Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ nhiều vụ việc khiến cán bộ bị kỷ luật, xử lý hình sự xuất phát từ việc cấp trên ôm đồm công việc cụ thể, thiếu phân cấp, phân quyền cho cấp dưới.
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật sáng 22/5, Thủ tướng nhấn mạnh cơ chế quản lý tập trung, không phân quyền rõ ràng đang gây hệ lụy nghiêm trọng. Ông muốn các bộ tập trung làm chính sách, còn việc tổ chức thực hiện giao cho địa phương để tạo thêm nhiều mô hình thành công, tương tự khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã được Bộ Khoa học và Công nghệ chuyển giao cho Hà Nội quản lý.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để, đi kèm phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi và thiết kế công cụ giám sát quyền lực. Ông lưu ý cần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm khơi thông điểm nghẽn trong quản lý.
Trong bối cảnh đó, các bộ, ngành trung ương cần tập trung vào vai trò kiến tạo như xây dựng chiến lược, thể chế, quy hoạch, cơ chế chính sách, công cụ kiểm tra, giám sát và tổng kết thực tiễn. