Nhiều quận huyện ở thành phố lập danh mục các đường có vỉa hè rộng, kẻ vạch, chuẩn bị cho một số hoạt động kinh doanh, giữ xe… có thu phí từ đầu năm 2024.
Những ngày qua, vỉa hè đường Nguyễn Trãi, quận 1, được kẻ vạch với một bên rộng khoảng 1,5 m cho các cửa hàng mặt tiền bố trí tạm nơi để xe máy tự quản. Phần vỉa hè còn lại rộng chừng 2 m là lối cho người đi bộ, hiện thông thoáng hơn so với trước.
“Xe được xếp gọn thành dãy, có người trông coi, không để lộn xộn như trước giúp vỉa hè ngăn nắp hơn”, ông Thành Nam, nhân viên bảo vệ một cửa hàng giày dép ở khu vực nói.
Đường Nguyễn Trãi là tuyến phố chuyên thời trang ở khu trung tâm, mỗi ngày nhộn nhịp các hoạt động mua sắm nên nhu cầu giữ xe cho khách rất lớn. Tuy nhiên, hầu hết cửa hàng dọc tuyến không có bãi đậu, dẫn đến vỉa hè bị lấn chiếm nhiều năm qua. Với kế hoạch đầu năm tới thành phố cho dùng vỉa hè thu phí, việc giữ xe, kinh doanh ở tuyến đường này kỳ vọng đi vào quy củ.
Từ 1/1/2024, TP HCM áp dụng quy định mới về quản lý lòng đường, hè phố, một số trường hợp được sử dụng và đóng phí với mức 20.000-350.000 đồng/m2, tùy khu vực. Vỉa hè thuộc diện “cho thuê” phải rộng ít nhất 3 m, trong đó 1,5 m dành cho người đi bộ. Quy định mới kỳ vọng khởi đầu cho hoạt động kinh doanh chính danh trên vỉa hè, có sự cam kết về quyền, nghĩa vụ giữa chính quyền và người dân. Tiểu thương thuê vỉa hè phải đóng phí, đổi lại sẽ được bảo vệ quyền sử dụng hợp pháp. Ngược lại, họ sẽ bị phạt nếu lấn chiếm.
Tại quận 1, ngoài đường Nguyễn Trãi còn 154 đoạn, tuyến khác có vỉa hè rộng, đủ điều kiện được lên danh mục cho sử dụng tạm một phần, tổ chức các hoạt động ngoài mục đích giao thông. Trong đó, 84 đoạn, tuyến dự kiến làm điểm giữ xe máy tự quản; 54 khu vực cho kinh doanh, buôn bán. Còn lại 16 tuyến được làm nơi giữ xe có thu tiền.
Phó chủ tịch UBND quận 1 Vũ Nguyễn Quang Vinh, cho biết Phòng quản lý đô thị quận cùng các phường đã rà soát và lấy ý kiến phản biện đơn vị liên quan, nhằm thống nhất danh mục các tuyến đường trên. Hiện, nhiều tuyến có vỉa hè đủ điều kiện đã được kẻ vạch, chuẩn bị cho một số trường hợp đăng ký sử dụng và đóng phí. Nhiều vỉa hè bị hư hỏng cũng được địa phương sửa chữa để đảm bảo an toàn, mỹ quan.
Cũng là địa bàn ở trung tâm thành phố, đại diện UBND quận 3 cho biết đã khảo sát, lập phương án cho sử dụng tạm vỉa hè trên 36 tuyến đủ điều kiện, như Bà Huyện Thanh Quan, Cao Thắng, Cách Mạng Tháng Tám… Trong đó, các hoạt động ở hè phố sẽ được quận sắp xếp thông suốt, theo hướng chung mục đích sử dụng như để xe, kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng… Việc lên danh sách những đường này đã được lấy ý kiến người dân để thống nhất trong quá trình triển khai.
Theo đó, quận 3 sẽ kẻ vạch nhằm phân biệt khu vực vỉa hè cho sử dụng tạm và phần cho người đi bộ. Nếu cần thiết, địa phương dùng rào chắn có phản quang để người đi đường dễ nhận diện, đảm bảo an toàn. Khi muốn sử dụng, địa phương sẽ xem xét cấp phép theo đúng mục đích với từng vị trí cụ thể.
“Quy định mới giúp quận chủ động hơn khi sắp xếp các hoạt động trên vỉa hè ngoài mục đích giao thông. Việc này cũng đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như quản lý đô thị tốt hơn”, đại diện quận 3 nói và cho biết địa phương đang chờ hướng dẫn về phương án thu, cách đóng phí.
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó phòng Quản lý đô thị quận Bình Thạnh cho biết địa phương đã lên danh mục 18 đường đủ điều kiện cho dùng một phần để giữ xe, kinh doanh, điểm bố trí công trình… Ngoài ra, quận đang rà soát thêm các tuyến khác để triển khai từ đầu năm tới. Tuy nhiên, việc thu phí vỉa hè còn một số nội dung chưa cụ thể nên địa phương đang chờ hướng dẫn để phổ biến đến các phường và người dân.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải cho biết cơ quan này đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn việc thu phí vỉa hè, chờ thành phố phê duyệt.
Theo đó, thành phố sẽ không triển khai đại trà thu phí vỉa hè mà chọn một số tuyến để thí điểm, bám sát quy định mới về quản lý, sử dụng một phần lòng đường, hè phố. Quá trình thu sẽ dựa trên đồng thuận giữa người thuê và chủ nhà, tránh mâu thuẫn lợi ích. “Việc thu phí không để tạo nguồn thu mà là sắp xếp trật tự lòng, lề đường, đáp ứng nhu cầu người dân”, ông Đường nói.
Đại diện Sở Giao thông Vận tải cũng thông tin việc thu phí sẽ thông qua công nghệ, hạn chế dùng tiền mặt. Phương pháp này giúp tăng tính minh bạch, không phát sinh thêm nhân sự. Cơ quan trên đang hoàn thiện đề xuất xây dựng phần mềm quản lý, sau đó sẽ công khai mức phí, phương thức thu, phương án khai thác… để người dân nắm thông tin cũng như giám sát.
Thống kê ở TP HCM hiện có hơn 4.800 đường rộng 5 m trở lên, trong đó gần 2.600 tuyến không có vỉa hè. Nhiều năm qua, tình trạng mua bán, lấn chiếm vỉa hè, dưới lòng đường diễn ra phổ biến, ảnh hưởng giao thông, mỹ quan đô thị. Các quận, huyện đã nhiều lần ra quân lập lại trật tự, song việc này được ví như “bắt cóc bỏ dĩa”.
Trước đó hồi tháng 7, chính quyền TP HCM ban hành quyết định mới về quản lý và sử dụng tạm một phần lòng đường, hè phố, thay quyết định cũ đã áp dụng 15 năm. Trên cơ sở này, HĐND thành phố ban hành mức phí để áp dụng cho từng trường hợp sử dụng vỉa hè, lòng đường. Theo đó, Sở Giao thông Vận tải sẽ thu phí những đường do cơ quan này quản lý. Quận, huyện sẽ thực hiện với các tuyến do địa phương quản lý.
Gia Minh – Nguyễn Trà
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tp-hcm-ke-vach-chinh-trang-via-he-chuan-bi-thu-phi-4691875.html