“Từ bây giờ, anh sẽ không trốn chạy nữa. Vì anh đã có thứ để bảo vệ, và đó là em.”
“Tôi nghĩ rằng trong khoảnh khắc ấy mẫu hình người hùng mà tôi vẫn hằng tìm kiếm đã xuất hiện khi một chàng trẻ tuổi bước vào sân đấu (Wimbledon) với bộ trang phục màu mè nhất (…) Thế là tôi nghĩ rằng: Ôi chúa ơi! Andre Agassi sẽ là hình tượng của pháp sư Howl trong cuốn sách mà tôi ấp ủ Lâu đài bay của pháp sư Howl”.
Diana Wynne Jones đã giãi bầy giai thoại bên lề thú vị đó trong bài diễn văn của bà tại Australia. Dưới con mắt của một phù thủy ngôn từ, một nhà văn chuyên viết truyện kỳ ảo cho thiếu nhi, A. Agassi đã bước vào thế giới văn chương một cách bất ngờ như vậy. Nhưng dường như điểm tương đồng giữa A. Agassi và pháp sư Howl trong cuốn tiểu thuyết của D. W. Jones chỉ dừng lại ở vẻ diêm dúa trong trang phục cùng mái tóc vàng óng ả. Và mặc dù nhan đề của tiểu thuyết là Lâu đài bay của pháp sư Howl, thực tế chàng phù thủy trẻ tuổi chỉ là một nhân vật phụ. Thực tế, tên gọi ấy chỉ là cách D. W. Jones chiều lòng một fan hâm mộ trẻ tuổi khi em muốn bà viết cuốn sách về một lâu đài bay. Nội dung của Howl’s moving castle mang hơi hướng của những truyện cổ Grimm như Cinderella, Beauty and the Beast cho tới những tiểu thuyết thiếu nhi cận đại Peter Pan.
Cũng như các tác phẩm trên, How’s moving castle kể về cô chị cả bất hạnh Sophie – người chỉ biết sống vì nghĩa vụ, người thân mà quên đi hạnh phúc cá nhân của mình. Do sự ghen tuông của phù thủy xứ Waste vì tưởng Sophie đã quyến rũ được pháp sư Howl, nàng bị biến thành “một bà già cằn cỗi, héo khô và nâu sạm, xung quanh mặt lòa xòa tóc trắng”.
Trong tình thế cận kề cái chết, lòng khát khao cuộc sống và những dự định chưa từng được thực hiện đã khiến Sophie tìm đến Howl để nhờ chàng pháp sư trẻ tuổi hóa giải lời nguyền. Nhưng Howl quyền năng với tòa lâu đài di động khổng lồ hóa ra cũng đang chạy trốn lời nguyền của phù thủy xứ Waste. Trước phẩm hạnh và đức hi sinh của Sophie, từ một kẻ hèn nhát và vô trách nhiệm với bản thân và gia đình, giam giữ ngôi sao băng Calcifer trong trái tim mình để tìm kiếm sự bất tử cô độc, không mảy may quan tâm tới an nguy của quốc gia, Howl đã hoàn toàn phục thiện.
Chịu ảnh hưởng rõ rệt từ J. K. Tolkien và C. S. Lewis, D. W. Jones luôn đặt niềm tin đặc biệt của mình vào các nhân vật nhỏ bé, yếu ớt và có phần hậu đậu, ngốc nghếch. How’s moving castle cũng không ngoại lệ khi Sophie – một cô nàng “không xinh, không thông minh, không bất bình thế giới” bất ngờ trở thành tâm điểm cứu chuộc pháp sư Howl, góp công lớn trong việc tiêu diệt phù thủy xứ Waste và tìm ra hoàng thân Justin – người sẽ đem lại chiến thắng cho đức vua Ingary trước các nước láng giềng.
Kết thúc tác phẩm, “Bản giao kèo” giữa Howl và Sophie về một cuộc đính ước dài lâu là một kết thúc có hậu và trọn vẹn cho các độc giả nhỏ tuổi. Sau Howl’s moving castle, D.W. Jones còn một lần nữa quay trở lại với đề tài này với tác phẩm Castle in the Air. Nhưng cuốn sách dường như chỉ chứng minh sức sáng tạo của D. W. Jones đã mòn mỏi theo tuổi tác. Dẫu vậy, hai cuốn tiểu thuyết ấy dường như lại trở thành gợi ý tuyệt vời cho đạo diễn hoạt hình nổi tiếng Nhật Bản Hayao Miyazaki – một người dường như luôn bị ám ảnh bởi bầu trời và những vật thể bay có hình dạng kỳ quái.
