Nếu bạn bị đặt vào tình huống như sau: Một người bạn đang dư một chiếc vé xem buổi hòa nhạc. Người bạn ấy hỏi bạn có muốn có chiếc vé không, và câu trả lời của bạn là có. Vậy trong tình huống này, bạn nghĩ chiếc vé ấy là miễn phí, hay bạn phải mua nó?
Đây là một trong những tình huống thường gặp trong cuộc sống hàng ngày khiến bạn rất bối rối, không biết nên cư xử thế nào để hai bên không mất lòng nhau. Nếu vậy thì “Cư xử khôn, giao tiếp khéo” chính là một cuốn sách rất phù hợp để giúp bạn giải quyết được những tình huống được cho là khó xử khi giao tiếp.
Cuốn sách về tâm lý học hành vi khác biệt so với những cuốn sách khác cùng chủ đề
Thông thường, khi nhắc đến những cuốn sách về ứng dụng tâm lý học hành vi, chúng ta thường nghĩ đến những cuốn sách dày cộm với những trang sách chi chít chữ, nhưng “Cư xử khôn, giao tiếp khéo” là một cuốn sách lạ lắm!
Có lẽ nhiều bạn độc giả đã không còn xa lạ gì với tác giả Dan Ariely và câu chuyện cuộc sống của ông. Dan Ariely là giáo sư chuyên ngành tâm lý học và hành vi.
Ông đã ghi dấu ấn trong lòng độc giả với các tác phẩm như Phi lý trí, Lẽ phải của Phi lý trí, Bản chất của dối trá, Phi lý một cách hợp lý.
Và cuốn sách “Cư xử khôn, giao tiếp khéo” là tác phẩm mới nhất, và cũng là đặc biệt nhất của ông khi được thể hiện dưới hình thức khác biệt. Cuốn sách tập hợp những bức tranh minh họa dí dỏm của Matt R. Trower giúp cho nội dung được truyền tải theo cách thú vị hơn, từ đó bạn có thể dễ dàng đọc, dễ dàng áp dụng các bài học từ cuốn sách.
Nhân vật chính của cuốn truyện là Adam. Trong cuộc sống hàng ngày, Adam gặp rất nhiều tình huống mà anh không biết nên giải quyết thế nào để vẹn cả đôi đường. Do đó, hai “chàng tiên” xã hội và thị trường, cùng chuyên gia Dana đã giúp Adam trải qua vô vàn tình huống giao tiếp liên quan đến gia đình, bạn bè, công việc…
Dù nội dung sách có vẻ đơn giản, nhưng chúng được đúc kết từ nhiều cuộc nghiên cứu, thực nghiệm, khảo sát thực hiện bởi các giáo sư Kinh tế học, Tâm lý học, Chính trị học, Xã hội học…
Giúp bạn trả lời câu hỏi: “Chọn con tim, hay là nghe chiếc ví?”
Trái tim – đại diện cho thái cực thế giới do chuẩn mực xã hội thống trị. Trong khi đó, chiếc ví – thái cực còn lại của thế giới, do chuẩn mực thị trường thống trị.
Chuẩn mực thị trường thường được gắn liền với tính chất “sắc lạnh”. Ở đây, mọi trao đổi là giao dịch giữa các đối tác làm ăn, không phải bạn bè với nhau. Dựa theo phân tích cẩn thận để thu về chi phí – lợi ích, mọi người chú trọng lợi ích của mình lên trên hết.
Còn thế giới gắn liền với chuẩn mực xã hội sẽ ấm áp và êm ái hơn. Tại đây, ưu tiên hàng đầu là xây dựng và nuôi dưỡng các mối quan hệ, việc cho và nhận diễn ra một cách tự nhiên. Trong thế giới này, không ai đòi hỏi lợi nhuận tức thì từ các khoản đầu tư.
