Mỗi năm dành một vài tỷ USD cho metro không phải vấn đề lớn với ngân sách thành phố, quan trọng phải có cơ chế tài chính để thực hiện, theo Chủ tịch TP HCM.
“Chúng ta không xin Trung ương vài chục nghìn tỷ, trăm tỷ đồng để làm metro mà chỉ xin cơ chế tài chính để thành phố thực hiện”, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nói tại cuộc họp Tổ chuyên gia tư vấn xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt đô thị thành phố, ngày 16/2.
TP HCM được quy hoạch 8 tuyến metro và ba tuyến xe điện mặt đất (đường sắt một ray) tổng chiều dài khoảng 220 km, vốn đầu tư ước tính gần 25 tỷ USD. Hiện, tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành – Tham Lương) tổng chiều dài hơn 30 km đã được triển khai từ vốn ODA theo cơ chế cấp phát từ ngân sách Trung ương. Các tuyến còn lại chưa được đầu tư.
Theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị, đến năm 2035 TP HCM phải hoàn thành hơn 200 km đường sắt đô thị, tức còn chưa đến 12 năm thực hiện. Để thực hiện nhiệm vụ này, thành phố đã thành lập Tổ tư vấn và nghiên cứu đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị. Dự kiến trong quý 1, đề án sẽ được hoàn thiện để trình Trung ương.
Theo ông Mãi, chỉ riêng đầu tư công năm 2024 của TP HCM đã gần 4 tỷ USD. Các năm trước, vốn dành cho các công trình giao thông chiếm đến 70%. Do đó, mỗi năm thành phố bỏ ra một vài tỷ USD cho công trình trọng điểm là metro không phải “quá nặng với ngân sách thành phố”.
“200 km metro cần chục tỷ USD để hoàn thành nhưng không phải có ngay mà chia đều mỗi năm một vài tỷ. Vấn đề là kế hoạch dòng tiền, nguồn, cơ chế huy động vốn để bố trí hàng năm. Đó chính là thành phố xin cơ chế tài chính”, ông Mãi nói.
Đồng quan điểm, GS.TS Nguyễn Trọng Hoài cho rằng để thực hiện được 200 km metro trong 12 năm tới, cơ chế phát triển TOD (mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng) và cơ chế huy động vốn là hai cơ chế xương sống, đi đầu. TP HCM cũng cần nghiên cứu thêm cơ chế chuyển giao công nghệ vận hành metro bởi thực hiện đề án này không chỉ trong giai đoạn xây dựng mà còn giai đoạn vận hành về sau.
Tại đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị, TP HCM đề xuất Trung ương cho 14 cơ chế, trong đó có một số nội dung giúp thành phố huy động được vốn để làm 200 km metro. Cụ thể, cho phép TP HCM và Hà Nội thực hiện thu hồi đất dự án tổng thể toàn hệ thống đường sắt đô thị và dự án phát triển đô thị vùng phụ cận các nhà ga để thực hiện mô hình TOD ngay sau khi chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội quyết định.
Đồng thời, địa phương được đấu giá quyền sử dụng đất với mục đích phát triển dự án khu đô thị TOD theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và sử dụng toàn bộ số tiền thu được đầu tư trực tiếp cho dự án đường sắt đô thị. Dự kiến, TP HCM sẽ thu được 40 tỷ USD từ nguồn này và một phần sẽ dùng để đầu tư cho metro.
Thành phố cũng kiến nghị Trung ương cho phép phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công trình hoặc các hình thức huy động vốn không phụ thuộc vào hạn mức trần nợ công… để đầu tư mạng lưới metro. Lãi suất trái phiếu do hai địa phương tự quyết định, đảm bảo trên cơ sở khả năng thanh toán trả nợ.
Tại hội nghị, các chuyên gia cũng cho rằng nhìn 20 km metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên mất hơn 15 năm chưa chạy được thì “tham vọng” xây dựng xong 200 km trong chưa đầy 12 năm sẽ là nhiệm vụ khó thực hiện nếu không có cách làm mới.
“Cần có tư duy đột phá và khác cách làm hiện nay”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói. Chuyên gia cho rằng cần có tổ hợp đa ngành với nhiều vấn đề nằm ngoài tầm của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM như quy hoạch, bồi thường giải phóng mặt bằng… Do đó, thành phố cần thành lập tập đoàn đường sắt đô thị và TOD.
Tập đoàn này như một công ty cổ phần, các sở, ban, ngành là những cổ đông đầu tiên. Ngoài ra TP HCM nên có một ban thực hiện dự án TOD vì Nghị quyết 98 đã trao quyền và Trung ương ủng hộ thành phố thực hiện cách làm này.
Lê Tuyết
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tp-hcm-co-tien-lam-200-km-metro-chi-can-co-che-thuc-hien-4712230.html