Bộ phim hoạt hình Howl’s moving castle ra mắt năm 2004 không chỉ đánh dấu sự trở lại của Hayao Miyazaki sau một thời gian dài tuyên bố “nghỉ hưu” vì lý do tuổi tác. Quan trọng hơn, nó cho thấy cuộc sống của các tác phẩm văn học thiếu nhi có thể được “nối dài” hay nói một cách khác là “tái sinh” trên màn ảnh rộng. Ở chiều ngược lại, D.W. Jones có lý do để cảm ơn Miyazaki.
Vì tác phẩm hoạt hình Howl’s moving castle dường như đã kể nốt những chuyện còn dang dở mà D.W. Jones mới chỉ khai mở trong tiểu thuyết, nhưng không hề có ý định đi sâu tới các chi tiết cụ thể: cuộc chiến tranh của Ingary với các vương quốc Strangia và High Norland, những chuyến du hành bí ẩn vào ban đêm của Howl vv. Sự mất tích của Justin và cuộc chiến giữa các vương quốc dường như khơi gợi cho Miyazaki về những ký ức đau thương của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất sau cái chết của hoàng tử Franz Ferdinand. Từ đó, ông có nhiều lý do đặt niềm tin vào nhân vật pháp sư trầm tính đặc biệt này, hơn cô bé Sophie mười bảy tuổi, ngốc nghếch và dũng cảm.
Với đứa con tinh thần Howl’s moving castle của mình có vẻ như Miyazaki đặc biệt ấn tượng với sự phân thân của Howl thành Jenkins và Pendragon gợi nhắc tới kẻ song trùng trong tiểu thuyết nổi tiếng Strange Case of Dr Jekyll and Mr Hyde của nhà văn Scotland Robert Louis Stevenson. Kết quả là vị đạo diễn người Nhật đã vô cùng sáng tạo khi cho Howl biến thành con quái vật mình quạ bay đi trong đêm tối tiêu diệt các chiến đấu cơ của ba vương quốc Ingary, Strangia và High Norland đang đe dọa tới sự yên bình của những người dân vô tội. Với Ingary, Howl là hiện thân của một kẻ phản bội, người chống lại đức vua và pháp sư hoàng gia Suliman.
Nhưng trong mắt Miyazaki, Howl trở thành một nhân vật phản chiến, một kẻ cất giấu trái tim của mình trong quỷ lửa Calcifer để thực hiện sự công bình với toàn thế giới, người anh hùng vô vị lợi chỉ chiến đấu cho lợi ích của nhân loại, thay vì phục vụ cho các chế độ cường quyền. Xa hơn phiên bản hoạt hình Howl’s moving castle là dường như là âm hưởng tiếp nối của những bộ phim đã làm nên tên tuổi của Miyazaki như Nausicaä of the Valley of the Wind (1984) hay Laputa: Castle in the Sky (1986).
Và Miyazaki chỉ mượn Howl’s moving castle như cái cớ để viết tiếp những câu hỏi vô hạn của mình: con người liệu có thể bàng quan trước những vận mệnh của thế giới? Thân phận của tình yêu có thể tồn tại bên ngoài số phận của nhân loại? Phản chiến có đồng nghĩa với việc lựa chọn đứng về “phía chính nghĩa”?
Phim hoạt hình chuyển thể Hauru no ugoku shiro được xếp hạng 140/ Top 250 imdb
Với Miyazaki, tất cả dường như đã đi quá xa với so với những ý tưởng ban đầu của D. W. Jones người chỉ muốn ngợi ca phép màu diệu kỳ được tạo ra từ ngọn lửa chân thành của những trái tim dũng cảm. Phải chăng đó là một hành động phản bội, phá hoại một tác phẩm vốn được dành cho thiếu nhi? Nhưng ngược lại phải chăng những tiểu thuyết cũ kỹ của D. W. Jones đang nói dối cho trẻ em về thế giới, đang đơn giản hóa cuộc đời chỉ bằng những chuyện tình yêu nhỏ nhặt?
Không. Thực tế, cả hai phiên bản tiểu thuyết và hoạt hình của Howl’s moving castle đều cần thiết với thế giới tuổi thơ. Chúng là sự bổ sung hoàn hảo cho nhau về những bài học cuộc đời. Trẻ em cần thiết phải được dạy về những phép màu vẫn xuất hiện trong cuộc sống thường ngày, nhưng cũng cần được biết về một thế giới hiểm nguy, đen tối mà Howl phải đối mặt.
Khi D. W. Jones hoàn thành cuốn tiểu thuyết của mình, điều nữ tác giả không ngờ tới là sáu năm sau chàng trai “chưa bao giờ lớn” trong mắt bà A. Agassi cuối cùng đã chiến thắng tại Wimbledon. Howl’s moving castle có vẻ đã là một bùa phép may mắn cho chàng trai tóc vàng hoe ấy và rất có thể cho nhiều người trẻ tuổi trong tương lai nữa?
Hải Đăng – Trạm Đọc (Read Station)