọt và vấn vương đến kết.
Tác giả:
Đặng Hằng
Sinh viên năm cuối Đại học Kinh tế Quốc dân
“Bí ẩn của một đời người, xét cho cùng, được tạo ra từ những câu từ chắp vá xộc xệch. Vận mệnh của một dân tộc, nghĩ đi nghĩ lại, rốt cục đều được tái hiện nguyên vẹn qua dòng chảy lịch sử thấm đẫm máu tươi của những con người thân xác nay đã hóa tàn tro. Hãy coi việc mượn câu chữ và quan điểm cá nhân để kể lại câu chuyện đã từng xảy ra hơn bảy trăm năm trước như một lời tâm tình vỡ vụn giữa đêm.”
Trích đoạn tác phẩm:
“Quả thực là rất đẹp… Người đẹp như hoa.
Mắt gã say mèm trước vẻ đẹp giản dị tới thuần khiết ấy. Suối tóc búi gọn sau gáy bỗng rơi ra mấy sợi đen dài rũ xuống lưng, ôm trọn lấy bờ vai khi nàng cúi người, lật giở từng cánh hoa đàm tiếu đang ngậm bên trong thứ búp chè hảo hạng. Nếu dân Hán phải dùng mồ hôi trên người những cô gái đồng trinh để ủ lá chè mới có thể làm ra vài cốc nước đậm vị, thì trà ướp sen thơm của phương nam chỉ cần qua bàn tay giai nhân nâng niu là đã đáng để quí trọng, buộc lòng người phải thưởng thức rất mực từ tốn mới có thể cảm nhận được hết cốt hồn, cốt túy trong từng búp trà sen.”
Các bạn độc giả có thể theo dõi cuộc thi và bình chọn cho tác phẩm yêu thích tại fanpage Văn học tuổi 20.