Ngôn ngữ được xem là thứ vũ khí sắc bén nhất. Dù chỉ một câu nói vô tình, một lời châm chọc vô ý hay một câu phán xét bâng quơ đều có thể trở thành công cụ làm vụn vỡ trái tim một hay nhiều người. Bởi ngôn ngữ là sản phẩm của não bộ chúng ta, nên đôi khi nó rất khó kiểm soát. Người nói ra có thể chẳng còn nhớ, nhưng từng câu từ khi ấy lại ghim chặt vào trái tim người nghe, khiến mỗi khi nhớ về nó, vết thương trong lòng họ lại đau quặn thắt.
Nếu như bạo lực thể chất tạo nên những vết thương ngoài da và sẽ lành lại theo thời gian, thì vết thương tinh thần do bạo lực ngôn ngữ mất nhiều thời gian lành lại hơn thế. Thậm chí, có những vết thương quá sâu khiến người nghe chẳng thể chịu đựng nổi, khiến họ buông xuôi và từ bỏ mọi đam mê cũng như động lực để bước tiếp.
Điều đáng buồn nhất, là chúng ta lại thường buông những lời vô tình với người thân, những người quan tâm chúng ta nhiều hơn là với người ngoài. Ta rất giỏi trong việc đặt mình vào vị trí của những người xa lạ, dễ dàng tha thứ và tỏ ra thấu hiểu họ, nhưng với những người thân yêu nhất của mình, không rõ vì lý do gì mà ta lại buông ra những lời cay đắng, những chiếc ghim sắc nhọn đâm thẳng vào trái tim người mà ta yêu.
Đọc “Cây cam ngọt của tôi” của José Mauro De Vasconcelos, ta càng thấy rõ hơn sức mạnh hai chiều của ngôn từ, được khắc hoạ qua những câu thoại xoay quanh cuộc sống của cậu bé Zezé.
Đôi khi người ta làm tổn thương nhau bằng những câu nói vô tình
Zezé là một cậu bé sáng dạ, năng động và tinh nghịch. Như bao đứa trẻ khác, cậu bé tò mò nhiều điều về thế giới bên ngoài. Cậu bé luôn tự tìm tòi và khám phá, cũng bởi vậy cậu đã gây ra nhiều sự vụ hỗn loạn cả khu mình sinh sống.
Cậu bé bị người ta đồn thổi, cho rằng cậu là quỷ, là quái vật, là tiểu yêu tóc hung…
Bố mẹ quá bận, lại bị nghèo đói bủa vây. Trái tim họ trơ ra và chẳng nghĩ được gì ngoài chuyện cơm áo. Không một ai chỉ cho cậu bé về tình yêu thương, về cách đổi xử hay nói năng với mọi người.
Trẻ em như một tờ giấy trắng, và việc chọn in lên đó những vần thơ đẹp đẽ hay một vết mực loang phụ thuộc rất nhiều vào người lớn. Tuổi thơ Zezé vì những thiếu thốn vật chất lẫn tinh thần mà ban đầu đã khiến tờ giấy trắng tâm hồn cậu bị lem mực đôi phần.
Zezé đã nguyền rủa chị của mình khi chị không dẫn cậu đến sòng bài để lấy đồ chơi cho ngày Giáng sinh.
Đồ ích kỷ! Đồ phù thuỷ độc ác! Em cầu mong chị sẽ không bao giờ lấy được một học viên trường sĩ quan. Em ước chị sẽ cưới phải một gã lính trơn thậm chí chẳng đủ tiền để mà đánh bóng đôi bốt.
Và cậu còn buông lời vô tình khiến trái tim bố tổn thương:
Thật kinh khủng khi có một người cha nghèo!” hay “Đồ giết người! Tiếp tục đi, giết tôi đi. Cha sẽ bị trừng phạt thích đáng ở trong tù!.
Thâm tâm Zezé chắc chắn không muốn buông ra những lời nói cay độc như vậy với những người cậu bé yêu thương. Nhưng chỉ vì một phút lỡ lời, chỉ vì chẳng ai nói với cậu rằng những lời nói đó sẽ cứa sâu vào tim người lắng nghe, hoặc bởi vì xung quanh cậu người ta chẳng ngại phán xét hay mỉa mai người khác, khiến cậu bé hết lần này tới lần khác làm tổn thương những người cậu bé thực lòng yêu mến.
Thế nhưng Zezé cũng là nạn nhân của rất nhiều, rất nhiều những lời nói khác. Bố Zezé hay những người hàng xóm, những người lạ nghe về cậu cũng chẳng ngại buông lời phán xét. Rất nhiều người lớn trong “Cây cam ngọt của tôi” không biết vô tình hay cố ý, lời nói của họ cũng đã làm tan vỡ trái tim của cậu bé Zezé. Chẳng khó để bắt gặp những lời chỉ trích, chê bai không tiếc lời một cậu bé năm tuổi nghèo đói, đáng thương.
