“Luận anh hùng” viết về năm nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa với bối cảnh của Tần Hán, Tam quốc, Đường, Minh, Thanh, đó là Hạng Vũ, Tào Tháo, Võ Tắc Thiên, Hải Thụy và Ung Chính.
Một trong những tích truyện ai cũng biết trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung là tích “uống rượu luận anh hùng”. Tên gọi của điển tích này cũng trở thành một đề tài cho nhiều cuốn sách do các tác giả Trung Hoa viết ra, đồng thời cũng gói gọn quan niệm “anh hùng” của người Trung Hoa.
Anh hùng theo quan niệm này chính là những nhân vật chính can dự vào “Trò chơi Vương quyền” khốc liệt trên đất Trung Hoa suốt mấy nghìn năm qua, và “luận anh hùng” chính là luận bàn về ưu nhược, đúng sai, thành bại của các nhân vật đó trong lịch sử. Nói vậy để thấy nếu không có bút lực, kiến thức và lựa chọn nhân vật đủ độc đáo, thuyết phục, một bản luận anh hùng rất dễ rơi vào sáo mòn, tẻ nhạt. Một trong những quyển sách về chủ đề này đã tránh được nguy cơ ấy là “Luận anh hùng” của Dịch Trung Thiên.
Ngay từ tên sách, Dịch tiên sinh đã không có chút úp mở nào về chủ đích của mình, không hề có ý gây kịch tính bằng chơi chữ. Cho dù không có rượu mơ, chẳng có Tào Lưu trong vai xướng họa luận bình, “Luận anh hùng” chính là luận anh hùng hàng thật, giá thật, không sai lệch đi đâu được. Có điều cái tài của Dịch Trung Thiên là vẫn thu hút được độc giả, không khiến người đọc có cảm giác sáo mòn, cũ kỹ trong đề tài xưa cũ này. Sao mà được vậy?
Trước hết là lựa chọn nhân vật. Thoạt nhìn, năm nhân vật được Dịch tiên sinh lựa chọn mà luận bàn có phần độc đáo không hề trùng lặp. Một kẻ tranh đoạt vương quyền thất bại. Một quyền thần bá chủ một đời. Một phụ nữ duy nhất từng ngoảnh mặt về nam xưng “trẫm” trong lịch sử Trung Hoa. Một vị quan nổi tiếng thanh liêm nhưng lận đận cả đời. Một hoàng đế mà cả việc đăng cơ lẫn cái chết cho tới giờ đều còn khiến người đời tranh luận. Nếu có cái gì chung giữa năm nhân vật này, có lẽ là sự vắng bóng hai từ “trọn vẹn” trong sự nghiệp, kết cuộc của họ.
Hạng Vũ tranh ngôi quân chủ thất bại, Hải Thụy làm bề tôi thất bại. Ung Chính tranh ngôi quân chủ thành công nhưng tên tuổi không những bị che mờ bởi Khang Hy, Càn Long mà còn chịu bao điều tiếng. Tào Tháo làm bề tôi mà kỳ thực là hoàng đế không ngai, tưởng oai phong nhưng không biết bao nhiêu thế kỷ bị lôi ra làm điển hình cho kẻ gian hùng, xảo quyệt, mặt trắng môi thâm. Võ Tắc Thiên từ chỗ tay không vươn lên tột đỉnh quyền lực, rồi cũng phải cam lòng buông bỏ hết trở lại tay không, đồng thời cũng chịu bao lời đàm tiếu. Cả năm người, ai bại thì bại rành rành, ai thành thì xem ra cũng chẳng cách bại bao xa. Vì sao nên nỗi, vì sao cả năm người khổ cực cả một đời để kết cục không viên mãn như thế, liệu có đáng chăng?
Cách Dịch tiên sinh trả lời cho câu hỏi trên chính là điểm thú vị thứ hai, và cũng là điểm thú vị nhất của “Luận anh hùng”. Cả năm nhân vật được ông mang ra bàn luận đều gặp nhau ở một điểm chung là “sinh bất phùng thời”. Cả năm người đều theo đuổi, nuôi dưỡng lý tưởng không còn hợp thời. Hạng Vũ thích làm bá vương triển thần uy trước quần hùng giữa thời ai ai cũng chỉ biết đến chữ lợi. Tào Tháo muốn chỉnh đốn lại triều Hán giữa đám chư hầu tứ xứ kẻ nào cũng nuôi mộng làm hoàng đế đoạt lấy giang sơn.
Võ Tắc Thiên, bất chấp thân phận nữ nhi, muốn thi triển bản lĩnh của mình trấn áp các triều thần khuynh đảo triều chính muốn lấn quyền vua. Hải Thụy cả đời cương quyết làm thanh quan gần như một mình ương bướng đấu lại giới quan trường hủ bại thời Minh mạt. Ung Chính, dù là đấng cửu ngũ chí tôn, cũng đơn độc trước mê hồn trận những quan hệ lợi ích chằng chịt của giới quan liêu Thanh triều, tới mức chân muốn đi một bước, tay muốn vung lên một cái cũng khó, khiến vị hoàng đế này không thể không tuyên chiến với đám quan liêu ngoài cuộc nhìn vào thì là thần tử thuộc hạ nhưng ở trong cuộc kỳ thực lại là đối thủ không đội trời chung của mình.
Hạng Vũ, Tào Tháo muốn dẹp yên loạn thế, Võ Tắc Thiên, Hải Thụy, Ung Chính lại muốn lật tung, thay đổi triệt để cục diện đã an bài quá vững chắc. Sự không cam tâm trước thế cuộc đương thời, muốn thay đổi thực tại, muốn thể hiện, thậm chí là áp đặt ý chí của mình đã khiến cả năm người theo cách này hay cách khác trở thành những Sisyphus đẩy đá đi ngược triền dốc đứng. Dưới ngòi bút sắc sảo, câu từ linh hoạt của Dịch Trung Thiên, sự nghiệp nghịch hành của cả năm nhân vật được phân tích, nhìn nhận tỉ mỉ, đa diện.
Đọc về từng nhân vật, độc giả cũng được tìm hiểu thêm về cả những nhân vật lịch sử cùng thời với họ, cả đồng minh, cộng sự lẫn đối thủ, tử thù. Những mối quan hệ đan xen quân thần, đồng liêu, thù bạn được đặt vào bối cảnh chính trị, lịch sử, tư tưởng của từng thời kỳ, cũng như những quan điểm, tư tưởng thâm căn cố đế của văn hóa Trung Hoa giúp độc giả hiểu tường tận, thấu đáo hơn những nguyên nhân ẩn sau các hành động của mỗi nhân vật, lý giải nguồn cơn tạo nên sự khác thường so với những gì phổ quát đương thời của họ.
“Luận anh hùng” có thể được đọc theo nhiều góc độ. Một cách nhẹ nhàng nhất, những câu chuyện tranh đấu vương quyền, quan trường Trung Hoa vốn luôn đủ gay cấn, kịch tính để cho độc giả những phút giải trí hào hứng. Sâu sắc hơn, mỗi người có thể tìm thấy trong sách những bài học từ thành bại của người xưa cho bước đường đời của chính mình.
Lê Đình Chi – Trạm Đọc