Trong lịch sử du hành vũ trụ, Apollo 11 là chuyến bay lần đầu đưa con người bước xuống, để lại dấu chân trên Mặt Trăng (ngày 21/7/1969). Hào quang thuộc về Apollo 11 nhưng Apollo 8 mới là sứ mệnh đột phá. Apollo 8 đã minh chứng cho khả năng bay lên Mặt Trăng của con người. Đó là sứ mệnh đưa những người đàn ông quay quanh mặt trăng và đưa họ trở lại trái đất an toàn.
Trước một cuốn sách về chuyến du hành đầu tiên đưa con người tới Mặt Trăng, bạn chắc hẳn sẽ lo lắng rằng mình hiểu quá ít về chúng hay cảm thấy nhàm chán, bối rối bởi những thuật ngữ chuyên môn. Nhưng hãy yên tâm vì “Người Hỏa Tiễn” không chỉ có tên lửa, không gian và mặt trăng, nó hướng đến những câu chuyện hấp dẫn, bình dị và tử tế của những con người phi thường trước một sứ mệnh lớn lao. Hãy tưởng tượng rằng hôm nay là ngày 21 tháng 12 năm 1968 và việc phóng tên lửa sẽ diễn ra. Trong sứ mệnh Apollo 8, bạn có mặt trong chuyến bay vào không gian cùng với các phi hành gia – Frank Borman, James Lovell và William Anders.
Chuyến du hành táo bạo và mạo hiểm đưa con người tới Mặt Trăng
Cuốn sách tập trung chủ yếu vào Apollo 8, cả chuyến bay trước đó và sau đó của Apollo đều được đề cập nhưng ít sâu hơn, tuy nhiên chúng đã tác động đến cả lý trí và trái tim của những người phi hành gia.
Trong lịch sử du hành vũ trụ, Apollo 11 là chuyến bay lần đầu đưa con người bước xuống, để lại dấu chân trên Mặt Trăng (ngày 21/7/1969). Hào quang thuộc về Apollo 11 nhưng Apollo 8 mới là sứ mệnh đột phá. Apollo 8 đã minh chứng cho khả năng bay lên Mặt Trăng của con người. Đó là sứ mệnh đưa những người đàn ông quay quanh mặt trăng và đưa họ trở lại trái đất an toàn.
Tác giả Robert Kurson vẽ nên một bức tranh tổng thể về những sự kiện lịch sử Hoa Kỳ trong một năm đầy biến động: Cuộc chạy đua vào vũ trụ với Liên Xô, giấc mơ hạ cánh lên mặt trăng của John Kennedy, chiến tranh Việt Nam, các cuộc biểu tình đòi quyền dân sự, bạo loạn chủng tộc, biểu tình ở Chicago, bất ổn trong nước, vụ ám sát John Kennedy,…
Trong bối cảnh ấy, Apollo 8 là nước đi liều lĩnh và mạo hiểm. Mọi khâu từ huấn luyện, phân tích, tính toán, vận động chính trị được tức tốc tiến hành trong khoảng thời gian ngắn. Phi hành đoàn gồm ba phi hành gia: Frank Borman, Jim Lovell và Bill Anders.
Tàu được đưa lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Saturn V – tên lửa lớn nhất và mạnh nhất từng được chế tạo trong lịch sử. Với Apollo 8, đây là chuyến bay đầu tiên nhưng với Saturn V, đây đã là chuyến bay thứ 3 với các sứ mạng có sự tham gia của con người.
Ngày phóng tàu được ấn định là 21 tháng 12 năm 1968 và hành trình sẽ kéo dài trong 6 ngày, đúng vào dịp Giáng sinh.
Ngày 21/12/1968, ba phi hành gia ngồi trong tàu vũ trụ, ở trên đỉnh một trong những cỗ máy mạnh nhất từng được chế tạo, chờ được phóng lên không trung.
Khi thời gian đếm ngược bắt đầu, một số kỹ sư, nhà khoa học NASA tự hỏi liệu phi hành đoàn có trở về hay không. Ngay bản thân các phi hành gia cũng hiểu rõ cơ hội sống sót của mình trong chuyến bay đầy mạo hiểm này, độ rủi ro cao hơn bất cứ nỗ lực nào mà NASA từng thực hiện”, tác giả Robert Kurson viết.
