Đại hội Đảng lần thứ 14 sẽ là dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển đất nước, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Sáng 23/2, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp đầu tiên Tiểu ban Văn kiện Đại hội 14.
Cùng dự có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Đại hội Đảng lần thứ 14 “là sự kiện chính trị có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt”.
Đại hội diễn ra vào thời điểm Việt Nam trải qua 40 năm đổi mới, 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991), 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng. Đất nước giành được nhiều kết quả rất quan trọng, nổi bật, với nhiều điểm sáng, tạo tiền đề để Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn thách thức mới lớn hơn đan xen.
Đồng thời, Đại hội sẽ xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong 5 năm tới (2026-2030); kiểm điểm sự lãnh đạo của Trung ương khóa 13; sửa đổi Điều lệ Đảng; bầu Trung ương khóa 14.
Theo Tổng bí thư, Đại hội 14 sẽ lại là một dấu mốc quan trọng trên con đường phát triển của đất nước, dân tộc, có ý nghĩa định hướng tương lai; khích lệ, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định đây là sự lựa chọn đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại.
Đại hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, phấn đấu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trở thành nước phát triển, thu nhập cao; xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Vì vậy, việc chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội 14, đặc biệt là Báo cáo chính trị, có vai trò định hướng cho các văn kiện khác của Đại hội phải được tiến hành khoa học, nghiêm túc, đổi mới cách làm, có chất lượng, phản ánh đầy đủ thực tiễn mới của đất nước. Đây là công việc có ý nghĩa hết sức quan trọng, bảo đảm sự thành công của Đại hội.
Tổng bí thư yêu cầu kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới của Đảng và các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Xây dựng các văn kiện Đại hội 14 cũng là quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, phân tích và dự báo tương lai, đòi hỏi phải quán triệt các quan điểm khách quan, toàn diện, ổn định và phát triển; thực tiễn và lịch sử – cụ thể của phương pháp biện chứng trong nhận thức, phân tích và trình bày văn kiện.
Hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cần kết hợp chặt chẽ. Các mối quan hệ lớn cần xử lý tốt là giữa đổi mới, ổn định và phát triển; đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; tuân theo quy luật thị trường và đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất phù hợp; quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội.
Tổng bí thư cũng yêu cầu quá trình xây dựng các văn kiện Đại hội 14 của Đảng, phải gắn kết nhuần nhuyễn nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn phát triển trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; với xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, hình thành đồng bộ thể chế phát triển nhanh và bền vững đất nước dựa trên những trụ cột là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
“Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần này phải là một công trình khoa học kết tinh trình độ lý luận, tầm cao trí tuệ của toàn Đảng, niềm tin và khát vọng của cả dân tộc, phản ánh những quy luật khách quan của thực tiễn, xu thế vận động mới của thực tiễn”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Văn kiện Đại hội, trong đó có Báo cáo chính trị phải phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, có sự đóng góp của các cơ quan, ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, các tổ chức chính trị – xã hội và Nhân dân; tranh thủ sự tham gia đóng góp của các nguyên lãnh đạo, giới trí thức, nhà nghiên cứu, quản lý.
Theo kế hoạch, Đại hội 14 của Đảng dự kiến tổ chức tháng 1/2026. Để chuẩn bị, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 đã lập 5 Tiểu ban, trong đó có Tiểu ban Văn kiện do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban.
Tiểu ban Văn kiện có nhiệm vụ chuẩn bị Báo cáo Chính trị và Báo cáo Tổng kết 40 năm đổi mới trình Đại hội 14 của Đảng.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tong-bi-thu-dai-hoi-dang-14-se-day-manh-cong-cuoc-doi-moi-4714546.html