Phương thức điều chỉnh cuộc sống bản thân để có thể có được mọi thứ trong cuộc sống, từ tình yêu đến công việc – Theo Tâm Lý Học Tội Phạm
“Nếu bớt ước mơ, con người sẽ chỉ hài lòng với phần ít ỏi mà mình có.”
Debbie Millman đã đưa ra lời phát biểu này trong lễ tốt nghiệp của sinh viên và thúc giục rằng “Hãy làm điều mình thích, đừng dừng lại cho đến khi đạt được nó. Hãy làm việc chăm chỉ hết mức có thể, hãy dám khát khao những điều vĩ đại hơn chính mình…” Chúng ta đã nghe quá nhiều những lời khuyên thế này, nhưng quả thật nó đã phản ánh cách mà tâm lý học hiện đại nhận diện hệ thống niềm tin về khả năng của con người, các chất xúc tác để thúc đẩy hành vi cũng như dự đoán thành công. Chúng ta có thể tìm thấy hầu hết các kiến thức này trong cuốn sách Tâm lý học thành công của nhà tâm lý học trường Stanford tên Carol Dweck. Cuốn sách đã cho ta cái nhìn sâu sắc về sức mạnh của niềm tin dù trong tỉnh thức hay vô thức, cách mà việc thay đổi niềm tin, dù là nhỏ nhất, cũng đem lại tác động to lớn đến gần như hầu hết các mặt của đời sống.
Một trong những niềm tin cơ bản mà Dweck chỉ ra trong bài nghiên cứu của mình đó là cách mà chúng ta nhìn nhận những yếu tố hình thành nên tính cách của bản thân.
“Tư duy bảo thủ” (Fixed Mindset) cho rằng tính cách, trí thông minh và khả năng sáng tạo là những thông số có sẵn, và rằng chúng ta không thể thay đổi được chúng. Thành công là sự công nhận những trí thông minh được thừa hưởng, là bài đánh giá khả năng vốn có của bản thân với chuẩn mực đã được định sẵn. Vậy nên, nỗ lực vươn tới thành công đồng thời hạn chế các lỗi lầm là con đường độc đạo để duy trì được trí thông minh và kĩ năng vốn có. Ngược lại, “Tư duy cầu tiến” (Growth Mindset) không ngừng tìm kiếm thử thách và xem thất bại không phải là do thiếu thông minh mà là con đường tất yếu trong quá trình trưởng thành và rèn giũa kĩ năng. Chúng ta bắt đầu biểu lộ các tư duy này khi còn rất bé, và chúng ảnh hưởng rất nhiều đến hành vi, sự thành bại trong đời sống cá nhân lẫn công việc, và cả hạnh phúc của chính mình nữa.
Sau 2 thập niên nghiên cứu trên cả trẻ em và người lớn, Dweck nhận ra rằng việc tin rằng trí thông minh và tính cách có thể được phát triển đã đem lại hệ quả rất đáng mừng. Cô viết:
Trong suốt 20 năm qua, nghiên cứu của tôi chỉ ra rằng cách bạn nhìn nhận bản thân mình ảnh hưởng rất nhiều đến cách bạn điều hướng cuộc sống. Nó có thể quyết định việc bạn sẽ trở thành người mình muốn và liệu bạn có đạt được những điều mình trân quý hay không. Tại sao lại như thế? Tại sao một niềm tin đơn giản lại có sức mạnh chuyển hóa tâm lý và hơn cả là cuộc sống của bạn đến như vậy?
Với tư tưởng rằng năng lực của bản thân là cái vốn có và không thể phát triển thêm, tư duy bảo thủ luôn thúc dục bản thân phải không ngừng chứng minh chính mình. Nếu bạn chỉ có chừng đó trí thông minh, chừng đó tính cách, chừng đó phẩm chất đạo đức, vậy thì bạn nên chứng minh cho thế giới thấy rằng phần mình có đều là những giá trị tốt đẹp. Thật không hay chút nào nếu lỡ người khác biết mình thiếu đi một vài đức tính cơ bản.