Từ đây, tác giả đã đưa người đọc vào một hành trình mạo hiểm, phiêu lưu, một cuộc chạy đua thực sự đến thời khắc cuối cùng với những trải nghiệm sống động, những khoảnh khắc sinh tử, những tình huống “khó đỡ” đã xảy ra: Khi Bormen uống một viên thuốc ngủ nhưng lại bị nôn mửa và tiêu chảy, hệ thống xử lý chất thải của tàu không thể đáp ứng kịp thời và kết quả là tất cả những gì trong ruột của Borman trôi lơ lửng trong cabin; Khi họ không thể phân biệt được ngôi sao nào trong hàng ngàn tinh thể hỗn tạp – cách tốt nhất để tái định hướng con tàu, những cú va chạm, biến động và chao đảo bất thình lình, những lần chuyển quỹ đạo, hồi quyển dưới góc hẹp khiến người đọc thót tim,…
Nhưng đó cũng là những giây phút vô giá trong cuộc đời của những người hùng. Trong khi mọi người trên Trái Đất đang theo dõi chuyến bay lịch sử qua TV và đài radio thì các phi hành gia bắt đầu thủ tục kiểm tra và Bill Anders đã mô tả bề mặt Mặt Trăng một cách đầy chân thực:
“Mặt Trăng có màu trắng xám, giống như cát ở bãi biển bẩn cùng rất nhiều dấu chân in trên đó”.
Bill Anders dành hầu hết thời gian để chụp ảnh về những khu vực hạ cánh trong tương lai của tàu Apollo qua cửa sổ và dùng kính lục phân như kính thiên văn. Một trong những bức ảnh nổi tiếng nhất là Earthrise – hình ảnh hành tinh xanh của chúng ta “mọc” lên và lơ lửng trên một Mặt Trăng cô đơn. Bức ảnh đã ghi lại khoảnh khắc vô giá và sau đó đã trở thành một trong những những bức ảnh tiêu biểu của thế kỷ 20.
Những tính toán chính xác và kịp thời đã đưa con tàu trở về nhà an toàn sau khi bay 10 vòng quanh Mặt Trăng. Đúng như kế hoạch, vào ngày 27 tháng 12, những người tiên phong đã đặt chân về với hành tinh xanh – quê hương yêu dấu của họ. Những thành tựu mà Apollo 8 đạt được trong lịch sử khám phá không gian thật khó để nói hết: Một bước tiến vĩ đại trong Khoa học – Công nghệ, một bước nhảy vọt đối với tiến trình phát triển của nhân loại nhưng trước hết nó mang lại ánh sáng và hy vọng, hàn gắn một đất nước đã bị tổn thương sâu sắc từ bên trong vào đúng thời điểm nhất.
Ngòi bút kịch tính của Kurson đã mang lại một trải nghiệm tuyệt vời. Chúng ta cảm giác như chính mình đã ở trong chuyến bay cùng các phi hành gia, chứng kiến những gì họ đã thấy, trải nghiệm những gì họ đã trải qua. Bạn không cần đi xem phim, chỉ cần ngồi xuống ghế và đọc sách là đã có những giây phút vô cùng hồi hộp, nghẹt thở hay vỡ òa cùng với tác giả.
Sức mạnh đằng sau các phi hành gia và sứ mệnh lịch sử của họ
Không hề lý tưởng hóa, những phi hành đoàn Apollo 8 chính là những người hùng đích thực. Borman – một trong những phi hành gia giỏi nhất, một người chuẩn xác, nghiêm túc, đưa ra những ý tưởng thiên tài để giúp đất nước giành ưu thế trong cuộc chiến không gian. Lovell – người “cưỡi những con chim sắt nhào lộn trên bầu với” đã khao khát và thực hiện được công việc yêu thích nhất của mình: thám hiểm và tiên phong. Ander – người có thành tích bay vô cùng ấn tượng khao khát được bay trên những cỗ máy tân tiến nhất và trở thành nhà khám phá không gian như những nhà thám hiểm ông từng ngưỡng mộ. Tất cả họ đều có điểm chung là lòng dũng cảm và niềm tin vào những người cộng sự, niềm tin vào chính bản thân với mong muốn góp sức giúp Mỹ đánh bại Liên Xô trong cuộc chiến không gian. Có thể thấy lòng yêu nước và tinh thần dân tộc cũng như thái độ ủng hộ của chính tác giả xuyên suốt trong câu chuyện về những người hùng lý tưởng.
