Khu vườn của Jenny nhiều ánh sáng, đúng như cô mô tả thế này, trong sách: “những bông hoa hồng khoe sắc mỗi sớm mai, hương thơm nồng nàn của những bụi hoa sẽ lại kéo từng đàn ong, đàn bướm dập dìu bay về, ánh nắng rồi lại chiếu xuống từng kẽ lá gốc cây, thiêu đốt những đám rêû mốc, thảm cỏ xanh đầy sức sống sẽ mọc trở lại từ những đám mùn lá ẩm ướt lâu năm…”
Khu vườn của Jenny được viết bởi một tác giả nữ. Cô là một người làm việc nhiều năm trong môi trường kinh doanh và đầu tư. Thông minh, thành đạt và quyết liệt, những phẩm chất ấy ở cô bộc lộ thật nhiều trong cuốn sách này. Cái gì có ở bên trong ắt tìm cách thể hiện ra bên ngoài, cái gì có ở nội tâm sẽ thể hiện trên trang viết. Làm sao mà khác được? Jenny đã đúng khi thể hiện chính-mình-như-mình-vẫn-thế trong cuốn sách này.
Tôi nói với Jenny rằng tôi không nghĩ tâm hồn cô còn nhiều ánh sáng tới vậy. Khu vườn của Jenny nhiều ánh sáng, đúng như cô mô tả thế này, trong sách: “những bông hoa hồng khoe sắc mỗi sớm mai, hương thơm nồng nàn của những bụi hoa sẽ lại kéo từng đàn ong, đàn bướm dập dìu bay về, ánh nắng rồi lại chiếu xuống từng kẽ lá gốc cây, thiêu đốt những đám rêû mốc, thảm cỏ xanh đầy sức sống sẽ mọc trở lại từ những đám mùn lá ẩm ướt lâu năm…”
Là như vậy. Nên mừng cho Jenny vì cô vẫn giữ được chừng ấy ánh sáng trong tâm hồn sau bốn mươi năm đi qua nhiều câu chuyện cuộc đời, và đã từng trải qua không ít bóng tối. Quá khứ bị xâm hại từ rất sớm đã đẩy tuổi thơ cô vào một căn hầm mà Jenny đã mô tả rất đáng yêu trong sách. Căn hầm ấy là nơi cô trốn tránh cuộc đời để “mang những con búp bê của cô xuống.. lột hết quần áo của chúng và quan sát… tò mò xem chúng có gì bên dưới những bộ áo váy đó.” Căn hầm ấy là nơi “không bao giờ có ánh nắng chiếu trực tiếp xuống” như Jenny đã viết.
Tôi nói với Jenny một nghịch lý rằng có thể chính cái bóng-tối-đã-từng ấy lại là tài sản của cô, để cho cô có được sự nhạy cảm mà nếu thiếu nó, liệu có hay không Jenny của ngày hôm nay. Cô gái từng “không nói một câu nào trong lớp suốt ba năm ở Liên Xô” chỉ vì không muốn nói, không thích trường lớp chỉ vì nơi đó quá đông người, và cho đến bây giờ, cô ấy vẫn không thoải mái khi ở chỗ đông người. Sự im-lặng-đã-từng ấy lại cũng chính là ngọn nguồn của hiểu biết, vì nỗi sợ cái đông đảo bên ngoài ấy đẩy Jenny vào bên trong nội tâm, dù cô có ý thức điều này hay không.
Với nội tâm như vậy, trong cuốn sách này, Jenny cố gắng đi tìm một con đường bên trong mỗi cá thể. Cô lý giải về thành công và hạnh phúc, về con đường đưa cô từ căn hầm tối tăm của quá khứ tới khu vườn ánh sáng của ngày hôm nay. Tôi nghĩ, với những người phụ nữ đang vật lộn với bóng tối mà tác giả đang tham gia trị liệu tâm lý, những chia sẻ của cô trong cuốn sách này có thể mang lại năng lượng tích cực cho họ. Ít nhất trong những khoảnh khắc được nghe chia sẻ từ cô, một nỗi đau nào biết đâu dịu bớt, một nỗi tự ti nào biết đâu giảm đi hay một sợi xích ràng buộc nào bỗng nhiên được nới bỏ một đôi phần. Như thế, với người viết sách như Jenny đã là phần thưởng, và chắc là: cô không mong gì hơn thế!
