“Lolita” quá dung tục để đại diện cho tình yêu, đồng thời cũng quá tinh tế để đại diện cho tình dục. Trong tâm trí tôi, “Lolita” là tác phẩm thể hiện sự xung đột giữa hai giá trị: đạo đức và cái đẹp”. Trạm Đọc xin giới thiệu góc nhìn của độc giả Trương Huyền Linh về tác phẩm Lolita.
“The moral sense in mortals is the duty/ We have to pay on mortal sense of beauty” – “Ý thức đạo lý là thuế mà người phàm chúng ta phải trả/ Cho ý nghĩa chết người của cái đẹp siêu phàm vô giá”
Chặng đường tôi tìm đến với Lolita quả thực dài và khó nhọc. Bức tường ngăn cách giữa tôi và Lolita không là gì khác ngoài rào cản của định kiến và đạo đức. Không biết đã bao nhiêu lần tôi dừng lại trước cuốn tiểu thuyết này giữa tiệm sách đông người, nhìn chăm chú vào nét tiêu đề mềm mại và hình ảnh loài bướm xanh mang tên của chính tác giả – “Nabokov”. Tấm bìa sách trắng phau, có phần hơi đơn điệu, nhưng tôi biết rằng, nội dung ẩn chứa đằng sau lớp bìa đó đã từng dấy lên không biết bao nhiêu cuộc tranh cãi trong giới hàn lâm học thuật, khơi gợi lên những khoái cảm tội lỗi trong bóng tối, ẩn hiện trong những lời rủ rỉ có phần một chiều của những độc giả của chính tác phẩm này: “Đó là một cuốn tiểu thuyết ấu dâm!”
Những lời buôn miệng về Lolita cũng mang những ý kiến trái chiều hệt như những đàm đạo học thuật về nó vậy. Người thì coi Lolita là một kiệt tác của chuyện tình, với độ mãnh liệt và khẩn thiết xếp ngang hàng với Romeo và Juliet. Người thì coi Lolita chỉ mang ý nghĩa rẻ rúng như một tác phẩm khiêu dâm đồi trụy. Vậy rốt cuộc thì ai đúng, ai sai? Ngoài tư cách là một tác phẩm kể về thứ “ấu dâm” ngoại đạo, “Lolita” của Vladimir Nabokov có còn mang ý nghĩa nào khác không?
“Lolita, ánh sáng đời tôi, ngọn lửa hạ bộ tôi. Tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi. Lo – lee – ta. Đầu lưỡi lướt xuống ba bước nhỏ dọc vòm miệng, đến bước thứ ba khẽ đập vào răng. Lo. Li. Ta.
Buổi sáng, em là Lo, ngắn gọn là Lo thôi, đứng thẳng cao một mét bốn sáu, chân đi độc một chiếc tất. Mặc quần thụng trong nhà, em là Lola. Ở trường học, em là Dolly. Trên dòng kẻ chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita.” (p.13)
Phần đầu của câu chuyện đã bắt đầu bằng những dòng như thế – gợi cảm, tinh tế, đậm chất thơ và nhuốm màu tội lỗi. Nabokov đã hóa thân vào nhân vật chính – một kẻ đứng giữa ranh giới mong manh của một nhà bác học uyên thâm và một kẻ phàm trần điên cuồng xác thịt. “Lolita” … Cái biệt danh ấy gợi cảm ngay cả trong cấu trúc ngữ âm học của nó: lả lướt trong vòm miệng, bừng sáng nơi đầu lưỡi. “Lolita” … Đọc cái tên ấy, ta có cảm giác như thể đang ngậm một cây kẹo ngọt trong miệng. “Lolita” … Liệu cô bé ấy có thực sự ngọt ngào như cái biệt danh xinh xắn mà kẻ cuồng tình đã đặt cho cô không?
