“Là tôi điên đang nhìn thế giới tỉnh, hay tôi tỉnh đang nhìn thế giới điên?” – Nhân vật chính đã mở đầu câu chuyện kỳ lạ có phần huyễn tưởng của mình, một cách chuếnh choáng như đang say trong men nồng, như thế.
Một câu chuyện đồng thoại dành cho những tâm hồn trong veo ngắm nhìn thế giới
Bên rìa thế giới có gì? Hãy theo chân nhà văn trẻ Bùi Cẩm Linh khám phá thế giới mà chính cô kiến tạo nên. Một thế giới trong mơ, nơi mà thời gian bị đứt gãy, không gian thì vô chừng còn vật thể thì biến đổi. Nơi mà các danh từ chung bỗng hóa thành danh từ riêng và được viết hoa, như Người, như Hổ, như Từ Điển, Hoang Đảo, Đại Thụ…, nơi mà Bữa Sáng và Bữa Tối, Thứ Tám, Thứ Chín, Thứ Mười… được nhân cách hóa, trở thành những nhân vật có đủ mọi dung mạo và tính cách phức tạp, như con người.
Nơi đó có những câu chuyện được kể lại theo một cách rất lạ và rất riêng. Adam từ đứa trẻ thơ ham khám phá thế giới trở thành một ông lão lụ khụ mang trong mình con tim thương tổn, nơi Isaac Newt vẫn đam mê với quả táo rơi và những khám phá khoa học, chuyện thành Troy – cuộc chiến tranh đầu tiên của thế giới, chuyện nàng Bạch Tuyết xinh đẹp đã trở thành kẻ giết người đầu tiên khi khiến Hoàng hậu – người đầu tiên trên thế giới – lên đường vào cõi chết.
Như tác phẩm “Chuyện cổ tích về loài người” của Xuân Quỳnh, “Chuyện bên rìa thế giới” cũng kể về hành trình hình thành thế giới thông qua cách liên kết những câu chuyện thần thoại với nhau, lý giải thế giới dưới góc nhìn mới mẻ và lãng mạn. Như “Sáng thế ký”, lũ trẻ từ thở nằm nôi, khám phá vũ trụ khai sinh bằng một niềm tin ngây thơ và ánh mắt tò mò. Này là ánh sáng, này là bóng tối, này là bầu trời, là trăng, là sao, là vũ trụ, là biển, là con thuyền bơi giữa đại dương, gieo lên mặt đất những hạt mầm của cỏ và hoa, của những cánh rừng xanh tốt.
Những khoảng suy tư rộng dài như biển
Nếu không gian và thời gian chỉ dừng lại mãi mãi ở khoảnh khắc những đứa trẻ kiến tạo nên thế giới bằng đôi mắt trong veo và tâm hồn ngây thơ, thì có lẽ người tỉnh đã chẳng hóa điên và người điên đã không bao giờ muốn tỉnh để nhìn thấu suốt sự thật trần trụi của cuộc đời. Khi mà không thể dừng được, lũ trẻ phải lớn lên, trở thành những người lớn, mang trong mình nhiều suy tính: tiền bạc, danh vọng… Người nguyên thủy ngây thơ, hạnh phúc, hồn nhiên, bản năng đã không còn, họ mơ ít dần và không còn mơ nữa. Thế giới xung quanh họ, bao bọc là hàng ngàn hàng triệu con quái vật: Quái vật dây thừng, quái vật thòng lọng, quái vật ăn não, quái vật đỏm dáng, quái vật hút giấc mơ… đe dọa và dìm họ vào hố đen nhưng họ đã không hề hay biết hoặc chẳng mảy may đề phòng.
Nơi đó, con người bị tước hết mọi mơ ước và khát vọng, trở thành những bản sao vô cảm. Học sinh bị trói buộc bởi dây thừng vào trường học, bằng chính kỳ vọng của cha mẹ, nỗi ám ảnh từ những bài thi và điểm số. Môi trường bị hủy hoại, rừng bị đốt cháy, cây bị đốn ngã để làm giấy, làm bài thi… Tất cả mọi sự việc hiện tượng, tưởng như không có gì liên quan nhau, hóa ra lại được xâu chuỗi thống nhất một cách kỳ lạ, giống như một người điên tỉnh đang nhìn cuộc đời bằng ánh nhìn chua xót.
Và rồi, trên những hỗn loạn ấy, tình bạn giữa các nhân vật, giữa Tôi và Đại Thụ, Thứ Chín, Bữa Sáng, Bữa Tối, Hoang Đảo… như một liều thuốc hạ sốt giúp rìa thế giới hạ nhiệt, như hạt mưa tươi mát tưới lên mảnh đất khô cằn, ủi an, động viên, hỗ trợ. Tình bạn cũng giúp họ nhận ra bản thân và nhận ra nhau, trên chuyến hành trình bất tận khám phá bản ngã của chính mình.
Tác giả: