Tôi được nghe kể một câu chuyện như thế này.
“Hai con ngựa mỗi con kéo một xe hàng. Một con thì đi nhanh, một con thì vừa đi vừa nhởn nhơ gặm cỏ. Người chủ thấy vậy đã mang toàn bộ hàng chất lên lưng con ngựa chậm chạp chuyển lên con ngựa đi nhanh. Con ngựa lười thấy vậy cười khoái chí và nghĩ: ‘Hà hà! Càng nỗ lực thì lại càng bị đày đọa!’ Nhưng nó không ngờ rằng, cùng lúc đó người chủ lại nghĩ: ‘Một con ngựa là đủ để kéo xe rồi, tại sao mình lại phải nuôi 2 con?’
Câu chuyện về hai chú ngựa kể trên cho chúng ta thấy được bài học trong cuộc sống cũng như về hai loại hình tư duy của con người: tư duy cố định và tư duy phát triển.
Bạn sở hữu loại tư duy nào?
Khi đứng trước một trở ngại bạn thường chán nản, thoái chí hay tự nhủ sẽ cố gắng vượt qua?
Trong cuốn sách Tâm lý học thành công của Carol S. Dweck, bà chia ra hai kiểu tư duy, tư duy cố định và tư duy phát triển. Những người tư duy cố định thường cho rằng năng lực là cố định – và họ thường ít thành công hoặc khó duy trì sự thành công lâu bền còn những người có tư duy phát triển thì lại tin rằng năng lực có thể rèn luyện được.
Benjamin Barber, nhà xã hội học nổi tiếng nói rằng: “Tôi không chia thế giới thành hai loại người khỏe mạnh và yếu ớt, hay thành đạt và thất bại… Tôi chia thế giới thành hai loại người học tập và không học tập.”
Vậy tư duy có thay đổi được hay không
và làm cách nào để
thay đổi từ tư duy cố định sang tư duy phát triển?
Đối với những người có tư duy phát triển họ nghĩ rằng:
Tư duy là một phần quan trọng trong tính cách con người, nhưng chúng ta có thể thay đổi nó. Khi đã hiểu về hai kiểu tư duy, mọi người có thể hình thành lối suy nghĩ và phản ứng mới mẻ. Nhiều người thường kiểm điểm lại mình mỗi khi rơi vào lối tư duy cố định – chẳng hạn như bỏ qua một cơ hội học tập, cảm thấy mình là kẻ thất bại, hoặc nản lòng trước những việc đòi hỏi nỗ lực lớn. Và sau đó họ đặt mình vào lối tư duy phát triển – quyết tâm chấp nhận thử thách, học hỏi từ thất bại, hoặc tiếp tục cố gắng.
Nhưng không hẳn những người thuộc tư duy cố định lúc nào cũng chỉ sống trong tư duy đó.
Con người khi sinh ra đều có sẵn lòng ham học hỏi, nhưng tư duy cố định có thể dập tắt sự ham thích đó. Hãy thử nhớ lại những khi bạn thích làm việc gì đó – giải câu đố chữ, chơi một môn thể thao, học một điệu nhảy mới. Nhưng rồi việc đó ngày một trở nên khó khăn hơn và bạn muốn bỏ cuộc.
Có thể đột nhiên bạn cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt, buồn chán, hay đói. Lần khác thì bạn cảm thấy không khỏe. Đó chính là tư duy cố định. Hãy đặt mình vào lối tư duy phát triển. Hãy hình dung xem não bộ hình thành các mối liên hệ mới như thế nào khi bạn đối mặt với thách thức và học hỏi từ đó. Hãy tiếp tục dấn bước.
Có điều gì trong quá khứ mà bạn cho rằng việc đó đánh giá về con người mình không? Kết quả một bài thi? Một việc làm không trung thực hoặc vô tâm? Bị sa thải? Bị từ chối? Hãy tập trung suy nghĩ về việc đó và hình dung lại tất cả những cảm xúc đi kèm. Sau đó, hãy nhìn nhận sự việc theo lăng kính của tư duy phát triển. Hãy đánh giá một cách trung thực về vai trò của mình trong sự việc đó, nhưng cần phải hiểu rằng nó không phải là thước đo cho trí thông minh hay tính cách của bạn. Thay vào đó, hãy hỏi: Mình đã (hoặc có thể) học hỏi được gì từ trải nghiệm này? Mình có thể lấy đó làm cơ sở để phát triển ra sao?
Có điều gì mà bạn luôn mong muốn thực hiện nhưng lại e ngại rằng mình không có đủ năng lực không? Hãy lên kế hoạch thực hiện điều đó.
Tư duy cố định hạn chế thành công. Nó choán hết tâm trí con người bằng những suy nghĩ cản trở sự tiến bộ, nó biến nỗ lực trở thành thứ không đáng có, và nó dẫn tới những phương pháp học tập nghèo nàn. Hơn nữa, nó biến con người thành thẩm phán thay vì đồng minh của nhau. Dù là Darwin hay sinh viên đại học, thì để đạt được những thành tích lớn, con người cần có sự tập trung rõ ràng, nỗ lực toàn diện và một kho vô tận các chiến lược. Hãy thêm đồng minh trong quá trình học tập. Đây chính là điều mà tư duy phát triển đem lại cho con người, và đây cũng là lý do giải thích tại sao tư duy này lại góp phần phát triển năng lực của chúng ta.
Thay đổi tư duy về năng lực và thành tích
Hãy nghĩ về người mà bạn hâm mộ. Bạn cho rằng người này có những năng lực phi thường và thành công mà không cần nỗ lực nhiều? Bây giờ hãy tìm hiểu sự thật. Hãy tìm hiểu về những nỗ lực khổng lồ đã tạo nên thành công của họ – từ đó hãy ngưỡng mộ họ hơn nữa.
Hãy nghĩ về những trường hợp người khác làm việc tốt hơn bạn, còn bạn thì nghĩ rằng họ thông minh hoặc tài năng hơn mình. Bây giờ hãy cân nhắc tới một khả năng rằng họ hơn bạn là vì họ sử dụng các phương pháp tốt hơn, tự học nhiều hơn, tập luyện chăm chỉ hơn, và kiên trì làm việc vượt qua các trở ngại. Bạn cũng có thể làm như thế – nếu muốn.
Bạn có lâm vào tình huống nào ngớ ngẩn, không dùng đến trí thông minh của mình không? Lần sau nếu rơi vào tình huống đó, hãy tư duy theo tư duy phát triển – hãy nghĩ về việc học hỏi và phát triển chứ đừng nghĩ tới những đánh giá về tình huống đó – và làm lại.
Bạn có phân loại con cái mình không? Tức là, đứa này là nghệ sĩ, đứa kia là nhà khoa học. Hãy lưu ý rằng bạn làm thế không giúp ích gì cho chúng đâu – dù có thể bạn muốn khen ngợi chúng. Hãy lưu ý tới nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc khen ngợi năng lực của trẻ em lại làm hạ thấp điểm số của chúng ở các bài trắc nghiệm IQ. Hãy khen ngợi chúng theo phương pháp của tư duy phát triển.
Hơn một nửa xã hội chúng ta nằm trong nhóm chịu thành kiến xấu – phụ nữ, người da màu, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Hãy trao cho họ món quà của tư duy phát triển. Hãy tạo ra một môi trường dạy về tư duy phát triển cho người lớn và trẻ nhỏ xung quanh bạn, đặc biệt là những đối tượng của các thành kiến tiêu cực. Ngay cả khi một danh hiệu tiêu cực xuất hiện, thì họ vẫn kiểm soát được việc học tập của mình.
Hải Yến