Anh Nguyễn Việt Bắc, 38 tuổi, dành hơn 10 năm tìm cách nâng giá trị sản phẩm cua Cà Mau, xuất ra thị trường con giống chất lượng, thu lợi nhuận cao.
Sinh ra trong gia đình thuần nông ở huyện Đầm Dơi, từ khi là một thiếu niên, anh Bắc có cơ hội tiếp xúc với các loài thủy sản. Cuối năm lớp 3, anh xin gia đình ao nhỏ để nuôi cua, tự bán kiếm tiền đi học. Người cha tạo điều kiện cho anh từ việc cải tạo ao đến hướng dẫn cách nuôi. Nhờ đó, anh có tiền đi học, không phải xin tiền tiêu vặt từ gia đình.
Anh Nguyễn Việt Bắc trong khu nuôi cua mít. Ảnh: An Minh
Chàng thanh niên sau đó theo học và tốt nghiệp ngành nuôi trồng thủy sản Đại học Cần Thơ vào năm 2010; tốt nghiệp thạc sĩ với đề tài về nuôi vỗ béo cua trong hệ thống tuần hoàn nước. Anh Bắc được gia đình hỗ trợ vốn mở trại nuôi cua tại xã Tân Tiến. Từ thực tiễn làm mô hình, anh thấy rằng loài này phát triển tốt nhưng lại dễ bệnh, rủi ro cao. Mong muốn khắc phục khó khăn trong mô hình, anh quyết định học tiếp tiến sĩ để có thêm kiến thức.
Từ năm 2015, anh Bắc về giảng tại Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau. Tại đây, người thầy được sinh viên quý mến đặc biệt danh “tiến sĩ cua” miệt mài nghiên cứu nâng giá trị cua Cà Mau. Hiện anh đã liên kết khoảng 200 hộ dân ở xã Tân Tiến để cung cấp nguồn cua thương phẩm ổn định. Anh liên kết với bạn mở trại giống cua mít (cỡ hạt mít) ở Kiên Giang với 70 ao để đáp ứng nhu cầu con giống chất lượng cao.
Cua mít được sản xuất dựa trên quy trình nghiêm ngặt. Con giống được chủ chọn lựa kỹ từ 5 trại liên kết ở Cà Mau và Kiên Giang. Để làm cua giống, ao nuôi được thiết kế 1.000-5.000 m2, mật độ 20-50 con mỗi m2. Trước khi thả, chủ trang trại rải vôi, gầy thức ăn tự nhiên như trùn chỉ, ốc gạo và ốc đinh mềm.
Quá trình nuôi, con cua giống được bổ sung zeolite (một loại khoáng chất), men vi sinh, kiểm tra sức khỏe, thức ăn thường xuyên. Mỗi quy trình nuôi thường kéo dài 25-35 ngày sẽ thu hoạch, tùy nhu cầu khách hàng. “Nguồn cua mít được thị trường ưa chuộng do có sức sống tốt”, anh Bắc nói, cho biết hiện anh bán giống đi khắp cả nước, sau khi trừ chi phí anh thu lợi nhuận khoảng 10%.
Tiến sĩ Bắc giảng dạy tại trường Cao đẳng Cộng Đồng Cà Mau. Ảnh: An Minh
Ngoài sản xuất cua giống, nhiều năm nay anh Bắc được biết đến là người dành nhiều tâm huyết trong phát triển các quy trình nuôi vỗ béo cua. Với kiến thức có được, anh bắt tay nghiên cứu cách nuôi cua thâm canh với hệ thống xử lý nước hiện đại ở dạng tập trung, tiết kiệm chi phí.
“Mục tiêu của tôi là nhân rộng cho người dân và nâng quy mô sản xuất để đáp ứng sản lượng cho những đơn hàng lớn”, anh Bắc nói, cho biết một con cua nuôi trong hộp đến khi bán tốn chi phí khoảng 85.000 đồng, trong khi nuôi tập trung chỉ khoảng 25.000 đồng.
Cách làm này sử dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến; nuôi vỗ béo cua qua ba giai đoạn với mật độ 36-40 con trên một mét vuông. Nguồn giống được lựa chọn từ những vùng liên kết, nên chất lượng thịt và kích cỡ đầu vào đồng đều. Cua được nuôi trong quy trình khép kín được kiểm soát tốt các yếu tố môi trường nước, thức ăn, ánh sáng, nên quyết định được thời gian thu hoạch, chất lượng.
Hiện tiến sĩ Bắc đã liên kết nông dân, sinh viên hình thành các khu nuôi với công nghệ tiên tiến, quy trình khép kín. Hình thức nuôi cua thâm canh tập trung trong hệ thống tuần hoàn, sau này là chảy tràn nước, giúp tăng lợi nhuận gấp 2-3 lần so cách truyền thống.
Tháng 8/2024, anh Bắc thuê khu đất rộng 5 ha ở phường Tân Xuyên, TP Cà Mau, để nuôi cua nguyên liệu và nuôi vỗ béo cua cốm, gạch trên bể. Anh đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng trại, với 6 bể nuôi bằng composite, tạo hệ thống đèn UV chiếu sáng diệt khuẩn; hệ thống lọc nước hiện đại khép kín, mái che thông minh…
Trong quá trình sản xuất, anh còn tận dụng những con cua bị gãy càng thường được thương lái thu mua với giá thấp để làm giò chả, chà bông cua, giúp tăng giá trị của chúng trên thị trường.
Anh Nguyễn Việt Bắc có nhiều năm nghiên cứu, áp dụng cách nuôi vỗ béo cua Cà Mau hiện đại, hiệu quả. Ảnh: An Minh
Hiện mỗi tháng anh xuất bán khoảng 200 kg cua cốm, 100-300 kg cua gạch và cua thịt. Riêng cua mít, chủ trang trại bán 20.000-30.000 con mỗi ngày. Ngoài sản xuất, anh còn đem sản phẩm quảng bá, giới thiệu tại các hội chợ. Với việc đa dạng sản phẩm khi tiếp cận thị trường, mỗi tháng anh thu lợi nhuận 80-100 triệu đồng.
Trong tương lai, anh Bắc mong muốn liên kết với nông dân trong tỉnh nhằm nâng quy mô, hướng dẫn công nghệ nuôi, sau đó bao tiêu sản phẩm, cung ứng cho thị trường. Trong giảng dạy, anh luôn gần gũi, nhiệt tình hỗ trợ các bạn sinh viên muốn khởi nghiệp từ con cua biển.
Anh Bắc còn có nhiều sáng kiến khoa học phục vụ giảng dạy và đoạt nhiều giải thưởng cao: giải ba cấp quốc gia hội thi thiết kế thiết bị đào tạo tự làm “hệ thống nuôi cua thương phẩm và vỗ béo cua biển”; giải nhì cuộc thi khởi nghiệp Cà Mau với dự án nuôi thâm canh cua cốm, cua lột, cua gạch, cua thịt và các sản phẩm giá trị gia tăng từ cua biển, kết hợp với du lịch trải nghiệm; giải ba cuộc thi khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long.
Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi cua biển lớn nhất nước, với hơn 250.000 ha; sản lượng ước tính khoảng 25.000 tấn mỗi năm, tổng giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng. Hiện đa số nông dân nuôi quảng canh loài thủy sản này kết hợp với tôm.
Chúc Ly
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tien-si-me-vo-beo-cua-giong-ca-mau-4883288.html