Hai hệ quy tắc này vận hành tốt trong từng thế giới của chúng. Nhưng khi va chạm vào nhau, chúng sẽ gây ra tác động cực lớn. Do đó, bạn cần hiểu được khi nào và ở đâu có thể áp dụng chuẩn mực nào. “Cư xử khôn, giao tiếp khéo” sẽ giúp bạn dung hòa hai thế giới này với nhau, cụ thể qua các tình huống thực tế như:
- Có nên làm kinh doanh với bạn bè không, trong khi bạn mình vẫn đang nợ mình một khoản nợ trước đó. Nếu không đòi nợ thì mình mất tiền, còn nếu đòi thì lại mất luôn cả bạn.
- Bạn ra ngoài ăn trưa với đồng nghiệp mỗi thứ sáu. Ai đó sẽ phải thanh toán, vậy phải trả tiền làm sao để không làm cả bọn mất vui?
- Bạn băn khoăn không biết rằng nên tặng quà gì để thể hiện lòng biết ơn chân thành đến ai đó? Nên tặng họ món quà đắt tiền hay món quà mang giá trị tinh thần?
Giúp bạn hiểu được động lực làm việc không chỉ là tiền!
Có thể nói, tiền là phần thưởng phổ biến nhất sau khi hoàn thành xuất sắc một công việc.
Hãy cùng đặt ra tình huống sau: Nếu sếp thưởng cho bạn 10 triệu tiền mặt hoặc 1 chuyến nghỉ mát có giá trị tương đương, bạn sẽ chọn phần thưởng nào? Có phải bạn sẽ chọn tiền thưởng không?
Tác giả cuốn sách đã đưa ra kết quả của một nghiên cứu rằng: có đến 63% những người ở trong tình huống bên trên thích tiền thưởng hơn. Vì xét cho cùng, bạn nghĩ rằng mình có thể dùng tiền thưởng theo bất kỳ cách nào mình muốn. Một chuyến du lịch cũng có vẻ thú vị đấy, nhưng bạn lại thấy nó không giúp bạn chi trả các hóa đơn mà bạn đang cần thanh toán.
Nhưng kết quả đó không đủ để đưa ra kết luận cuối cùng rằng động lực giúp bạn trong công việc chỉ có thể là tiền!
Cuộc nghiên cứu về việc chọn phần thưởng vẫn tiếp tục. Lúc này, mọi người được yêu cầu xem xét về cảm giác của họ sau khi nhận thưởng. Và kết quả thật ngạc nhiên là: nhóm chọn phần thưởng không phải tiền cho biết họ hài lòng và tận hưởng dư vị của phần thưởng lâu hơn so với những người chọn thưởng tiền.
Từ đó, có thể thấy được động lực xuất phát từ chuẩn mực xã hội có thể nâng cấp tư duy và mang lại hiệu suất lâu dài hơn. Bởi vì công việc cho chúng ta không chỉ tiền lương, mà còn cả ý nghĩa, niềm tự hào về những nỗ lực mình cống hiến và lòng tự tin.
“Cư xử khôn, giao tiếp khéo” không chỉ là một cuốn sách giúp bạn xây dựng mối quan hệ lâu bền với bạn bè, đối tác, bạn đời của mình, mà nó còn là cuốn sách dành cho:
- Các chuyên viên quản lý nhân sự, hoặc các cấp cán bộ quản lý đang tìm giải pháp giữ chân nhân tài cho tổ chức của mình với ngân sách có hạn;
- Các nhà lãnh đạo đang băn khoăn về việc nhân viên chỉ chăm chăm nhìn vào lợi ích trước mắt dù bạn cố gắng truyền cảm hứng cho họ về tầm nhìn dài hạn, hay thậm chí chỉ là định hướng ngắn hạn;
- Hoặc nếu bạn là “nhà thiết kế quy trình” đang đắn đo làm sao để cân bằng giữa một quy trình chặt chẽ với việc phát huy óc sáng tạo hoặc chừa chỗ cho người trong cuộc xử lý theo lẽ thường…