[…]
Tôi đã từng gặp rất nhiều người với mục tiêu duy nhất là chứng tỏ được bản thân dù là trong lớp học, trong công việc hay trong mối quan hệ. Họ xem xét bất cứ tình huống nào trong đời sống: Liệu tôi sẽ thành công hay thất bại? Liệu tôi sẽ trông có vẻ thông minh hay như tên hề? Liệu tôi sẽ được chấp nhận hay bị từ chối? Liệu tôi sẽ thành người thắng cuộc hay kẻ đại bại? …
Đối với tư duy cầu tiến, mọi chuyện hoàn toàn ngược lại. Tất cả các đức tính của bản thân không phải là cái sẵn có và phải được công nhận liên lục. Thực chất, đó chỉ là điểm khởi đầu và bạn sẽ dần phát triển thêm nhiều đức tính, năng lực khác nữa dựa trên nỗ lực không ngừng. Mặc dù mỗi người sẽ có những xuất phát điểm khác nhau về tài năng, năng khiếu, sở thích, tính khí,… mọi người đều có thể thay đổi và trưởng thành thông qua các trải nghiệm.
Vậy người với tư duy cầu tiến đều sẽ tin rằng con người có thể trở thành bất kì cái gì họ muốn ư, bất cứ ai với động lực đúng đắn và giáo dục phù hợp sẽ trở thành Einstein hoặc Beethoven ư? Không, nhưng họ tin rằng tiềm năng thật sự của mỗi người vẫn chưa được khai phá hết (và sẽ không thể khai phá hết được). Chúng ta hoàn toàn không thể dự đoán trước được cái chúng ta sẽ đạt được sau hàng chục năm luyện tập, đam mê,… Kết quả luôn là những điều bất ngờ.
Mấu chốt của “tư duy cầu tiến” chính là nó tạo động lực để con người không ngừng nỗ lực học tập thay vì chỉ đơn thuần tìm kiếm sự chấp nhận. Nó tin rằng phẩm chất của con người như trí thông minh hay sáng tạo, và cả khả năng điều phối các mối quan hệ trong cuộc sống, đều được rèn giũa từ nỗ lực và luyện tập có chủ ý. Những người với tư duy này không hề gục ngã bởi thất bại, trái lại họ xem đó là một bài học để họ tiến lên. Dweck viết rằng:
Tại sao chúng ta phải phí thời gian để chứng minh mình tuyệt vời thế nào, trong khi chúng ta có thể dùng thời gian đó để trau dồi bản thân? Tại sao chúng ta lại phải tìm mọi cách để dấu đi những thiếu sót thay vì vượt qua nó? Tại sao chúng ta phải chơi với những người chỉ biết tung hô tính tự tôn của mình mà lại không phải là người sẵn sàng đưa ra thử thách để mình trưởng thành hơn? Tại sao chúng ta phải giới hạn bản thân thay vì không ngừng kiếm tìm các trải nghiệm để trở thành bản thể tốt đẹp hơn? Đam mê hoàn thiện bản thân là mấu chốt của tư duy cầu tiến. Đó là tư duy cho phép con người không được phép gục ngã kể vào lúc khó khăn gian nan nhất trong cuộc đời.
Ý tưởng này không hề mới. Trong thực tế, đó luôn là câu được lặp lại trong nhiều cuốn self-help: “Bạn có thể làm bất cứ điều gì bạn muốn”. Cái khiến công trình của Dweck khác biệt chính là các nghiên cứu sâu rộng về cách mà tâm trí hoạt động đã định hình nên tư duy cũng như cách tư duy được lập trình trong não.
