Bằng lối kể chuyện giàu cảm xúc, với một giọng văn đậm tính nhạc, họa và cả thi ca, Hiền Trang đưa người đọc vào những ngóc ngách sâu kín ẩn bên trong thế giới nội tâm phong phú của những người trẻ tuổi.
Những nỗi cô đơn không tắt đi được
Tác phẩm là những mẩu chuyện nhỏ bên trong và bên ngoài thành phố. Thành phố – vốn là một danh xưng hàm chứa sự huyên náo, chộn rộn, đông đúc và vui tươi. Nhưng thành phố này lại chỉ có “Những ngôi nhà san sát cô đơn, những ngôi nhà rưng rưng khóc”.
Đó là thành phố của những người trẻ tuổi, những người nhìn cuộc đời bằng con mắt vốn nhiều màu sắc và thật nên thơ. Họ thích ngắm hoa hướng dương trong những ngày nắng, thích nằm dài nghe nhạc, đọc thơ và chứng kiến vũ trụ biến chuyển không ngừng từ mùa đông sang xuân rồi đến hạ. Nhưng rồi một ngày kia họ chợt nhận ra mùa thu đã chết, trong sự náo nhiệt của thành phố vẫn diễn ra rầm rập ngày đêm, như chính họ vốn là một tinh cầu sáng chói cũng lụi tàn và biến mất theo lớp tro bụi của vũ trụ.
Bởi vì họ cô đơn, thật sự cô đơn, và trống rỗng. Nỗi cô đơn đến thật nhanh như ánh đèn bừng sáng ngay sau khi bật công tắt điện. Nhưng nỗi cô đơn ấy không thể tắt đi được. Người trẻ đành chọn đồng hành với nỗi cô đơn, cùng sự sợ hãi khi hai mươi đã từng thấy mình chết đâu đó ở bên vệ đường không hoa, không hương khói, không thăm viếng. “Ai đã giết cô gái trong rạp chiếu bóng” đánh động về sự vô cảm. Vô cảm đến độ người ta ở cạnh nhau mà cũng không thể hoặc không muốn nhận ra nhau. Trong “Những người thích trườn” là những nỗi chán chường trong cuộc sống quẩn quanh của tuổi trẻ. Cả những niềm đau muốn trốn chạy khỏi thế giới để chìm vào những thứ không thực, để tìm quên trong “Cánh đồng dâu tây mãi mãi”.
Bạn có hạnh phúc không?
Không có gì hi vọng ở tương lai, nhất là khi “lỡ” phải sinh ra trong một xã hội tàn bạo, còn con người thì nhu nhược và yếu đuối. Thứ mà những người trẻ đang có, chính là mộng đẹp dệt từ khát vọng, nhưng rồi chính họ cũng tự dập tắt đi mọi ước mong. Trong “Cửa tiệm mua trái tim, ký ức, và giấc mơ”, cô gái trông tiệm đã cố gắng khuyên nhủ cậu bạn trẻ đừng bán giấc mơ khi chưa tròn 20 tuổi. Nhất là khi một giấc mơ là đỉnh cao của một cuộc đời. Vậy mà người trẻ sẵn sàng đem bán giấc mơ để lấy một mớ tiền còm, từ bỏ giấc mơ với một thái độ thật bình thản, và vô cảm. Người trẻ còn lại gì? Quá khứ – không, tương lai – vô định, còn hiện tại thì đã chết.
Khi mọi cố gắng đều chỉ là vô nghĩa, nhân vật chính trong “Những người thích trườn” luôn sống trong trạng thái hoang mang. Liệu mình thật sự đặc biệt, hay mình tưởng mình là người đặc biệt? Trong “Cánh đồng dâu tây mãi mãi”, người ta phải đeo lên mình chiếc mặt nạ của hạnh phúc để tự huyễn hoặc mình, cũng chẳng ai quan tâm mặt nạ là giả và hạnh phúc chỉ là thứ được vẽ vời, cô đơn đến độ muốn khóc cũng chỉ có mỗi một cái hố chứng kiến mà thôi. Lại có người đội lốt cho hạnh phúc trong những chiếc ô, để không ai có thể nhìn thấy được giấc mộng đang vụn vỡ trên gương mặt (“Romeo và hai nàng Juliet”). Còn với Vincent và “màu vàng” trong “Sự thật về chiếc tai bị cắt của Vincent Van Gogh”, liệu ai hạnh phúc hơn ai? Khi cuộc đời vốn là một chuỗi éo le bởi người muốn thay đổi thì không được thay đổi, người không muốn thay đổi thì lại bị buộc phải đổi thay.
Tác giả:
Trích dẫn tác phẩm:
“… chẳng có gì đặc biệt đâu. giống như nỗi bất hạnh vậy. Đôi khi anh nghĩ mình bất hạnh hơn bất cứ ai trên đời này. Nhưng những người khác cũng đang nghĩ y hệt như anh. Và thực lòng, riêng về điểm này thì ông trời rất công bằng, nỗi bất hạnh luôn được chia đều cho tất cả mọi người, và cả sự thờ ơ nữa. Không ai nhận ra nỗi bất hạnh của người khác vì còn mải gặm nhấm nỗi bất hạnh của chính mình.”
Các bạn độc giả có thể theo dõi cuộc thi và bình chọn cho tác phẩm yêu thích tại fanpage Văn học tuổi 20.