Phó Giáo sư Nguyễn Lân Hiếu viết về những được, mất khi trở thành bác sĩ trong cuốn “Câu chuyện từ trái tim”.
Câu chuyện từ trái tim là tập ghi chép giàu tính thời sự, chứa nhiều câu chuyện nghề cùng những bài phân tích về y tế, giáo dục, môi trường và vấn đề xã hội qua lăng kính của một bác sĩ tim mạch đầu ngành. Trong sách, anh kể hành trình đến với nghề, bắt đầu từ năm 1989, khi thi đỗ Đại học Y Hà Nội. Cuộc sống sinh viên giai đoạn vừa qua thời bao cấp hiện lên sinh động qua trang viết của Nguyễn Lân Hiếu. Số tiền học bổng của họ khi ấy chỉ được 21.000 đồng, đủ ăn cơm ở canteen ba hôm. Đến năm thứ năm, sinh viên nữ được nhận thêm một phần học bổng ưu tiên để “đền bù tuổi thanh xuân”. Không có internet, họ chỉ có thể lĩnh hội kiến thức trên giảng đường và những buổi thực hành lâm sàng.
Nguyễn Lân Hiếu theo đuổi nghiên cứu về tim mạch vì thích sự logic, trong khi thầy giáo, đồng thời là chú ruột khuyên anh cân nhắc vì ngành này nguy hiểm, chỉ cần sai sót một chút sẽ gây hậu quả khôn lường. Sau cùng, anh vẫn chọn tim mạch khi thi bác sĩ nội trú năm 1995. Những năm chập chững vào nghề, anh suýt chuyển sang làm trình dược viên vì gặp nhiều áp lực công việc, khó khăn trong mối quan hệ với bệnh nhân. Cuối cùng, Lân Hiếu không bỏ cuộc vì tiếc gần 10 năm đèn sách và sợ bố mẹ buồn.
Tác giả cũng đặt ra một khía cạnh để bàn luận, rằng bác sĩ cũng chỉ là một con người bình thường, có vui buồn, nóng giận, sai lầm, ấu trĩ, cũng có lúc không hoàn thành nhiệm vụ, lúc khác lại bị công việc cuốn đi, bỏ bê sức khỏe của chính mình. Theo anh, mỹ từ “cứu người” không nên chỉ dành cho các nhân viên y tế, nó thuộc về bất cứ ai có trái tim nhân hậu, sẵn sàng dang tay cứu giúp những người gặp khó khăn, nguy hiểm. Với các y bác sĩ, từ “chữa bệnh” nhẹ nhàng, chính xác hơn.
Tác giả xót xa khi nhắc đến những nỗi buồn của ngành y như nạn bạo hành nhân viên y tế, tình trạng đào tạo sinh viên y tràn lan. Triết lý giáo dục “Không nói dối” bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đề xuất được anh rút ra từ thực tiễn công tác, trong quá trình giảng dạy tại Đại học Y Hà Nội.
Nguyễn Lân Hiếu cũng kể về quyết định rẽ ngang hoạt động chính trị, sau lần trò chuyện với một lãnh đạo y tế cấp cao ở Myanmar. Vị chính khách bày tỏ ngưỡng mộ nhiều thành tựu của y tế Việt Nam, đặc biệt là việc cấp bảo hiểm miễn phí cho trẻ dưới sáu tuổi. Nguyễn Lân Hiếu ứng cử đại biểu Quốc hội vì muốn tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho trẻ em.
Xen kẽ những bài phân tích xã hội, tác giả gửi gắm nhiều thông điệp về sự tử tế, mối đồng cảm giữa các ngành nghề trong xã hội, trái tim chân thành của những người làm ngành y. Anh viết: “Sau hơn hai mươi năm hành nghề với bao thăng trầm, bạn sẽ không còn phân biệt cái được hay mất khi làm bác sĩ nữa. Những niềm vui nho nhỏ khi thành công một ca mổ khó hay chẩn đoán được một bệnh thật hiếm cũng chỉ còn là món gia vị ngon trong cuộc sống bộn bề. Nhưng, những nỗi buồn lại ngày càng hiện hữu. Chúng ta sẽ ít lo hơn về cơm áo gạo tiền, vậy mà những chuyện tưởng chừng rất nhỏ lại làm trái tim già nua rung động. Nghe tin đồng nghiệp bị đánh hay bác sĩ ‘nhập kho’, ta cũng có thể mất ngủ suốt cả tuần. Sai sót nếu có, dù rất nhỏ cũng không thể được chấp nhận”.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu sinh năm 1972, là con trai Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Anh hiện là Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Phó trưởng bộ môn tim mạch, Đại học Y Hà Nội. Năm 2016, anh trở thành đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 (2016-2021).
Theo VnEpress