Niccolò Machiavelli là nhà ngoại giao và bầy tôi của nền dân sự Florence, là cha đẻ của khoa học chính trị.
Đã từng có người nói, tài liệu tốt nhất để tìm hiểu về lịch sử không phải là các sử liệu chính thống được ghi chép lại một cách có chú đích, lại càng không phải là các sách viết về chủ đề lịch sử. Trái lại, những thứ nằm ngoài hai loại tư liệu trên mới là nguồn tài liệu đáng quan tâm khi nghiên cứu về các chủ đề, nhân vật lịch sử, vì ít bị “tinh chỉnh” như sử liệu chính thống hay sách lịch sử.
Bởi thế, khi viết về các nhân vật lịch sử, các tác giả hiện đại thường ưu tiên tìm tới tận nguồn, nghĩa là tới tận các bút tích viết tay không thể chối cãi của nhân vật đó, vì cho dù nhân vật ta quan tâm không có thói quen nói thật, thì những lời dối trá của chính anh ta ít nhất cũng đưa ta tới gần sự thật hơn lời dối trá của người khác nói về anh ta. Kết quả là nhân vật nào các lưu lại được nhiều bút tích như thư tín, sổ sách ghi chép cá nhân, v.v. thì việc tìm hiểu, phục dựng lại chân dung của nhân vật đó sẽ càng đáng tin cậy và sinh động hơn.
Miles Unger đã không phải là ngoại lệ cho xu hướng này khi tìm tư liệu cho cuốn tiểu sử về Niccolo Macchiavelli mới được xuất bản tại Việt Nam. Đương nhiên những độc giả tiềm tàng của cuốn sách này chắc chắn sẽ không nông cạn tới mức trông đợi bức chân dung của một kẻ nham hiểm, gian xảo, thâm độc như trí tưởng tượng đại chúng bấy lâu vẫn đóng khuôn về nhân vật này. Và Miles Unger, trong tác phẩm của mình, đã cho thấy rất rõ là người hiểu thấu kỳ vọng của độc giả và đủ năng lực đáp ứng kỳ vọng ấy một cách hấp dẫn.
Dựa nhiều vào các thư tín cá nhân của Machiavelli cũng như những tư liệu thú vị khác như bản danh sách thu thuế của Florence, Unger cung cấp cho người đọc đúng thứ họ trông đợi: một phiên bản Niccolo Machiavelli đời thường của năm trăm năm trước, và không chỉ là một bức chân dung trơ trọi trong một cái khung, mà là một con người sống động trong một khung cảnh cũng sống động không kém.
May mắn thay cho Unger, cho độc giả là sự nghiệp của Machiavelli khiến ông phải thư từ liên lạc với rất nhiều người, đụng chạm tới nhiều sự vụ cả trong lẫn ngoài Florence khiến thư tín, tài liệu có dính dáng tới ông còn khá nhiều, đủ để tác giả tường thuật lại cuộc đời của nhân vật được biết đến và cũng được người đời nhìn nhận chủ yếu qua tác phẩm chính trị luận Quân vương mà ông là tác giả.
Đối với nhiều người, quá trình từ khi nét phác thảo đầu tiên được vạch ra trên nền toan trắng cho tới khi bức tranh hoàn tất còn thú vị, hấp dẫn hơn bản thân bức tranh “thành phẩm” cuối cùng. Với những ai như vậy, cuốn tiểu sử “Machiavelli” có thể sẽ còn hấp dẫn hơn tác phẩm “Quân vương” trứ danh từ năm thế kỷ nay kia. Tại sao vậy? Đơn giản là vì trong các trang sách của Unger độc giả sẽ biết được trải nghiệm nào, chất liệu nào đã tạo cảm hứng cho nội dung của Quân vương, dù đến giờ động cơ để Machiavelli viết tác phẩm này chẳng còn là bí mật với bất cứ ai từng đọc qua nó nữa.