Dweck và đội ngũ của của cô đã nhận ra rằng những người với tư duy bảo thủ xem rủi ro và nỗ lực là nguy cơ khiến những điều không hoàn hảo trong họ bị thể hiện ra. Thế là họ không dám dấn thân vào những trải nghiệm mới. Nhưng mối quan hệ giữa tư duy và nỗ lực hoạt động hai chiều:
Không phải chúng ta chỉ đơn thuần nhận ra lợi ích của việc thử thách chính mình và tầm quan trọng của nỗ lực mà đồng thời việc chúng ta được dạy về “tư duy cầu tiến”, về việc chú trọng vào quá trình hơn kết quả, đã khiến chúng ta dần thấm nhuần và sống theo tư duy ấy…
Khi đã dần hiểu về tư duy cầu tiến lẫn bảo thủ, bạn sẽ thấy chính xác cách mà chúng tương quan tới bản thân: cách niềm tin về các giá trị không thể thay đổi của bản thân sẽ dẫn đến lối suy nghĩ và hành động; cũng như cách chúng ta tin rằng năng lực có thể được trau dồi sẽ dẫn đến suy nghĩ và hành động khác, đưa bạn đi theo một con đường hoàn toàn khác.
[…]
Các tư duy thay đổi cách chúng ta cố gắng và nhìn nhận thành công… nó thay đổi cách chúng ta định nghĩa, tầm quan trọng và tác động của thất bại…Chúng thay đổi ý nghĩa thẩm sâu nhất của cố gắng.
Dweck đã tiến hành một cuộc khảo sát với 143 nhà nghiên cứu sáng tạo. Tất cả đều nhận định rằng yếu tố hàng đầu quyết định đến việc đạt được những thành tựu trong sáng tạo là sự kiên trì bền bĩ và không bỏ cuộc. Cô viết:
Khi tiếp thu một tư duy mới, bạn sẽ bước vào một thế giới hoàn toàn mới. Nếu bước vào thế giới của tư duy bảo thủ, của những đức tính không thay đổi được thì thành công chính là việc bạn chứng minh bản thân mình, chứng minh mình tài năng thông minh như thế nào. Ở một thế giới khác, thế giới của những đổi thay, của tư duy cầu tiến, bạn được toàn quyền vươn mình ra hết cỡ để học điều mới. Bạn được quyền phát triển chính bản thân mình.
Ở thế giới của tư duy bảo thủ, thất bại chính là bước thụt lùi. Bị điểm kém. Thua trong cuộc thi. Bị sa thải. Bị từ chối. Nó có nghĩa là bạn không thông minh hoặc tài năng. Ở thế giới của tư duy tiến bộ, thất bại nghĩa là chưa phát triển hết. Chưa với tới được điều mà bạn trân quý. Bạn vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng thực sự trong mình.
Khi đắm chìm trong tư duy bảo thủ, nỗ lực là một điều xấu. Tương tự như thất bại, nó có nghĩa bạn chưa đủ thông minh hoặc tài năng. Vì nếu bạn đã thông minh và tài năng, bạn chẳng cần phải cố gắng mà vẫn đạt được thành công. Ngược lại, trong thế giới của tư duy tiến bộ, nỗ lực chính là cách khiến bạn trở nên thông minh và tài giỏi hơn.
Nhưng hầu hết các nghiên cứu của cô đều chỉ ra lý thuyết về lý do tại sao thời khắc hiện tại lại quan trọng hơn các phần quà trong việc dạy trẻ nhằm để hình thành các tư duy từ rất sớm trong trẻ. Trong một nghiên cứu chuyên đề, Dweck và đồng nghiệp đưa cho các bé 4 tuổi chọn hoặc là làm lại một bài puzzle dễ, hoặc là thử một cái khá hơn. Với một phép thử đơn giản vầy nhưng cũng đủ để khám phá ra được tư duy của trẻ: các trẻ với tư duy bảo thủ sẽ chọn lưạ chọn an toàn hơn là làm puzzle dễ để khẳng định lại khả năng sẵn có của mình, cố gắng chứng minh với với các nhà nghiên cứu rằng trẻ thông minh không mắc lỗi. Trong khi đó, những trẻ có tư duy tiến bộ nghĩ việc làm lại thật là kì cục, thắc mắc tại sao lại có người muốn làm lại puzzle nếu không thể học thêm được cái gì mới. Tóm lại, trẻ với tư duy bảo thủ muốn đảm bảo rằng chúng chắc chắn sẽ thành công trong khi trẻ với tư duy cầu tiến thì lại muốn thử thách bản thân vì định nghĩa thành công của chúng là trở nên thông minh hơn.
