“Khi họ vừa rủng rỉnh đủ để sống trong một thời gian, họ sẽ ngừng làm việc” – Paul Giran viết về người An Nam năm 1904.
Psychologie du peuple annamite của tác giả Paul Giran xuất bản năm 1904 thể hiện cái nhìn của người Pháp về tâm lý người Việt cách nay hơn 100 năm. Tác phẩm mới được xuất bản tiếng Việt qua bản dịch của Phan Tín Dụng với tên Tâm lý dân tộc An Nam. Được sự đồng ý của Omega Plus, Zing.vn trích đăng một phần nội dung sách.
Người An Nam ôn hòa và điềm tĩnh, có nghĩa là họ hiếm khi thể hiện sự thiếu kiên nhẫn và cũng không để bản thân nổi giận hoặc hung dữ bất chợt. Họ không đủ mạnh mẽ để bộc lộ như vậy.
Tuy nhiên, đức tính này, theo ghi nhận cụ thể của P. Bouillevaux, phần nhiều là kết quả của sự lãnh đạm hơn là tính cách ôn hòa thực sự. Đừng tin vào vẻ điềm tĩnh của người xứ này, dưới cái vỏ bề ngoài bình tĩnh, họ có thể đang nuôi dưỡng lòng căm thù nhất, mối thù hận sâu cay nhất, mong muốn báo thù khăng khăng nhất.
Sách Tâm lý dân tộc An Nam. |
Không thể nói thẳng thừng rằng người An Nam lười biếng, trái lại, họ siêng năng, rất ít người An Nam ăn không ngồi rồi, có điều, họ lao động một cách uể oải, đặc biệt là khi họ làm không phải do bị nhu cầu thúc bách hoặc không vì lợi riêng. Các kiều dân, thương nhân, kỹ nghệ gia, nói chung tất cả những ai phải thuê họ làm việc, dưới bất kỳ hình thức nào, đều quen thuộc với những điểm bất tiện của lực lượng lao động này.
Để thực hiện công việc thường chỉ cần đến một người châu Âu, thì ở đây phải cần ít nhất bốn “phu thợ”… và một giám sát viên.
Không nên quá đòi hỏi ở người An Nam bẩm sinh vô cảm quá mức. Khiếm khuyết này chắc chắn bắt nguồn từ những thiên hướng sinh lý di truyền mà ở một mức độ nhất định đã làm giảm bớt tính trách nhiệm của họ.
Ở người An Nam, biếng nhác là một tình trạng bình thường, năng động, mới là điều bất thường. Ý chí cùn nhụt của họ chỉ có thể thể hiện theo một hướng thụ động.
Sự kiên trì, năng động, sáng tạo, bao nhiêu là phẩm chất chưa được biết đến ở An Nam. Cha Bouillevaux nói “người An Nam không kiên định. Họ bắt đầu vô cùng hăng hái một công việc hợp ý họ, họ khởi đầu tốt trong bất kỳ nghề nào, nhưng sau một vài tháng, nhiều nhất là vài năm, họ mệt mỏi, chán ghét, bỏ bê công việc và thường bỏ ngang nghề của mình, dù sau này vẫn phải làm tiếp khi nghèo đói. Người An Nam không có sự kiên trì, họ không thích quy tắc, họ thích hành sự tùy hứng, không nhất quán, không suy nghĩ thấu đáo”.
Người thợ An Nam làm việc chỉ để sống, những nhu cầu của họ phải nói là rất ít. Khi họ vừa rủng rỉnh đủ để sống trong một thời gian, họ sẽ ngừng làm việc. Đừng thử trả công hậu hĩnh cho một thợ thủ công bản xứ để giữ anh ta lại, nếu anh ta dễ dàng kiếm được, trong một tuần, số tiền cần cho lượng thức ăn trong một tháng, vào ngày thứ tám, sau khi được trả tiền, người thợ của bạn sẽ không xuất hiện cho đến khi anh ta tiêu hết đồng cuối cùng.
Ta dễ dàng hiểu ra rằng không nên yêu cầu những người như vậy lúc nào cũng đưa ra nhiều sáng kiến. Thế nên, chúng ta sẽ hiếm khi thấy họ có ý định doanh thương hoặc kỹ nghệ, vì để thành công, điều này đòi hỏi chất lượng trí tuệ, tổ chức và kinh tế cao.
Người An Nam chỉ mong làm những nghề nghiệp đã được vẽ đường sẵn, ít gây ra cho họ những sự cố bất ngờ nhất, ít đòi hỏi những nỗ lực sáng tạo nhất.