Lần theo cuộc đời, nhất là sự nghiệp chính trị, của Machiavelli qua từng trang sách, độc giả sẽ hiểu nguồn cơn dẫn tới những câu chữ đầy thực dụng của Quân vương, cuốn sách giờ đây tuy không còn mấy ai mang ra làm cẩm nang chính trị nhưng vẫn được nhiều tác giả sách self-help mang ra trích dẫn để lôi cuốn độc giả của họ, chủ yếu là những người đang cố gắng vươn lên trong mạng lưới quan hệ xã hội.
Đó là vì Quân vương được viết ra từ những kinh nghiệm thực tế mắt thấy tai nghe của Machiavelli, nhất là những kinh nghiệm cay đắng, bẽ bàng mà độc giả sẽ được Unger tường thuật lại. Là người trong cuộc, phụng sự cho hệ thống chính quyền không ngừng bị thao túng, chi phối bởi các cuộc tranh chấp phe nhóm gay gắt ở Florence, nếm trải đủ cung bậc cảm xúc khi phải ở thế yếu đại diện cho nước cộng hòa chẳng dọa được ai đi thương thuyết lợi ích tại triều đình Pháp, tại Tòa thánh ở Rome, hay với Cesare Borgia đáng gờm, v.v.
Bên cạnh đó, câu chuyện đời thường của Machiavelli cũng đủ thú vị trong bản thân nó để cuốn hút độc giả. Thay vì một kẻ gian hùng chọc trời khuấy nước như vẫn hay được hình dung, nhân vật Machiavelli đích thực từng tồn tại hiện lên thật đáng ngạc nhiên với những ai đã trông đợi sẽ thấy gã gian hùng tưởng tượng đó trong các trang sách của Unger, nhưng lại hết sức hợp lý với những ai có đầu óc duy lý. Machiavelli trước hết là một con người bình thường, mẫn cán với công việc, đam mê với sở trường của bản thân. Vâng, tới mức để thi thố được tài năng của một anh công chức tận tụy, Machiavelli sẵn sàng phụng sự bất cứ ai đang nắm quyền ở Florence, cho dù đó là người hôm qua ông còn đang chống lại khi họ là đối thủ của “ông chủ” mà ông đang phụng sự vào thời điểm đó.
Nếu không phải là một tấm gương trung liệt (mà quả thực hay được tô vẽ nên hơn là thực sự tồn tại) thì chí ít cũng là một con người chuyên nghiệp. Đến mức sẵn sàng thuyết phục những người cầm quyền đã tống mình vào tù sử dụng lại mình. Một sự tận tụy muốn phụng sự Florence, dù dưới quyền trị vì của ai, xuất phát từ những động cơ đầy mâu thuẫn. Trong đó, có thể lắm, như độc giả sẽ được Unger chỉ ra với những bằng chứng thuyết phục, ẩn chứa tinh thần ái quốc và cao vọng muốn cống hiến và làm những điều tốt đẹp hơn cho đồng bào mình.
Nhưng cũng chắc chắn chẳng kém là không thiếu những động cơ ít cao cả, nhiều thực tế hơn (tỷ dụ như có địa vị, có… đồng lương để nuôi sống bản thân và gia đình, bởi Machiavelli của đời thường này chẳng phải là kẻ khôn ngoan thủ đoạn có thể kiếm cho mình một gia sản giàu có mà thay vì thế dường như đã bị nỗi lo cơm áo đeo đuổi suốt cuộc đời).
Gấp sách lại, độc giả sẽ hiểu rõ hơn về Niccolo Machiavelli, một con người rất đỗi bình thường, thậm chí không thiếu khiếm khuyết dưới cách đánh giá của một số người, song cũng đầy nghị lực, hoài bão, tài năng. Một chính trị gia nổi bật trong một giai đoạn lịch sử đầy sóng gió, tác giả xứng đáng với tác phẩm Quân vương trứ danh, bởi cuộc đời thực của ông cũng để lại nhiều điều đáng để suy ngẫm không kém gì tác phẩm trứ danh do ông chấp bút.
Lê Đình Chi – Trạm Đọc