Chúng ta chỉ là một mắt xích nhỏ phụ thuộc vào chuỗi tuần hoàn khổng lồ của đại dương và những sản vật của đại dương. Nhưng chúng ta đang gây ra những ảnh hưởng lớn tới nó và cho chính bản thân mình. Con người có thể hiểu và chung sống yên bình với đại dương hay không, điều này nằm trong chính những hiểu biết của chúng ta về cỗ máy điều hòa khổng lồ cũng như cái nôi của sự sống này. Đại dương rộng lớn và đẹp đẽ sẽ luôn ở đó để chúng ta cùng khám phá và bảo vệ.
Mọi dòng nước đều sẽ chảy về đại dương trong một chu trình tuần hoàn khổng lồ. Đại dương dù ở xa hay gần chúng ta đều cung cấp sự sống tới cho tất cả các sinh vật. Hãy cùng khám phá kiến thức và chiêm ngưỡng những hình ảnh sống động về đại dương để tìm hiểu về cái nôi của sự sống và cùng nhau bảo vệ đại dương tươi đẹp của chúng ta qua cuốn sách khủng Thuyết minh trực quan nhất về ĐẠI DƯƠNG.
Nước – Khởi nguồn của sự sống
Đại dương chứa tới 97% lượng nước trên Trái đất, và có tới 99% các loài sinh vật sống ở đây. Sự sống bắt đầu từ đại dương, và chúng ta sẽ đi tìm hiểu về đại dương từ những giọt nước. Vậy nước là gì và nước sinh ra ở đâu? Liệu trên Trái đất đã có sẵn nước như nước trong nhà của chúng ta? Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ tự đặt ra những câu hỏi như vậy. Quả thực, tôi không biết tại sao chúng ta lại có nước. Và vì nước cực kỳ quan trọng. Chúng ta có thể nhịn ăn tới 7 ngày nhưng chỉ có thể chịu khát tối đa 3 ngày.
Bằng cách tìm hiểu về nước và sự hình thành của đại dương, tôi cũng đã có được câu trả lời cho mình. Bật mí rằng các nhà khoa học đã đơn giản hóa những kiến thức phức tạp, cùng những minh họa đẹp mắt, chúng ta sẽ được biết về thứ chất lỏng quan trọng nhất trong cuộc sống. Thật tuyệt vời phải không!!!
Không chỉ vậy, nước và đại dương tạo nên một chu trình khổng lồ giúp tất cả sinh vật sống có thể tồn tại trên Trái đất dù ở cách xa đại dương. Cùng tiếp tục tìm hiểu thời tiết và chiếc máy điều hòa khí hậu khổng lồ.
Thời tiết – Đại dương, máy điều hòa khí hậu khổng lồ
Đại dương như một chiếc điều hòa khổng lồ điều hòa thời tiết và làm không khí trong lục địa mát hơn. Con người và phần lớn sinh vật sống trên cạn phụ thuộc vào chiếc điều hòa này. Những cơn gió thổi từ biển vào mang theo hơi nước cùng với mưa. Nước mưa rơi xuống cung cấp nước ngọt cho mọi sinh vật và đất đai để rồi lại trở về biển trong một vòng tuần hoàn vĩ đại của sự sống.
Đại dương còn tạo ra những cơn bão lớn có khả năng tàn phá khủng khiếp. Thực tế, bão cũng mang rất nhiều nước vào đất liền và là một phần trong chu trình tuần hoàn nước. Các nhà khoa học khí tượng sử dụng vệ tinh và những công cụ hiện đại để xác định hướng đi và độ mạnh của bão giúp mọi người tránh trú an toàn. Tuy rằng những cơn bão là sự kiện không mong muốn nhưng chúng ta có thể hạn chế khả năng thiệt hại nếu như tìm hiểu rõ về chúng.
Không khí chúng ta đang hít thở cũng được tạo ra từ đại dương. Hơn 50-80% oxy được tạo ra nhờ các sinh vật sống và quang hợp trên biển. Thật kỳ diệu phải không? Giờ hãy cùng khám phá xem ngoài trong đại dương còn có những sinh vật nào.