Một bé gái lớp 7 đã nói thế này với Dweck:
Em nghĩ trí thông minh là cái mình phải hành động để có được chứ không phải của trời cho… Nếu các bạn không chắc về đáp án câu hỏi, hầu hết các bạn sẽ không dám giơ tay phát biểu. Nhưng thường thì em sẽ giơ tay trả lời, vì kể cả khi em sai đi nữa thì cái sai đó sẽ được sửa. Hoặc nếu em giơ tay và nói “Làm sao để giải bài toán này?” hoặc “Em không hiểu. Thầy có thể giúp em được không?” Bằng cách đó thôi, em đã cải thiện được trí thông minh của mình rồi.
Khi Dweck đưa người tham dự nghiên cứu đến với phòng nghiên cứu sóng não tại Columbia để hiểu về cách não phản ứng khi ta phải trả lời các câu hỏi khó và nhận góp ý từ người khác. Cô phát hiện ra rằng những người có tư duy bảo thủ chỉ muốn nghe các góp ý thể hiện trực tiếp năng lực hiện tại của họ. Họ thậm chí không quan tâm đến đáp án đúng kể cả khi họ trả lời sai vì họ đã vội ghi nhận đó là thất bại. Ngược lại, những người có tư duy cầu tiến thì lại mong muốn được biết cách cải thiện kĩ năng và kiến thức sẵn có, kể cả khi đáp án của họ có đúng hay sai. Họ coi trọng việc học, ở quá trình hơn là kết quả.
Các phát hiện này cực kì quan trọng trong giáo dục và cách các nền văn hóa nhìn nhận trí thông minh. Trong một nghiên cứu khác với hàng ngàn học sinh, hầu hết đều đã trưởng thành, Dweck và đồng sự đưa cho mỗi 10 người một vấn đề IQ hóc búa và khen ngợi những em đạt được kết quả tốt. Nhưng họ đưa ra 2 dạng lời khen: một dạng là “Wow, em đạt được [X] câu đúng. Đó thật là một điểm số tuyệt vời. Hẳn là em thông minh lắm”, một dạng khác là “Wow, em đạt được [X] câu đúng. Đó thật là một điểm số tuyệt vời. Hẳn là em đã học hành chăm chỉ lắm.” Tóm lại, một số trẻ được khen vì năng lực, số khác lại được khen vì nỗ lực. Kết quả hoàn toàn không hề gây ngạc nhiên:
Việc khen năng lực sẵn có của trẻ sẽ đẩy trẻ vào tư duy bảo thủ, thế là trẻ tự thể hiện mọi dấu hiệu của tư duy đó. Khi chúng ta đưa trẻ cơ hội để chọn lựa, trẻ sẽ từ chối các bài tập khó. Trẻ không muốn làm bất cứ thứ gì mà có thể bộc lộ được những khuyết điểm của bản thân.
[…]
Ngược lại, với những trẻ được khen dựa trên sự nỗ lực, 90% trong số đó muốn được thử sức trong các dạng bài tập khó hơn mà từ đó có thể học được.
Điều thú vị nhất chính là: khi Dweck và đồng nghiệp đưa tiếp cho học sinh các bài tập khó hơn, đến mức các em không thể làm được. Đột nhiên, các bé được khen vì năng lực sẽ nghĩ rằng mình không đủ thông minh. Dweck thuật lại với giọng điệu cay đắng:
Nếu thành công đồng nghĩa với việc trẻ thông minh, vậy thì bất cứ thứ gì ít hơn thành công sẽ đều chỉ ra rằng trẻ còn nhiều khiếm khuyết ư?
