Người thu gió là cuốn tự truyện hấp dẫn kể về hành trình của một thiếu niên sinh ra ở một vùng đất nghèo khó tại Malawi châu Phi, đã dám mày mò chế tạo ra cối xay gió từ phế liệu để tạo ra điện, thay đổi cuộc sống cho toàn bộ cộng đồng cũng như bản thân mình.
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với những thành tựu đáng kể về dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, IoT, blochain… đang tạo ra những thay đổi nhanh chóng trong đời sống kinh tế, xã hội, đặc biệt là nghề nghiệp của giới trẻ sau này. Các chuyên gia nghề nghiệp dự đoán: rất nhiều ngành nghề thực hiện các công việc có tính chất lặp đi lặp lại như thư ký, hành chính, nhân viên ngân hàng, nhân công trong các nhà máy… sẽ sớm được thay thế bởi hệ thống robot nhiều chủng loại. Và hơn bao giờ hết, trong tương lai không xa. những ngành nghề liên quan đến khoa học công nghệ sẽ là những ngành nghề hot nhất, vừa cần một số lượng lớn nhân lực, vừa có đãi ngộ hấp dẫn cho người lao động.
Trong bối cảnh này giáo dục Stem (trang bị cho người học động lực cùng những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học thông qua việc giảng dạy trong nhà trường hay sách vở) là vô cùng cần thiết. Và Người thu gió chính là một cuốn sách truyền cảm hứng cho độc giả trẻ vươn lên bằng đam mê khám phá khoa học và công nghệ như thế.
Người thu gió là cuốn tự truyện hấp dẫn kể về hành trình của một thiếu niên sinh ra ở một vùng đất nghèo khó tại Malawi châu Phi, đã dám mày mò chế tạo ra cối xay gió từ phế liệu để tạo ra điện, thay đổi cuộc sống cho toàn bộ cộng đồng cũng như bản thân mình.
Chàng trai đó chính là William Kamkwamba được sinh ra ở vùng nông thôn Malawi, nơi thường xuyên xảy ra những đợt mưa lớn hoặc hạn hán kéo dài, khiến mùa màng thất bát và cuộc sống của người dân vô cùng nghèo khó, bấp bênh. Dù quyết tâm cho con cái học hành, nhưng đến năm 14 tuổi (năm 2001), cha mẹ William vẫn phải cho cậu nghỉ học, vì không thể lo nổi 80 đô la tiền học phí một năm học cho con. Lúc ấy William nghĩ cuộc đời mình chắc sẽ gắn bó mãi với những cánh đồng. Rồi hạn hán xảy ra, khiến gia đình cậu và rất nhiều dân làng rơi vào cảnh đói kém. Nhiều người, trong đó có cả bạn bè của William, phải bỏ mạng vì không còn thực phẩm để duy trì sự sống.
Những cơn mưa ở mùa vụ tiếp theo giúp các cánh đồng dần xanh tươi trở lại, nhưng William vẫn phải nghỉ học. Và đam mê học hành thúc giục cậu dùng thời gian rảnh rỗi đến đọc sách tại thư viện làng. Ở đó, với vốn tiếng Anh bập bõm và sự giúp sức của cuốn từ điển, William đọc được hai cuốn sách viết về việc tạo ra điện, khiến cậu nảy sinh ước mơ xây dựng được một cái cối xay gió giúp mang điện về làng – một sự xa xỉ vốn dĩ chỉ có 2% dân số Malawi được hưởng thụ khi đó.
Bắt tay xây dựng cối xay gió đầu tiên từ các loại phế liệu, hàng xóm của William ai cũng chế nhạo và gọi cậu là kẻ điên, người thân trong gia đình cũng nghi ngờ nhưng William vẫn quyết tâm cho họ thấy những gì một người ưa tìm tòi học hỏi và có chút khéo léo có thể làm ra.
Sử dụng kim loại phế liệu, các bộ phận máy kéo, một nửa chiếc xe đạp, công tắc tự chế và bộ ngắt mạch làm từ đinh và dây, William đã tạo ra một cối xay gió thô sơ nhưng có thể hoạt động và cung cấp đủ điện cho bốn chiếc đèn chiếu sáng. Cối xay gió thứ hai giúp gia đình cậu có thể dùng máy bơm nước để cung cấp nước tưới cho cánh đồng ngô, thuốc lá của gia đình; thậm chí trồng thêm một mùa vụ nữa trong năm.