“Lolita” như một lời thú tội khẩn thiết, được thuật lại bằng lời của Humbert – nhân vật chính của câu chuyện, một gã đàn ông trung niên xuất thân từ lục địa già, đã bảo vệ xong luận án Tiến sĩ, thường xuyên có bài viết được đăng tải trên các tờ báo khoa học, được các trường đại học mời về giảng dạy, thừa kế một khoản tiền kếch xù từ một người họ hàng ở Mỹ. Humbert được nhân xét là một người đàn ông nhã nhặn, lịch thiệp và điển trai: “dáng đi trễ nải, tóc đen mềm và vẻ mặt u sầu, nhưng chính vì thế mà càng thêm quyến rũ.” (p.31) Chẳng mấy ai biết rằng ông ta mắc chứng say mê các “tiểu nữ thần” (nymphest) – cái chứng bệnh tội lỗi mà Humbert phải cố gắng đè nén hàng ngày, nhưng càng đè nén thì lại càng phồng rộp lên, nhức nhối.
“Tiểu nữ thần” là những bé gái có độ tuổi từ chín đến mười bốn, với khả năng hớp hồn những kẻ lãng du với độ tuổi gấp đôi, gấp ba hoặc nhiều hơn thế nữa. Trong mắt Humbert, các “tiểu nữ thần” đứng tách biệt hẳn so với những “bé gái bình thường” với đặc tính “bí ẩn, cái nét yêu tinh, cái vẻ quyến rũ biến hóa, thoắt ẩn thoắt hiện, xảo trá đến nát lòng…” (p.22) Đọc đến những dòng này, chắc hẳn độc giả đã có thể hình dung đôi chút về bản tính quái ác của “Lolita” bé bỏng …
Dolores Haze – biệt danh Lolita – là một bé gái mười hai, xinh đẹp với “làn da óng ánh màu thủy ngân”, phóng khoáng và dung tục. “Lolita” là “một kết hợp giữa thật thà hồn nhiên với xảo trá, giữa quyến rũ với phàm tục, giữa những cơn hờn dỗi xanh lét với những phút hân hoan hồng tươi” (p.168) Cô bé là con gái của bà chủ ngôi nhà mà Humbert thuê khi ông đến New England, và đã hớp hồn ông ngay từ cái nhìn đầu tiên. Humbert kết hôn với mẹ của Lolita để được gần gũi với người thương, nhưng “Haze lớn” đã gửi đứa con gái nổi loạn của mình đến trường nội trú. Sau khi đọc những dòng nhật ký tăm tối của Humbert, bà sốc đến mức qua đời sau một tai nạn giao thông. Humbert nhanh chóng đón Lolita ở trường nội trú, và hai người bắt đầu một chuyến du ngoạn trên khắp nước Mỹ. Chuyến du ngoạn ấy mang theo hơi hướm của Thiên đàng, Humbert thuật lại, một Thiên đàng có bầu trời rực đỏ màu Địa ngục.
Tôi không hề có ý định biện bạch cho Humbert, cho cái “chứng bệnh” kỳ quái của ông ta. Tuy nhiên, có một sự thật nhất định chúng ta phải kể đến: Humbert sẽ không thể nào đi đến được tận cùng cung đường tội lỗi nếu thiếu sự dẫn dắt của Lolita. Giây phút đầu tiên khi họ trở thành tình nhân, chính Lolita – đúng vậy, chính tiểu nữ thần mới mười hai tuổi non tơ ấy – là người chủ động bắt đầu. Và thực chất, Humbert còn không phải “người tình” đầu tiên của Lolita.