Nhưng với những trẻ được khen vì nỗ lực, khó khăn chỉ đơn giản là dấu hiệu cho thấy mình phải đặt nhiều nỗ lực vào hơn. Đó không phải là dấu hiệu của sự thất bại hay phản ánh việc thiếu thông minh. Quan trọng hơn cả, 2 tư duy còn ảnh hưởng đến mức độ vui thích của trẻ – mọi người đều thấy vui khi tham gia vòng đấu tiên với toàn câu hỏi dễ, nhưng khi câu hỏi bắt đầu khó dần lên, những trẻ được khen vì năng lực sẽ không còn thấy thích thú nữa, trong khi các trẻ được khen vì nỗ lực vẫn tiếp tục tận hưởng những khó khăn và thậm chí còn hứng thú hơn nữa. Nhóm trẻ thứ hai cũng cải thiện thành tích đáng kể khi vấn đề trở nên khó hơn, trong khi nhóm đầu thì ngày càng tệ đi như thể chúng bị mất động lực vì những tính hơn thua của mình.
Việc điều này tốt hay xấu tùy vào cách nhìn nhận của chúng ta. Nhưng vấn đề chưa chỉ dừng lại đó. Sau khi hoàn thành bài kiểm tra IQ, các bé được yêu cầu viết thư bí mật cho bạn bè của mình và thuật lại trải nghiệm trên, bao gồm cả việc điểm số. Dweck đau buồn khi nhận ra rằng điều tệ nhất mà tư duy bảo thủ đem lại cho trẻ chính là đức tính thiếu trung thực: 40% trong số trẻ được khen vì năng lực đã nói dối về điểm số của mình nhằm để nhiều người ngộ nhận chúng giỏi giang. Cô thuật lại:
Với tư duy bảo thủ, sự không hoàn hảo là nỗi xấu hổ – đặc biệt là khi bạn thực sự tài năng – thế nên trẻ tìm cách để chối bỏ việc này. Điều đáng báo động là chúng biến những đứa trẻ thành kẻ lừa bịp chỉ đơn giản bằng cách đưa ra vài lời khen về năng lực của chúng.
Điều này thể hiện rõ sự khác biệt cốt yếu của 2 tư duy. Với người có tư duy cầu tiến, “thành công cá nhân chỉ có được khi nỗ lực hết mức có thể trong tiến trình tìm kiếm điều tuyệt vời nhất của bản thân”. Họ mong muốn nhận được ý kiến để tiến lên phía trước. Trong khi đó với người có tư duy bảo thủ, “thành công nằm ở việc khẳng định vị thế của bản thân vì trở thành một ai đó vẫn tốt hơn là kẻ vô danh tiểu tốt”. Vì thế, thụt lùi như là bản án tử đối với họ.
Nhưng một trong những ứng dụng của nghiên cứu này không nằm ở công việc hay giáo dục mà ở tình yêu. Dweck nhận ra rằng con người với tư duy khác nhau cũng chia làm các hướng rẽ trong mối quan hệ cá nhân. Người có tư duy bảo thủ sẽ tin rằng người bạn đời lý tưởng sẽ trở thành bệ đỡ và khiến họ trở nên hoàn hảo hơn. Thế nên, họ tạo ra những hình tượng ảo tưởng mang tên “tình yêu đích thực”. Trong khi người có tư duy cầu tiến sẽ mong muốn người bạn đời có thể nhận ra được khuyết điểm của mình và sẵn lòng giúp mình cải thiện nó, người đó sẽ động viên mình để học hỏi những điều mới và trở thành người tốt hơn. Dweck viết rằng:
Tư duy cầu tiến sẽ nói những điều mang tính chất xây dựng. Tất cả mọi thứ – bạn, bạn đời và cả mối quan hệ – đều có khả năng lớn lên và thay đổi.
Với tư duy cầu tiến, bạn đời sẽ lúc nào cũng phải có mặt, luôn hoàn hảo và luôn dành cho mình. Như một điều là chân lý. Như thể là “chúng ta sẽ sống mãi mãi hạnh phúc về sau”.
