11h hôm nay, tâm bão ở bờ biển các tỉnh Quảng Bình – Thừa Thiên Huế, trong vài tiếng nữa sẽ đổ bộ với sức gió tối đa 88 km/h (cấp 9).
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết cơn bão tên quốc tế Soulik đang di chuyển theo hướng tây với tốc độ 20-25 km/h, sức gió tăng lên một cấp so với buổi sáng, cấp 8-9.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết trong 2-3 tiếng nữa bão Soulik sẽ đổ bộ Quảng Bình – Quảng Trị, dự kiến sức gió vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10-11. Gió trên cấp 6, giật cấp 8-9 mở rộng ra toàn bộ vùng ven biển đất liền Hà Tĩnh – Thừa Thiên Huế.
Đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) sáng nay có gió cấp 9, giật cấp 10; Hoành Sơn (Hà Tĩnh), Lệ Thủy (Quảng Bình) cấp 6, giật cấp 8. Mưa từ đêm qua đến sáng nay ở Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) gần 310 mm, Hòa Bắc (Đà Nẵng) gần 170 mm.
“Chúng tôi đặc biệt lưu ý người dân là hoàn lưu bão Soulik gây mưa rất lớn ở Trung Trung Bộ, nam đồng bằng Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt ở vùng núi phía tây là rất cao, nhất là các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh và Nghệ An”, ông Khiêm nói.
Dự báo đến 22h hôm nay, bão Soulik sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sức gió giảm còn cấp 6, giật cấp 8 khi ở Trung Lào.
Mưa lớn gây chia cắt một số khu dân cư
Tại Quảng Trị, nơi tâm bão dự báo đi qua, trưa nay trời âm u, sóng biển kết hợp triều cường cao 2-3 m. Gió mạnh dần, rít từng cơn, rừng keo tràm ven biển xã Hải An, huyện Hải Lăng nghiêng ngả. Mưa to liên tục từ đêm qua đến 9h sáng nay, sau đó giảm dần.
Ở bờ biển làng Mỹ Thủy, xã Hải An, người dân đã đưa tàu thuyền lên cao, chằng chống nhà cửa. Hàng chục hàng quán ven biển đã dọn dẹp đồ đạc, di chuyển vào các nhà kiên cố trú tránh bão. Theo một ngư dân làng biển, cơn bão này sức gió “không đáng ngại”, chỉ lo mưa sau bão gây ngập lụt.
Mưa lớn đã bắt đầu gây thiệt hại cho địa phương. Theo Đồn Biên phòng Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, một số đập tràn nước dâng khoảng 0,5 m khiến thôn Tri, khu tái định cư Cuôi bị cô lập. Khu tái định cư bản Cựp bị sạt lở nhẹ. Chính quyền đã di dời 4 hộ với 15 nhân khẩu ra khỏi vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ ống.
Tại huyện Đakrông, cầu tràn A Ngo – A Bung, ngầm tràn Tà Rụt – A Ngo, ngầm tràn Ly Tôn, ngầm tràn thôn Làng Cát ngập khoảng 0,3-0,5 m gây chia cắt giao thông. Tại huyện Hướng Hóa, hàng loạt tràn ở xã Hướng Linh, Ba Tầng, Tân Lập cũng bị ngập 0,5-1 m.
Tại Quảng Bình, một số sông suối ở xã Dân Hóa, Trọng Hóa, huyện Minh Hóa nước dâng cao 0,5-1 m gây chia cắt giao thông. Các đồn Biên phòng đã phối hợp chính quyền cắm biển báo, tuyên truyền người dân không qua lại khu vực nước chảy xiết.
Đồn Biên phòng Cà Xèng, Đồn Ra Mai đã phối hợp với xã di dời 105 hộ với hơn 500 nhân khẩu thuộc các xã Trọng Hóa, Hóa Sơn, Thượng Hóa nằm trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt đến nhà người thân, nhà văn hóa cộng đồng.
Bộ đội Biên phòng tỉnh duy trì 42 tổ với 120 cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, rà soát khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt để cập nhật phương án sơ tán dân đến nơi an toàn.
Quảng Nam không phải là tâm bão, trưa nay trời tạnh ráo. Tuy nhiên, mưa lớn từ đêm qua đã gây sạt lở nhiều khu dân cư, tuyến đường liên xã huyện Nam Trà My. Ông Trần Văn Mẫn, Phó chủ tịch huyện Nam Trà My, cho biết gần 1.400 người gồm bộ đội, công an, đội xung kích được huy động ứng phó mưa bão.
Huyện đã tích trữ 300.000 kg gạo; 1.200 thùng mì tôm, lương khô dự trữ tại các nhà kho của xã, trường học, nhà kho thôn, các cửa tiệm tạp hóa và trong nhân dân. Qua rà soát, huyện Nam Trà My xác định có 39 khu dân cư có nguy cơ sạt lở với hơn 5.000 người dự kiến sơ tán. “Đêm qua mưa lớn làm 17 ngôi nhà bị đất đá sạt lở tràn vào, 51 hộ dân người được sơ tán”, ông Mẫn nói.
Hồ miền Trung cạn nước
Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, hơn 2.300 hồ ở Bắc Trung Bộ hiện đạt 43-65% dung tích thiết kế; Nam Trung Bộ gần 520 hồ dung tích tối đa 57%. Các hồ sẽ tích nước, góp phần cắt lũ và giảm ngập cho vùng lân cận khi bão vào gây mưa lớn.
Về tàu thuyền, theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đến 6h30 hôm nay, các địa phương biên phòng các tỉnh đã kiểm đếm, hướng dẫn gần 67.000 tàu với hơn 306.000 người biết hướng di chuyển để trú tránh. Trong đó 199 tàu với 868 người hoạt động khu vực ven biển Nghệ An – Quảng Ngãi.
Các tỉnh thành từ Quảng Bình đến Bình Định hiện còn hơn 1.600 ha lúa hè thu, hơn 32.000 ha hoa màu chưa thu hoạch.
Soulik là cơn bão thứ tư trên Biển Đông trong năm nay. Trước đó ngày 7/9, bão Yagi với sức gió cấp 12-13 đổ bộ vào Quảng Ninh, sau đó càn quét hơn 10 tiếng ở nhiều tỉnh thành miền Bắc, gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất. Mưa bão đã làm 298 người chết, 35 người mất tích, thiệt hại vật chất khoảng 50.000 tỷ đồng.
Võ Thạnh – Đắc Thành – Gia Chính
Nguồn tin: https://vnexpress.net/bao-ap-sat-bo-bien-quang-binh-thua-thien-hue-4794641.html