“Tuy nhiên, tôi sẽ không làm rác tai các độc giả thông thái của tôi bằng việc thuật lại chi tiết sự táo tợn của Lolita. Chỉ cần nói rằng tôi không thấy chút dấu vết e thẹn nào ở cô gái trẻ đẹp thân thể chưa trọn ‘phom’ mà phương pháp giáo dục hiện đại hỗn hợp cả nam lẫn nữ, các tập quán tuổi trẻ, cái trò lửa trại bát nháo và những thứ quỷ quái gì nữa, đã làm cho đồi bại hoàn toàn, vô phương cứu chữa. Em coi hành động tình dục chỉ đơn thuần là một bộ phận thuộc về thế giới vụng trộm của đám thiếu niên mà người lớn không biết tới. Những gì người lớn làm vì mục đích sinh sản không liên quan gì đến em. Bé Lo điều khiển cuộc đời tôi một cách mạnh mẽ, điềm nhiên như thể nó là một thứ dụng cụ vô tri, tách rời khỏi tôi vậy …” (p.151)
Cùng nhau rong ruổi khắp nước Mỹ, Humbert vừa là chủ nô, vừa là nô lệ của nàng Lolita. Humbert luôn dung túng cho mọi phù phiếm và ngỗ ngược của Lo bé bỏng: “Trên đời, chẳng có gì ác nghiệt hơn là một đứa bé được cưng …” (p.191), mặc cho sự thật rằng Lolita chưa một lần yêu ông. “Không bao giờ em rung động dưới những ve vuốt của tôi, và đáp lại mọi gắng công nhằn của tôi chỉ là một tiếng rít ‘đấy tưởng đấy đang làm cái thá gì?’” (p.191)
Không lạ lùng gì khi cuối cùng Lolita phản bội lại “cha dượng” Humbert dấu yêu để đi theo Clare Quilty – một gã trung niên tự coi mình là “nghệ sĩ” của những bộ phim nhạy cảm tuổi thiếu niên. Khi Clare Quilty ruồng bỏ cô, Lolita chịu phận làm vợ của một thanh niên nghèo khổ tầm thường, và viết bức thư đầu tiên cho Humbert sau nhiều năm lưu lạc, với mục đích xin chút đỉnh bố thí từ ông. Nhìn Lolita xuống sắc và mang trong bụng đứa con của kẻ khác, Humbert dù đau đớn nhưng vẫn cầu xin Lolita trở về bên ông. Khi bị Lo từ chối, ông liền phóng xe đến dinh thự của Clare Quilty, hạ sát gã bằng khẩu súng lục của chính mình.
“Lolita” quả thực là một tác phẩm nặng ký. “Nặng ký” ở vốn hiểu biết sâu rộng của tác giả về ngôn ngữ, về thi ca, về khoa học, về đạo lý. Lolita còn “nặng ký” ở tư tưởng: đây là một trong 10 tác phẩm văn học gây tranh cãi nhất trên thế giới, bị cấm xuất bản ở nhiều nước, đã từng làm bao nhà xuất bản sợ hãi rằng mình sắp phải đi tù. Còn đối với riêng tôi, thứ “nặng ký” khiến tôi bận tâm nhất ở Lolita chính là câu hỏi: “Lolita là tác phẩm thể hiện tình yêu, hay tình dục?”
Đối với tôi, câu trả lời sẽ là không cái nào cả. “Lolita” quá dung tục để đại diện cho tình yêu, đồng thời cũng quá tinh tế để đại diện cho tình dục. Trong tâm trí tôi, “Lolita” là tác phẩm thể hiện sự xung đột giữa hai giá trị: đạo đức và cái đẹp. Muốn hưởng thụ cái đẹp thì phải từ bỏ đạo đức. Muốn giữ lấy đạo đức thì phải từ biệt cái đẹp. Bé Lo chính là biểu tượng của cái đẹp, một cái đẹp mang tính xuất chúng, “yêu tinh”, và Humbert chính là điển hình của một con người phàm trần đáng thương, đã từ bỏ đạo đức và thiêu rụi cả tâm hồn mình để hưởng thụ cái đẹp lộng lẫy nhất đời ông – Lolita.
Nếu bạn muốn tìm đến cuốn sách này, nếu bạn muốn tìm đến Lolita, hãy chắc chắn rằng bạn đã có đủ dũng khí. “Lolita” quả thực nhiều hơn thế, nhiều hơn hẳn lời đồn về một câu chuyện ấu dâm. “Lolita” sẽ xoáy sâu vào tâm hồn bạn, sẽ làm bạn hứng thú như đang chơi trò tìm trứng Phục Sinh, rồi sẽ làm bạn phải ngỡ ngàng lặng thinh trước những trái trứng bí ẩn mà bạn tìm được.
Trương Huyền Linh