Nguồn gốc dịch bệnh là câu chuyện kinh hoàng có thật, với một kết cục ảnh hưởng tới tất cả chúng ta
Sự tấn công ác liệt và có phần “thỏa thích” của đại dịch Covid 19 toàn cầu khiến nhân loại không ngừng hoang mang và đặt ra những dấu chấm hỏi bức thiết về nó. Nguồn cơn của mối tai họa này xuất phát từ một lời bùa chú nào, hay chính là những cảnh báo nguy hại cho dấu hiệu rạn vỡ bên trong hình thái sinh tồn của nhân loại.
Từ cuộc trò chuyện bên lửa trại cùng hai người đàn ông Gabon bên trong một khu rừng ở Trung Phi, David Quammen đã được nghe chính những “nhân chứng sự kiện” kể lại về đợt bùng phát dịch Ebola bên trong ngôi làng của họ, “Mười ba con khỉ đột” và sự ra đi không một lời báo trước của người thân, bạn bè. Dịch bệnh đã làm lệch chuyển quỹ đạo sống của bao số phận con người. Ý tưởng gây dựng một thế giới tri thức liên quan đến những mầm bệnh được khơi nguồn mạnh mẽ, và cuốn sách với cái tên “Nguồn gốc dịch bệnh” đã ra đời từ đó.
Tác giả của Field Notes from a Catastrophe, Elizabeth Kolbert đã có những lời bình tán thưởng về giá trị bất ngờ mà cuốn sách mang lại: “Nguồn gốc dịch bệnh là câu chuyện kinh hoàng có thật, với một kết cục ảnh hưởng tới tất cả chúng ta”. Có lẽ tài năng kể chuyện và khả năng tổng hợp, khám phá đã giúp David Quammen dễ dàng biến mớ tri thức khoa học khô khan, phức tạp trở thành một câu chuyện khoa học hấp dẫn, đầy màu sắc. Hành trình khám phá nội dung cuốn sách đi qua chín chương mục với cách gọi tên ngắn gọn, mang tính chỉ điểm ấn tượng: Tứ mã; Mười ba con khỉ đột; Mọi thứ đều xuất phát từ đâu đó; Bữa tối ở trang trại chuột đồng; Con hươu, con vẹt, và đứa trẻ hàng xóm; Lan tỏa nhanh chóng; Chắp cánh mầm bệnh; Tinh tinh và dòng sông; Còn tùy.
Nhân vật được thuật tả chính trong cuốn sách là những cái tên đầy sức kiêu căng và khơi gợi nỗi ám ảnh triền miên với nhân loại: virus Hendra, Ebola, SARS, AIDS,… Những cái tên không tự sinh ra, và không đơn thuần xảy đến. Với Nguồn gốc dịch bệnh, David Quammen đã tự mình đóng vai trò của một “thám tử y tế”, dõi theo chặng trình của các nhà khoa học để truy vết nguồn cơn cũng như cách thức mà các dịch bệnh bùng phát.
Virus và các mầm bệnh khác có phải là những cơn ác mộng kinh hoàng đổ trùm xuống nhân loại? Dẫn theo lời của Jon Epstein – nhân vật được tác giả đề cập đến trong cuốn sách: ““Tất cả chỉ là cơ hội thôi”. Chúng không đuổi theo chúng ta. Bằng cách này hay cách khác, chúng ta tự đến với virus”. Mầm bệnh dù ghê rợn và khủng khiếp như thế nào vẫn phải hoạt động trên nguyên tắc của sự sống. Những “kẽ hở” từ môi trường sinh thái, y tế và công nghệ hiện đại chính là đòn tiếp tay đắc lực cho sự lây lan của dịch bệnh trên khắp hành tinh.
Thời kỳ của bùng phát dịch bệnh rồi cũng qua đi, và cũng có thể xuất hiện lần nữa theo một “cơn gió” may rủi nào đó. Sau tất cả, niềm tin và sự nhẫn nại là thứ sức mạnh chiến đấu kiên cố của con người trước những mối hiểm họa lẩn khuất.
David Quammen là một nhà báo, nhưng người ta cũng có thể gọi ông là một nhà văn tài năng, một nhà khoa học lỗi lạc. Nội dung cuốn sách, ở một phương diện nào đó, đã được phỏng tác thành một câu chuyện tiểu thuyết trinh thám khoa học đầy gay cấn, cùng cái kết mở: “Vậy nhân loại sẽ gánh chịu thêm những đại dịch khủng khiếp nào nữa?”
Hồ Sương