Jenny ở vị thế để có thể chia sẻ về những mặc cảm và tổn thương tâm lý vì cô đã trải qua những câu chuyện tương tự. Sẽ là tốt đẹp khi cô mang khu vườn ánh sáng của mình san bớt cho những người mà bóng tối vẫn vây bủa, rình rập hàng ngày. Cuốn sách này góp sức cho cô làm được điều đó với một ai đó, như thế, đã là vui rồi, cho tác giả và cho cả người đọc sách.
Jenny đang đi trên con đường của mình và cuốn sách này cũng chỉ là một nhà ga nơi cô dừng chân nhìn lại chính mình bốn mươi năm qua. Thực ra cô vẫn sẽ phải rời bước đi tiếp, theo cách cô vẫn đi trong căn hầm tối của tuổi thơ mình, cũng chính là đoạn miêu tả tôi thích nhất trong cuốn sách này: “Cô thích nhắm mắt và đếm bước chân một cách chậm rãi: “Một, hai, ba….”. Cô tự nói với mình rằng cô nhìn được khi nhắm mắt vì cô chẳng bao giờ bị đâm vào tường. Cô luôn quay đầu đúng lúc.”
Một, hai, ba và Jenny phải tiếp tục đi, trên một “cuộc đời luôn là chuỗi sự kiện đầy bất ngờ mà chẳng ai đoán trước được” như tác giả viết. Là người thích xác lập mục tiêu và đạt được mục tiêu, là người kiên quyết, cô dành phần cuối sách để viết về sự vượt qua sợi xích cuối cùng. Sợi xích định mệnh. Cô muốn và khao khát tự do khỏi cả chính định mệnh sắp sẵn, cô không muốn bị trói vào quá khứ của ai đó và cả vào tương lai của bản thân mình. Cô không muốn cuộc đời sẽ cuốn trôi cô đi, ngay cả về phía một chính-mình-sắp-sẵn. Jenny viết để nói chuyện với bản thân mình và như để chia sẻ với mọi người khao khát tự do khỏi mọi trói buộc.
Tôi rất muốn hỏi Jenny cô làm thế nào để kháng cự lại được sức cuốn của cuộc đời này? Rằng cái ý chí của cô dù to lớn đến đâu có chống lại được chiều gió thổi hay không? Tôi đã kỳ vọng Jenny lý giải được và tôi đã không thất vọng. Cô đã thật đúng khi viết rằng, tự do ấy có được không phải bằng cách phá tung mọi xiềng xích đi mà “thay vì chối bỏ chúng, tôi chỉ đơn giản là chấp nhận sự tồn tại của chúng” và rằng “tự do khỏi những sợi xích giống như việc biết mình bị mù màu bẩm sinh, để sau đó không vội vàng nói rằng lá cây màu đen, chứ không phải là tìm mọi cách chữa cho hết bệnh” và rằng “sinh ra làm người sẽ có những kiểu bệnh của người, ta chẳng thể nào chữa dứt tất cả”.
Và như thế, tự do không phải là có nhiều cánh cửa để lựa chọn mà như Jenny viết, cứ điềm nhiên bước qua cánh cửa ngoài kia nơi có một người đàn ông nào đó đang chờ cô để hẹn hò. Cánh cửa ấy sai cũng được, đúng cũng được, nhưng đó là cánh cửa cô sẽ đi, và có thêm sự lựa chọn khác không khiến chúng ta tự do hơn mà ngược lại. Và như thế, cho tôi thêm một ý thôi vào những gì tác giả đã viết: định mệnh hay ngẫu nhiên cũng chỉ là một và không có gì quan trọng nữa rồi.
Tôi thích hình ảnh ấy của Jenny, cô sẽ bước ra khỏi cánh cửa căn nhà với cái tâm lý của kẻ đã “thoát khỏi áp lực của một người phải biết trước tương lai”. Như thế là đẹp rồi, cô sẽ bước qua như cái cách cô bước trong căn phòng tối ngày xưa, nhắm mắt và đếm thật chậm “Một, hai, ba,…”. Và Jenny sẽ không để mình chạm vào tường chính nhờ nhắm mắt lại. Chính khi nhắm mắt vào và cảm nhận như Jenny đã làm, chúng ta lại nhìn thấy rõ hơn quang cảnh trên con đường mà mình sẽ phải bước đi.
Lê Duy (Tác giả “Cuộc vây” và “Những giấc mơ phục sinh”)
Theo Dân Trí