Từ ý định khiêm tốn ban đầu, cuối cùng William đã chế tạo ra ba cối xay gió, cung cấp đủ điện cho máy bơm nước trong các cánh đồng của làng và cho sinh hoạt hằng ngày của các hộ dân, thay đổi cuộc sống của họ
Câu chuyện chế tạo cối xay gió của William nhanh chóng vượt ra khỏi phạm vi của ngôi làng, và vào cuối năm 2006, sau chuyến viếng thăm của một chuyên viên giáo dục khi được nghe kể về cậu, William đã được trở lại trường học dưới sự bảo trợ của Chính phủ.
Năm 2007 và năm 2009, William 2 lần được mời đến nói chuyện trong chương trình Ted Talk nổi tiếng (chương trình kết nối và tổ chức các buổi nói chuyện, hội thảo nhằm quảng bá những ý tưởng đáng lan truyền ở mọi lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu). Năm 2013, Tạp chí TIMES đã đưa anh vào danh sách những người thay đổi thế giới dưới 30 tuổi (30 People Under 30 Changing The World).
Khi biết đến câu chuyện chế tạo cối xay gió của William, ngoài Chính phủ Malawi, rất nhiều cá nhân, tổ chức đã liên hệ và sẵn sàng tài trợ cho việc đi học của anh. Năm 2014, William với khả năng nói tiếng Anh hoàn hảo, đã tốt nghiệp Đại học Dartmouth, Hoa Kỳ, chuyên ngành nghiên cứu môi trường và kỹ thuật. Anh đã hợp tác với tổ chức buildOn.org, để xây dựng các lớp học mới cần thiết cho trường tiểu học của mình ở Wimbe. Trước đó, vào mùa hè năm 2010, anh quay trở lại Malawi để dạy các em nhỏ cách khai thác năng lượng gió. “Các học sinh tại Trường tiểu học Wimbe đã giúp tôi lắp đặt các thiết bị khai thác năng lượng gió và mặt trời cho trường” anh nói. “Bây giờ các em có thể đọc vào ban đêm. Và nhờ vào sự đóng góp hào phóng của rất nhiều người, giờ đây các em ấy đang được sử dụng máy tính xách tay thông qua năng lượng mặt trời và gió. Tôi tin rằng điện và khối lớp học mới sẽ giúp các em ấy học hành tốt hơn và thành công hơn.”
Viết lại hành trình của một chàng thiếu niên châu Phi vô danh từng phải đối mặt với nạn chết đói, bỏ học vì nghèo khó, trở thành người của công chúng– Người thu gió chính vì vậy là một cuốn sách truyền cảm hứng cho độc giả trẻ vươn lên bằng đam mê khám phá khoa học và công nghệ. Cuốn sách đồng thời cũng mang lại niềm tin cho bất cứ ai nghi ngờ khả năng cải thiện cuộc sống, thay đổi cộng đồng của một cá nhân.
Nói về đứa con tinh thần của mình, William Kamkwamba mong muốn cuốn sách sẽ giúp các bạn trẻ “tìm hiểu về nền văn hóa khác và cách mọi người làm những điều khác biệt trong các cộng đồng khác nhau. Tôi cũng hy vọng cuốn sách sẽ khuyến khích họ học hành, theo đuổi đam mê của mình – và đặc biệt là không bao giờ bỏ cuộc”.
Cuốn sách Người thu gió được nhiều trường đại học của Mỹ đưa vào danh mục sách cần đọc cho tất cả sinh viên mới vào trường. Sau khi xuất bản không lâu, cuốn sách Người thu gió đã lọt top sách bán chạy nhất của New York Times, USA Today và Publisher Weekly. Cuốn sách cũng đươc chuyển thể thành bộ phim cùng tên tạo ra nhiều xúc cảm tươi đẹp cho khán giả.
Nguyễn Cường- Trạm đọc