Tuy nhiên, điều đặc biệt của cuốn sách không chỉ dừng ở đó. Kurson đã khắc họa cuộc sống của những phi hành gia ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đừng chỉ nghĩ về họ như một nhóm người dũng cảm phi thường, họ còn là những người đàn ông thực sự với tính cách tử tế và sức mạnh đằng sau họ là gia đình. Bạn chắc chắn sẽ bị hấp dẫn bởi cuộc đời của Frank Borman, Jim Lovell và Bill Anders, cách họ lớn lên và trở thành phi hành gia, cách họ gặp và yêu vợ, cách vợ họ bị ảnh hưởng bởi những gì những người chồng đang làm, sự hy sinh thời gian dành cho gia đình, cách họ ủng hộ cho ước mơ của chồng, cách những người đàn ông yêu thương và dành thời gian cho tổ ấm. Câu chuyện cá nhân của họ khiến chúng ta cảm động và cảm phục.
Phần kết của cuốn sách tìm hiểu những gì phi hành đoàn đã làm sau đó và họ đang ở đâu trong cuộc sống vào thời điểm kỷ niệm 50 năm sau khi hoàn thành sứ mệnh thành công. Và cuộc hôn nhân bền vững của họ với tình yêu ban đầu chính là điểm sáng trong cuộc đời những người đàn ông đầu tiên bay vào Mặt trăng mà tác giả Kurson đúc kết:
“Trong câu chuyện đẹp một cách lạ lùng, nó dường như chỉ hợp lý khi những người đàn ông đầu tiên rời Trái Đất đều xem gia đình là nơi quan trọng nhất trong vũ trụ”.
Robert Kurson – Người tường thuật xuất sắc cho những câu chuyện thám hiểm
Trong phần ghi chú của “Người Hỏa Tiễn”, Robert Kurson đã kể lại cách ông được truyền cảm hứng để viết cuốn sách này. Nghiên cứu của Kurson rất rộng, bao gồm thời gian dành cho Borman, Lovell, Anders, những người vợ của họ, những người từ NASA, đọc vô số tài liệu, xem video và hơn thế nữa. Lời tường thuật của Kurson chân thật, gay cấn và gần như hoàn hảo. Điều này trước đó đã được chứng minh qua “Con Tàu Ma của Thế chiến II” – cuốn sách mà chính phi hành gia Lovell vô cùng yêu thích. Câu chuyện kể về nhóm thợ lặn đã tìm thấy một con tàu ngầm từ thế chiến II. Hai người thợ lặn John Chatterton và Richie Kohler đã mạo hiểm rất nhiều để định danh cho con thuyền. Không chỉ nghiên cứu con tàu khi lặn và mò mẫm nó trong lòng đại dương tối đen, họ đã dành 7 năm để tìm kiếm thông tin, tư liệu lịch sử. Không dễ dàng từ bỏ, thay vào đó, họ tập trung vào điều mình tin là đúng và chính điều đó đã khiến câu chuyện của họ trở thành một bài đọc tuyệt vời. Lời kể của tác giả Robert Kurson về nhiệm vụ này rất ly kỳ và phức tạp về cảm xúc, câu chuyện được viết với cảm giác sống động về những gì mà những người thợ lặn thực sự trải qua khi họ gặp những mối nguy hiểm trong thế giới ngầm của đại dương.
Cả hai tác phẩm “Người Hỏa Tiễn” và “Con Tàu Ma của Thế Chiến II” đều dõi theo hành trình của những người đàn ông mạnh mẽ, dũng cảm với lý tưởng cốt lõi sâu sắc trong những cuộc thám hiểm, tìm kiếm vĩ đại. Có thể thấy ngòi bút vô cùng kịch tính, ly kỳ, giàu cảm xúc và tài năng tường thuật của Robert Kurson là điều quan trọng làm nên thành công vang dội cho hai cuốn sách bán chạy nhất của New York Times.