Để có những ý tưởng khác biệt, chúng ta cần thực hiện từ từ. Đôi khi bạn cần đi đường vòng, chỉ dành thời gian ở đây đó như thư giãn dưới gốc cây!
Tương truyền rằng nhà vật lý Isaac Newton đang thư giãn dưới gốc cây thì bị một quả táo rơi trúng đầu. Trong khoảnh khắc giác ngộ, Newton đã được truyền cảm hứng để phát triển định luật vạn vật hấp dẫn của mình. Thật không may, những ý tưởng tuyệt vời như thế thường không rơi từ trên cây: Nó đòi hỏi sự làm việc chăm chỉ ở bàn làm việc, xưởng vẽ, phòng thu… với đầy thử thách và vất vả.
Khi nói đến việc hình thành ý tưởng, điều gì quan trọng hơn, số lượng hay chất lượng? Nhà tâm lý học Dean Simonton, nổi tiếng với nghiên cứu về năng suất sáng tạo, đã chứng minh rằng những cá nhân có khả năng sáng tạo cao không tạo ra một vài ý tưởng tốt, mà họ còn tạo ra vô số ý tưởng tồi. Số lượng mới là yếu tố dẫn đến chất lượng khi bạn đi tìm những ý tưởng tuyệt vời.
Đây chỉ là một trong hàng chục định kiến sai lầm về những kẻ sáng tạo mà giáo sư Adam Grant đã giải xuất sắc trong cuốn sách “Tư duy ngược dịch chuyển thế giới”. Chúng ta vẫn tưởng người sáng tạo được trời phú của những cảm hứng thiên tài, nhưng hoá ra “muốn tìm được hoàng tử, phải hôn thật nhiều chú ếch”.
Với họ, những ý tưởng độc đáo, xuất sắc, nguyên bản không tự dưng đến, mà chúng là kết quả của sự luyện tập mỗi ngày. Ví dụ, kho tàng đồ sộ của thiên tài Picasso bao gồm 2.800 sản phẩm gốm, 1.800 bức tranh, 1.200 tác phẩm điêu khắc và hơn 12.000 bản vẽ. Chưa hết, chỉ một số nhỏ trong đó mang lại cho Picasso thành công và vị thế như một tượng đài nghệ thuật. Nói cách khác, khi nói đến số lượng và chất lượng, bạn không thể có cái này mà không có cái kia!
Tạo ra rất nhiều ý tưởng là bước đầu tiên để mở khoá tiềm năng sáng tạo của bạn. Nhưng bạn không nên coi bộ não của mình như một nhà máy sản xuất, đẻ ra những ý tưởng độc đáo theo cách xe hơi được sản xuất trên dây chuyền lắp ráp. Để có những ý tưởng khác biệt, chúng ta cần thực hiện từ từ. Đôi khi bạn cần đi đường vòng, chỉ dành thời gian ở đây đó như thư giãn dưới gốc cây!
Vì vậy, đối với những kẻ sáng tạo, trì hoãn là một chiến lược quan trọng. Nó cho phép họ tiến bộ dần dần trong khi vẫn mở ra nhiều khả năng mới. Leonardo da Vinci là một ví dụ kinh điển về những người hay trì hoãn trong lịch sử. Ông bắt đầu vẽ Mona Lisa vào năm 1503, sau đó từ bỏ dự án trước khi quay lại với bức tranh vài năm sau đó. Mona Lisa cuối cùng đã được hoàn thành vào năm 1519, 16 năm sau!
Nhà sử học William Pannapacker tin rằng điều này cho phép da Vinci thả lỏng một cách có tính toán, thử nghiệm các ảo ảnh quang học và các kỹ thuật vẽ tranh mới. Nếu không có sự chơi đùa với các ý tưởng này, chúng ta có thể đã không bao giờ có Mona Lisa hoặc các tác phẩm rực rỡ của những thiên tài xuất chúng khác.
Để công việc đến phút cuối cùng khiến chúng ta sáng tạo hơn bằng cách buộc chúng ta phải ứng biến. Bạn có đoán được bài phát biểu nổi tiếng nhất của mục sư Martin Luther King Jr. là kết quả của sự trì hoãn không? King đã có lịch phát biểu từ 5 tháng trước đó, nhưng thậm chí ông đã không bắt đầu viết bài cho đến đêm hôm trước.
Câu thoại mang tính biểu tượng của King “Tôi có một giấc mơ” được trình bày ngẫu hứng một phần, khi ca sĩ Mahalia Jackson đã hét lên trong bài phát biểu, cầu xin ông ấy, “Hãy kể cho họ nghe về giấc mơ, Martin! Hãy kể cho họ nghe về giấc mơ! ”. King liền từ bỏ kịch bản và bắt đầu nói tự do về tầm nhìn đầy cảm hứng của mình về tương lai nước Mỹ.
Là một cuốn sách viết về sáng tạo, nhưng chính nó cũng là một sản phẩm vô cùng sáng tạo, “Tư duy ngược dịch chuyển thế giới” là một cuốn sách phải đọc với những ai muốn khám phá tiềm năng sáng tạo của mình bằng cách phát triển thật nhiều ý tưởng đột phá và chia sẻ chúng với thế giới.
Trạm Đọc tổng hợp | Nguồn ảnh: Sưu tầm