Một người lớn buông lời phán xét khi Zezé đang cố kiếm tiền mua gói thuốc lá để xin lỗi bố:
Thằng này là một tên tội phạm nhãi ranh và xảo trá lắm. Nó đang lợi dụng chuyện nó chỉ là đứa bé và hôm nay là Giáng sinh đấy.
Chị Glória buồn bã, thất vọng và vô tình nói rằng Zezé là một đứa bé ích kỷ, ích kỷ như một con rắn…
Hay anh Totoca nói với Zezé:
Tránh xa tao ra. Mày thực sự chẳng có gì tốt cả. Đi đi.
Tất cả những lời nói ấy, những lần không thể kiểm soát cơn giận hay sự thất vọng ấy đã khiến trái tim vốn thương tổn và thiếu thốn tình cảm của Zezé trở nên chai sạn và lạnh lẽo. Khiến tâm hồn cậu không được sống đúng với độ tuổi của mình, khiến cậu không ngừng tự trách về sự tồn tại của bản thân.
… anh chẳng có gì tốt cả. Một thằng bé hư, hư thật sự… Chỉ thế thôi.” và “đáng lẽ con không nên được sinh ra trên đời này…
Có rất nhiều người cho rằng, chỉ cần không sử dụng bạo lực thể chất thì việc quát mắng chính là cách giáo dục hiệu quả. Thế nhưng, ngôn từ lại là thứ vũ khí tuy âm ỉ, nhưng có sức công phá lớn hơn nhiều lần.
Người ta khó lòng đặt mình vào vị trí của người khác trước khi buông ra lời phán xét hay chê bai. Trong cuộc trò chuyện của họ, đôi khi bạn bị đem ra là nhân vật chính, có thể chẳng phải họ có ác ý gì, mà chỉ bởi họ cần một chủ đề để nói, và vô tình đó là bạn. Hay trong một cộng đồng, thậm chí là một gia đình, khi bạn hành xử ngược lại so với các thành viên khác thì người phải hứng chịu những lời chỉ trích, phán xét cũng chính là bạn.
Zezé cũng vậy. Một cậu bé sáng dạ, tinh nghịch và đáng yêu nhưng dưới cái nghèo vây bủa, dưới nỗi lo vật chất bám lấy hàng ngày, những người xung quanh chỉ thấy trò đùa của cậu bé là gàn dở, là phá hoại, là chẳng thể chấp nhận được. Zezé lúc ấy chẳng có ai để bày tỏ, và cũng bởi chẳng ai hiểu cậu. Họ âm ỉ gieo giắc vào đầu cậu rằng cậu là đứa con của quỷ, rằng cậu có “mõm” vì toàn buông lời cay độc.
Sức mạnh chữa lành của ngôn ngữ
Thế nhưng, ngôn ngữ không chỉ là thứ vũ khí sắc bén, nếu người nói biết cẩn trọng lựa chọn, biết đặt mình vào vị trí của người nghe thì ngôn ngữ cũng chính là phương thuốc chữa lành hiệu quả nhất đối với một trái tim thương tổn.
Hai tác giả Shin Dohyeon và Yun Naru trong cuốn Sức mạnh của ngôn từ có viết:
Ánh sáng có thể xóa đi hàng ngàn năm bóng tối (Nhất đăng năng trừ thiên niên ám). Ngay cả những hang động xa xôi chưa từng có ánh mặt trời cũng có thể được thắp sáng bằng một chiếc đèn nhỏ. Sức mạnh của ngôn từ cũng như chiếc đèn này vậy. Một lời nói thật lòng có thể chữa lành vết thương của người khác.
Vượt qua những đêm tối, qua những tháng ngày cô độc bởi tưởng rằng chẳng ai yêu thương và thấu hiểu mình, Zezé đã tìm thấy những người thực lòng yêu mến cậu, những người nhẹ nhàng dùng cả lời nói và hành động để chữa lành những vết thương tâm hồn của cậu bé năm tuổi đáng thương.
Khi Zezé đang đau khổ, hoài nghi về sự tồn tại của mình, khi cậu tuyệt vọng vì chẳng ai yêu thương và thấu hiểu. Mẹ đã là người ở cạnh bên và chữa lành trái tim cậu. Mẹ cho Zezé hiểu được rằng cậu là một em bé ngoan, chỉ đôi lúc mới hư và chắc chắn cậu xứng đáng có mặt trên đời này.
Zezé cũng gặp được cô giáo Dorotília người luôn nhìn ra những mặt tích cực của cậu, luôn dành cho cậu bé những lời động viên.