Biển cả mênh mông – Nơi sinh sống của cực kỳ nhiều loài sinh vật
Với chúng ta hay các sinh vật trên cạn, đất liền là nơi ở và không thể xa rời. Nhưng đại dương lại là nơi 99% các loài sinh vật chọn là nhà. Đại dương rộng lớn đủ cho các loài động vật sinh trưởng và phát triển. Từ những loài động vật nhỏ xíu tới những con cá voi khổng lồ. Môi trường rộng lớn này có lẽ còn đa dạng hơn cả rừng nguyên sinh ở trên cạn và cũng đẹp đẽ tuyệt vời.
Nếu có thể, hãy ra biển và lặn ngắm những rạn san hô đẹp tuyệt vời. Chúng như những khóm hoa rực rỡ trong lòng đại dương. Trong lòng chúng là vô số loài động vật, sống nương tựa vào nhau tạo nên một quần xã sinh vật năng động. Những rạn san hô được coi như những ốc đảo đầy màu sắc tạo ra sự đa dạng sinh học cho các loài.
Đại dương quá sâu rộng tới mức chúng ta chẳng thể biết hết về đời sống của các sinh vật dưới mặt nước. Các nhà khoa học đã khám phá ra nhiều loài sinh vật hơn ở những độ sâu lớn. Chúng có những hình thù kỳ lạ hay có những yếu tố đặc biệt để giúp chúng tồn tại ở dưới nước sâu.
Bên cạnh đó, tại nơi đại dương gặp đất liền cũng tạo ra rất nhiều sinh cảnh cho con người và các loài động vật. Những bãi biển cát là nơi sinh sống của nhiều loài động vật như cua, nghêu, hải cẩu, chim biển hay nơi sinh sản của rùa. Rất nhiều sinh cảnh khác nữa đều là nơi cư trú của các loài động vật sống phụ thuộc vào đại dương. Và tương tự như chúng, con người cũng sinh tồn với biển.
Bảo vệ đại dương
Có lẽ, chúng ta đều đã từng ra biển, ngắm mặt trời mọc, lặn và thưởng thức hải sản. Đại dương bao la không chỉ nuôi dưỡng sinh vật mà còn cung cấp những nguồn dinh dưỡng cần thiết cho con người. Tuy nhiên, con người đang gây họa cho đại dương theo những cách tồi tệ. Những thảm họa như tràn dầu, xả rác khiến các sinh vật chết đi. Việc xâm lấn biển cũng tàn phá môi trường và khiến các loài sinh vật mất đi nơi cư trú. Các hóa chất làm ô nhiễm nguồn nước. Hiện tượng nóng lên toàn cầu đang khiến cho các rạn san hô bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi chết đi, san hô sẽ biến thành màu trắng nhưng sau đó sẽ trở nên xám xịt. Ngoài việc mất đi vẻ đẹp đẽ, rạn san hô chết khiến cho vùng nước thiếu oxy và trở thành vùng nước chết. Các nhà khoa học cũng đã tìm thấy rác thải nhựa ở những nơi sâu nhất của đáy đại dương. Điều này dấy lên những cảnh báo về sự ô nhiễm nhựa trong môi trường biển gây ảnh hưởng tới tất cả sinh vật và con người.
Chúng ta chỉ là một mắt xích nhỏ phụ thuộc vào chuỗi tuần hoàn khổng lồ của đại dương và những sản vật của đại dương. Nhưng chúng ta đang gây ra những ảnh hưởng lớn tới nó và cho chính bản thân mình. Con người có thể hiểu và chung sống yên bình với đại dương hay không, điều này nằm trong chính những hiểu biết của chúng ta về cỗ máy điều hòa khổng lồ cũng như cái nôi của sự sống này. Đại dương rộng lớn và đẹp đẽ sẽ luôn ở đó để chúng ta cùng khám phá và bảo vệ.
— Hoàng Lê