“Cái thời bao cấp ngày xưa đói nhưng vui.” – Đó là câu nói mà những người đã trải qua thời kỳ đó thường nói. Với thế hệ không “sống” trong thời kỳ ấy chắc chắn sẽ không hiểu hết được cái “hồn’ của nó. Họ chỉ có thể hiểu được một phần qua những lời kể, qua những chương trình ti vi,… Nhưng với những thế hệ đã đi qua, thời kỳ ấy là những kỉ niệm mà không tài nào quên được. “Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu” của tác giả Trung Sỹ sẽ tái hiện một cách chân thực, đầy đủ về thời kỳ này.
“Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu đưa bạn đọc lên con thuyền ký ức, trôi về một thời khó khăn, vất vả, ngây thơ, ấu trĩ nhưng vẫn lấp lánh vẻ đẹp, trong một không gian tràn ngập tiếng cười, nỗi lo toan và cả những hoài nghi trăn trở. Để ghi lại chân xác những khoảnh khắc đó, phải có tình yêu sâu nặng với Hà Nội. Nhưng Hà Nội, mũ rơm và tem phiếu không chỉ lưu lại những khoảnh khắc đẹp, rất đẹp mà còn mở ra cho chúng ta cả một bảo thàng về thời chiến tranh, bao cấp và những ngày sơ tán về quên trong hai thập niên 60 -70 của thế kỷ trước. Một câu chuyện mang vẻ đẹp huyền hoặc của màu thời gian và sự hoài niệm qua góc nhìn của một cậu bé Hà Nội cũ.” – Bình ca (tác giả Quân khu Nam Đồng
Chân thật, bình dị nhưng đầy sức hút
Từng trang trong cuốn sách hiện lên qua lời kể của một cậu bé Hà Nội cũ những năm 60 – 70 thế kỷ trước. Đó là hững câu chuyện vụn vặt của tác giả, một cậu bé được sinh ra trên đất Hà Thành, kể từ khi biết ghi nhận những chuyện xung quanh và ghi vào trong ký ức dẫu còn non nớt.
Những người hoài cổ chắc chắn sẽ một lần nữa được sống lại trong những bối cảnh quen thuộc: từ phố phường Hà Nội cũ đến những miền đồng quê khi đi sơ tán.
Có thể nói, sức hút của cuốn sách không chỉ nằm ở những câu chuyện, mà còn ở cách mà tác giả viết ra những câu chuyện ấy. Giọng văn, ngôn từ không trau chuốt kĩ càng, không hoa lệ, hào nhoáng nhưng lại lột tả được cái “chất” của cả một thời kỳ.
Cái “chất” ấy có những khoảng đẹp, rất đẹp. Đó là những lần bắt chuồn chuồn ớt giữa trời nắng trên cánh đồng dưa, những hôm tắm sông hay đi hái quả dại ven bờ, những lần đi câu cá diếc, là tiếng pháo nổ đón Tết…
Nhưng ẩn chứa trong những khoảng đẹp ấy là những đau buồn, tiếc nuối. Đó là một Hà Nội với các quầy mậu dịch đông đúc người xếp hàng cùng gương mặt mệt mỏi và các cô mậu dịch viên khó tính. Là những chiếc mũ rơm tránh đạn khi đi sơ tán, có đứa bạn cùng bàn hôm qua còn đội trên đầu nhưng ngày hôm sau đã vắng mặt vì bom mìn.
“Chiếc mũ rơm khoác trên vai để em chống Mỹ
Chiếc mũ rơm khoác trên vai vẫn đi học đều”
Cái thời kỳ toàn dân ăn độn đến nỗi “Món chuối xanh bung cậu tôi gọi là món “chối”. Món bí đỏ cậu tôi gọi là “bí ử”. Khoai sọ ăn liên tục, cậu gọi là khoai “sợ”… “Thịt là món ăn thường có trong bữa ăn hàng ngày của nhân dân, mà bằng mắt thường ta không thể nào nhìn thấy được.”
Những ngày Mỹ ném bom, Hà Nội lại càng trở nên xơ xác. “Con hắc điểu siêu thanh bay đêm chết chóc vụt qua một giây, tiếng động cơ mới đến đằng sau kéo theo hơi gió rít… Hắc điểu bay đêm lướt sạt đầu chúng tôi để tránh ra đa…
Tin B.52 chính thức ném bom Hà Nội trên đài phát thanh sáng hôm sau khiến cả nhà sốt ruột ngóng tin. Không biết ông bà ngoại và cậu tôi có bình anh không, phố cũ tôi vẫn còn hay đã tan nát sau trận bom đêm. Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam cũng bị đánh bom.
… Cuộc sống trở nên thất thường, tạm bợ, và mọi người như trở thành một con người khác, âu lo vội vàng hơn. … Sinh hoạt đảo lộn, mỏi mệt trong tiếng bom rền…”
Trăn trở về những điều chưa xa… nhưng đã bị xem là cũ
Có lẽ điều mà tác giả nhớ nhất về thời ngày xưa ấy chính là “mùi mậu dịch”.
“Khi tôi đến cơ quan mậu dịch, lên tầng hai chơi với các bà, bao giờ cũng được một vài cái bánh chả thơm phức lá chanh, hoặc ít ra là khúc sắn vàng dẻo quánh. Nhưng ấn tượng nhất ở đây là một thứ mùi đặc biệt, là tổng hợp của các thứ mùi. Mùi hồ chua chua từ các súc vải ẩm, mùi men kẹo giấy chảy, mùi mốc các thùng gỗ cũ, mùi hăng hắc từ các con cá chép nhựa mới nhập… Lĩnh xướng trên tất cả loại mùi, có lẽ là mùi khen khét, ngầy ngậy của xà phòng cục 72% Liên Xô. Tổng phổ mùi đó cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên được, nó ám vào đầu óc rồi, và tôi tạm đặt tên là “mùi mậu dịch”.”
“Hà Nội có tàu điện
Đi về cứ leng keng
Người xuống và người lên
Người nào trông cũng đẹp.”
Có lẽ không chỉ tác giả, mà rất nhiều người cũng đã luôn khắc khoải về hình ảnh tàu điện những năm tháng ấy.
“Leng keng leng keng… Khuya sớm đi về một âm sắc thanh giòn, như nhắc với con phố dài ngói nâu ngái ngủ trong những sớm sương bay, rằng cuộc đời vẫn đang chảy trôi. Có thể nói tiếng chuông tàu điện chính là tín hiệu sinh động nhất cho nhịp sống uể oải nơi đất cũ kinh kỳ.”
Đúng như tác giả Trung Sỹ nói, cuộc đời vẫn chảy trôi. Tác giả cũng đã có chia sẻ rằng: “Tất cả những thành phố không riêng gì Hà Nội đều có một tiến trình thay đổi, có những ngày sẽ trôi qua và có những ngày sẽ đến, chúng ta sẽ nhìn thấy sự thay đổi theo thời gian ấy một cách rất bình thường. Những lớp người đi trước như chúng tôi đều không mong muốn lớp trẻ sẽ phải sống lại trong thời thiếu thốn như vậy nữa.”
Tôi nhớ, một lần tôi xem chương trình “Kí ức vui vẻ”, MC – nhà báo Lại Văn Sâm đã nói: “Đôi khi, cuộc sống bây giờ người ta đã quá đủ đầy nên lại muốn tìm về những cái thiếu thốn của ngày xưa để mà trân trọng những cái thời kỳ ấy.”
Trạm Đọc trân trọng gửi tới độc giả, những người “yêu cái thời ngày xưa” cuốn sách này!
Trạm Đọc – Read Station