Cái lọ này sẽ không bao giờ trống rỗng. Bất cứ khi nào nhìn nó, cô sẽ đều thấy bông hoa đẹp nhất trên đời. Và cô sẽ tự nhủ: cậu học sinh ngoan nhất của cô đã tặng cô bông hoa đó…
Và đặc biệt nhất, Zezé đã gặp được ông Bồ – ánh sáng mặt trời soi rọi đêm tối đang bao phủ lấy trái tim của cậu.
“Ông bồ ơi!”
“Cháu chẳng muốn xa ông chút nào, ông biết không?”
“Bởi ông là người tốt nhất trên đời. Không ai đối xử tệ với cháu khi cháu ở bên ông và cháu cảm thấy trong tim cháu có một mặt trời hạnh phúc.”
Những câu nói đã thắp sáng cho trái tim của Zezé giúp cậu hiểu được về tình yêu thương, về cách thận trọng hơn trong từng câu từ mình nói, giúp cậu trở nên tốt hơn mỗi ngày.
Giá như tất cả những người lớn trong “Cây cam ngọt của tôi” hay tất cả những người đã vô tình làm tổn thương chúng ta bằng những ngôn từ phán xét, chỉ trích,… đều có thể đặt mình vào vị trí của người khác, đều có thể khoan dung, nhẹ nhàng và thấu hiểu ta như cách mẹ Zezé, cô Dorotília và ông Bồ đã làm thì tốt biết bao.
Dù là người lớn hay trẻ nhỏ, ai cũng cần học cách cẩn trọng với ngôn từ của mình
Ngôn từ khi được nói ra không in hằn lên da thịt như những vết thương hay vết sẹo, cũng chẳng thành hình để thấy được bằng mắt. Ngôn từ chầm chậm đi vào trong trái tim chúng ta, sẽ bung nở một cây non mơn mởn nếu đó là những lời yêu thương, nhưng cũng có thể cắm rễ sâu hút cạn nguồn dinh dưỡng, sức sống nếu đó là những lời vô tình cay đắng.
Người nói ra có thể sẽ quên những gì mình nói, nhưng người nghe phải mất rất nhiều thời gian, công sức để quên đi được những vết thương tâm hồn. Thậm chí, có những người còn không thể chữa lành những vết thương ấy, lặng lẽ ôm chúng vào lòng rồi rời đi…
Zezé trong “Cây cam ngọt của tôi” là một cậu bé đáng thương, nhưng ít nhất trong cuộc đời cậu đã xuất hiện những người khiến cậu thêm yêu và trân trọng cuộc sống, những người khiến cậu trở nên tốt hơn từ hành động tới lời nói, những người hiểu được mỗi lời mình nói ra có ảnh hưởng tới những người xung quanh như thế nào.
Ngôn từ vốn chẳng phân biệt tuổi tác để có thể làm tổn thương người khác. Nếu như trẻ con phải học để biết mỗi lời mình nói ra có tác động thế nào, thì người lớn lại càng phải học nhiều hơn thế. Không chỉ học cho mình mà còn phải học để làm gương cho con trẻ noi theo.
Lời nói không mất tiền mua, nhưng không có nghĩa ta được phép dùng nó để làm tổn hại đến những người xung quanh. Bởi mỗi một từ ngữ được nói ra đều ẩn chứa trong mình một sức mạnh nhất định và không phải lúc nào ta cũng nhận thức được sức nặng của từng câu từ ấy. Dù lời nói không mất tiền mua, nhưng hãy cẩn trọng suy xét, trong vườn hoa đa sắc của ngôn từ hãy lựa chọn những bông hoa đẹp nhất để trao gửi những người xung quanh.
Zezé trong “Cây cam ngọt của tôi” cũng chính là câu chuyện của rất nhiều trái tim non nớt, bị tổn thương, chà đạp bởi những người vô tâm với những lời nói và hành động vô tình. Ta không thể ngay lập tức trở thành mẹ Zezé, cô Dorotília hay ông Bồ, vì ta cũng lần đầu làm người lớn, cũng cần va vấp và học hỏi để trưởng thành. Nhưng trên hành trình trở nên tốt hơn của mình, hãy nhớ rằng, trong trái tim mỗi chúng ta đều có một em bé như Zezé, một em bé dễ bị tổn thương bởi những câu từ không xinh đẹp, một em bé cũng dễ buông lời cay đắng với người khác. Hãy nhớ trái tim mình và những người xung quanh đều có một em bé dễ tổn thương như vậy để chọn những bông hoa đẹp nhất gửi trao.
Minh Hằng
Có thể bạn quan tâm: Những cuốn sách kể chuyện tìm lại niềm tin yêu cuộc sống