Kaku là một người lạc quan vào công nghệ. Theo quan điểm của ông, chúng ta mới chỉ đang bắt đầu khám phá những lĩnh vực tiên phong của tri thức hiện nay. Từ hành trình xuyên không gian, kỹ thuật di truyền để gặp hội ngộ với những nền văn minh ngoài vũ trụ.
Nhân loại suýt nữa đã không còn tương lai. 75.000 năm trước, một vụ phun trào núi lửa khổng lồ tại Hồ Toba (Indonesia ngày nay) đã che phủ bầu trời bằng tro bụi và khói độc. Một số nhà nghiên cứu tin rằng chuỗi sự kiện diễn ra sau đó đã tiêu diệt phần lớn loài người. Khoảng 2.000 người sống sót sau thảm họa đã cho chúng ta tương lai. Con cháu họ đã xây dựng nên nền văn minh ngày nay. Đó là chuyện của 75.000 năm trước, vậy còn 75.000 năm sau của thời hiện đại thì sao? Sự kiên này đã được thuật lại trong cuốn Tương lai nhân loại của Michio Kaku, thể hiện nỗi lo về sự tồn vong của nhân loại trong tương lai. Dòng thời gian trong sách trải dài tới mức đáng kinh ngạc: từ vài thế kỷ cho tới hàng triệu năm sau, khi con người đã tiến hóa. Kaku tin rằng ông có cơ sở cho những dự đoán của mình. Đó là khoa học và công nghệ không ngừng phát triển, cho phép ta hình dung được những hình thái mới của con người sau này.
Kaku là một người lạc quan vào công nghệ. Theo quan điểm của ông, chúng ta mới chỉ đang bắt đầu khám phá những lĩnh vực tiên phong của tri thức hiện nay. Từ hành trình xuyên không gian, kỹ thuật di truyền để gặp hội ngộ với những nền văn minh ngoài vũ trụ. Ông cho rằng với đà tiến bộ của khoa học và công nghệ, chỉ còn rất ít giới hạn có thể giữ chân chúng ta. Chỉ cần có đủ thời gian, con người có thể trở thành thần thánh.
Giới hạn đầu tiên và quan trọng nhất mà chúng ta cần vượt qua chính là Trái Đất. Theo nhà khoa học tên lửa tiên phong người Nga Konstantin Tsiolkovsky: “Trái Đất là cái nôi của loài người, nhưng chúng ta không thể nằm mãi trong nôi được.” Thời đại Tân Vũ Trụ do Elon Musk, Jeff Bezos và những tập đoàn tiên phong khác đã bắt đầu. Họ là những người sẽ giúp chi phí của việc vươn ra ngoài không gian của chúng ta trở nên rẻ hơn bằng những thành tựu kỹ thuật. Khoảng 200 năm nữa, con người không chỉ khám hiểm ngoài vũ trụ mà còn thực sự có thể định cư ở đó.
Kaku vạch ra con đường để nhân loại trở thành chủng tộc đa hành tinh, bắt đầu từ việc tới được Sao Hỏa và sau là định cư ở đó. Quá trình này bao gồm việc làm khí hậu Sao Hỏa biến đổi trên quy mô lớn để con người có thể sống được. Ngoài Sao Hỏa, Kaku còn đề cập tới những tiểu hành tinh và sao chổi, vì có lẽ chúng sẽ cung cấp tài nguyên cho nơi định cư mới này của con người. Giống như những người lạc quan vào công nghệ, Kaku tin rằng nhân loại chỉ “trưởng thành” được khi có khả năng vươn tới những ngôi sao khác. Nhưng để làm được điều này, chúng ta cần nhiều hơn là chỉ những cỗ máy mới. Trở thành những dạng sống mới tốt hơn con người hiện nay có thể là điều cần thiết cho quá trình vươn tới những ngôi sao.
Dù trong điều kiện tốt nhất, chúng ta vẫn cần di chuyển trong hàng thế kỷ mới có thể tới được những ngôi sao gần nhất. Rào cản này khiến Kaku nghĩ rằng phải có cách để con người biến đổi thành những dạng sống gần như bất tử. Kỹ thuật di truyền có thể cho phép ta ngăn chặn quá trình phân rã tế bào vốn được lập trình sẵn. Nếu vậy, giấc mơ về những “siêu nhân” có thể giải phóng ý thức khỏi cơ thể dường như sẽ trở thành hiện thực. Ông cũng tin rằng, khi có thể số hóa toàn bộ hệ thống thần kinh trong não, du hành không gian bằng tàu vũ trụ có lẽ sẽ không còn cần thiết nữa. Bằng cách mã hóa toàn bộ các tín hiệu thần kinh trong não vào một tia laser, chúng ta có thể trực tiếp đi từ hệ sao này sang hệ sao khác bằng tốc độ ánh sáng. Khi tới nơi, ý thức đã được mã hóa sẽ được tải vào một cỗ máy hoặc một cơ thể sinh học. Kaku còn cho rằng sự đa dạng sinh học từ 75.000 năm trước cho tới hiện nay sẽ là rất nhỏ so với những gì mà kỹ thuật di truyền có thể đem lại: chúng ta sẽ gần như trở thành siêu nhân sau 75.000 năm nữa.
Với hầu hết chúng ta, những điều này hẳn nghe như khoa học viễn tưởng, không bao giờ trở thành sự thật. Nhưng bằng sự cuốn hút trong cách kể chuyện tài tình của mình, Kaku vẫn lôi cuốn chúng ta theo từng ý tưởng, nhắc nhở chúng ta về những thành tựu của khoa học hiện tại, đồng thời vẫn mở rộng cánh cửa tưởng tượng về nền khoa học của hàng ngàn năm sau. Tuy khoa học phát triển sẽ kéo theo nhiều vấn đề, và đạo đức là một trong số đó, nhưng những gì mà nó mang lại cho đời sống con người thì không chê vào đâu được. Những gì sắp tới không được định hình bởi điều chúng ta có thể làm, mà là bởi điều chúng ta muốn làm. Hãy đọc cuốn sách này. Biết đâu sau đó, ta lại nghĩ ra được điều gì thú vị cho tương lai?
– Nguyễn Duy Anh
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
7 cuốn sách hay KHÔNG THỂ BỎ LỠ về SỨC KHỎE
4 tác phẩm về COVID-19 ĐÁNG ĐỌC của tác giả VIỆT
Cổ phiếu không phải vé số, hãy đọc 5 cuốn sách để mãi không là kẻ bại trận trên sàn