[…]
Một vấn đề mà những người có tư duy bảo thủ gặp là họ đều mong đợi những điều tốt đẹp sẽ xuất hiện ngay tức khắc thay vì họ và người yêu sẽ cùng giúp đỡ lẫn nhau để giải quyết các khó khăn và học hỏi. Cứ như thể mọi việc như phép màu nhiệm xảy đến trong tình yêu, cứ như nàng công chúa ngủ trong rừng chỉ việc chờ đợi nụ hôn của chàng hoàng tử, hoặc như Cinderella, cuộc đời bỗng đổi thay kể từ ngày gặp hoàng tử.
Họ thậm chí còn tin rằng họ có khả năng đọc được suy nghĩ của người khác, rằng các cặp yêu nhau có thể hiểu nhau cả khi không nói ra đến mức có thể hoàn tất cả câu nói cho nhau. Dweck đã thuật lại việc cô mời mọi người đến nói về mối quan hệ của mình:
Những người có tư duy bảo thủ thường cảm thấy sợ hãi và không thoải mái khi phải nói về những khác biệt về cách mà họ và người bạn đời nhìn nhận về các mối quan hệ. Thậm chí một khác biệt chút xíu cũng đe dọa việc họ chia sẻ quan điểm của nhau. Họ bắt đầu đổ lỗi, có lúc cho bản thân, nhưng thường là cho người bạn đời của mình. Họ đỗ lỗi rằng đó là những đức tính có sẵn, không sửa chữa được. Vì vấn đề không thể bắt nguồn từ cái có sẵn, nên nó không thể được giải quyết. Để rồi khi họ phát hiện ra những điểm thiếu sót của nhau, họ chán chường và không còn hứng thú với mối quan hệ nữa.
Nhưng quan điểm sai lầm này sẽ hủy hoại hoàn toàn mối quan hệ. Bởi vì không có thành công nào mà không chứa thất bại, cũng như không có mối quan hệ nào mà không chứa mâu thuẫn và xung đột bên trong.
Người với tư duy cầu tiến thì lại chấp nhận những khiếm khuyết của người bạn đời mà không đổ lỗi, họ vẫn cảm thấy được sự tròn đầy trong mối quan hệ. Họ nhận ra mẫu thuẫn chỉ là do cách giao tiếp với nhau. Họ thành thật trong mọi mối quan hệ, với đồng nghiệp bạn bè hay với người bạn đời. Dweck kết luận:
Khi con người được đặt vào trong các mối quan hệ, họ phải tiếp xúc với những đối tượng khác mình trong khi bản thân chưa học được cách chấp nhận sự khác biệt đó. Trong mối quan hệ bền vững, chúng ta sẽ dần phát triển các kĩ năng đó, cả hai sẽ cùng trưởng thành và khiến mối quan hệ trở nên sâu sắc hơn. Nhưng để điều đó xảy ra, chúng ta cần phải cảm thấy được rằng chúng ta đang đi cùng hướng với nhau… Khi sự tin tưởng được hình thành, chúng ta dần thích thú với việc được nhìn thấy người kia phát triển.
Tóm lại, tư duy là một quá trình lý giải điều đang xảy ra chung quanh chúng ta. Trong tư duy bảo thủ, quá trình đó bao gồm sự đánh giá tức thời, dùng mọi thông tin làm bằng chứng để chứng minh bạn có phải là người tài giỏi hay không, người yêu có ích kỉ hay không, hoặc chỉ đơn giản là liệu bạn giỏi giang hơn người ngồi cạnh hay không. Ngược lại, trong tư duy cầu tiến, quá trình đó lại là khát khao tìm tòi học hỏi, mong muốn được tìm thấy những lời khuyên quý giá để học tập và đưa ra được hành động.
Ở phần còn lại của cuốn sách Mindset: The New Psychology of Success, Dweck thuật lại những khám phá của mình về cách mà các tư duy này được hình thành, các tính cách khác nhau của từng loại tư duy ứng với các bối cảnh xã hội, và làm cách nào chúng ta có thể thay đổi lối sống của bản thân để tiếp nhận tư duy câù tiến.
Xem thêm: Mindset: Sách gối đầu giường của CEO Microsoft
Trạm Đọc (Read Station)
Theo Tâm lý học tội phạm