Tri thức dân gian sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, theo quyết định ngày 14/5 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Sâm Ngọc Linh được trồng trên ngọn núi cùng tên thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Trong 40 năm qua, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã chứng minh sâm Ngọc Linh là loại dược liệu quý hiếm do tính chất đặc biệt nổi trội và trồng ở vùng địa lý đặc thù.
Trong văn bản đề xuất công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, UBND tỉnh Quảng Nam giải thích tri thức dân gian sâm Ngọc Linh là quá trình thực hành, gắn bó với nghề, với núi rừng và cây sâm. Người dân nắm rõ đặc tính của cây sâm, cộng đồng cư dân đúc kết được nhiều kinh nghiệm, tri thức, kỹ năng trong việc trồng, chăm sóc, chế biến sâm Ngọc Linh.
Sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng. Ảnh: Đắc Thành
Trước đây, khi cây sâm mọc tự nhiên trên vùng núi Ngọc Linh với số lượng nhiều, người Xê Đăng có truyền thống đi vào rừng để khai thác củ sâm. Ban đầu người dân vào rừng tìm cây và củ sâm đem về cắt từng đoạn củ ra để trồng. Dần dần đúc rút kinh nghiệm, người dân dùng hạt ươm giống, trồng tập trung.
Hiện người dân đã tạo ra quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến. Một số doanh nghiệp chế biến công nghiệp từ nguyên liệu sâm Ngọc Linh, sản xuất nhiều loại sản phẩm như kẹo bánh, trà túi lọc, thực phẩm chức năng…
Từ khi nghề trồng sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My phát triển, những người có kinh nghiệm đã chia sẻ, hỗ trợ giúp đỡ người trong làng trồng sâm. Nghề trồng sâm được truyền đạt, phát triển và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Chị Nguyễn Hồng Thương thu hoạch sâm trồng trên Núi Ngọc Linh. Ảnh: Đắc Thành
Những năm qua, đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Nam Trà My phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng chủ lực để thoát nghèo. Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, nhóm hộ tham gia trồng, chế biến sâm Ngọc Linh. Các nhà khoa học đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm. Người trồng sâm đã ý thức được việc trồng sâm đi đôi với bảo vệ và bảo vệ rừng.
Trồng sâm Ngọc Linh gắn với đời sống kinh tế hộ gia đình, nhóm hộ gia đình nên những tri thức dân gian trong việc khai thác, trồng và chế biến sâm Ngọc Linh được cộng đồng cư dân gìn giữ, bảo lưu qua thời gian. “Đây là kho tàng quý giá, vừa mang giá trị văn hóa, vừa có ý nghĩa to lớn về phát triển kinh tế xã hội”, UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định.
Sâm Ngọc Linh được vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để có cơ sở gìn giữ, tôn vinh và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, của dân tộc.
Củ sâm Ngọc Linh có giá hàng chục triệu đồng mỗi kg. Ảnh: Đắc Thành
Huyện Nam Trà My đã quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh với 15.000 ha; bảo tồn được khoảng 100 ha, tương đương với khoảng 2 triệu cây. Huyện có hơn 1.500 hộ dân trồng hơn 1.500 ha và 18 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm dưới tán rừng với diện tích hơn 341 ha.
Đắc Thành
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tri-thuc-dan-gian-sam-ngoc-linh-la-di-san-van-hoa-quoc-gia-4886074.html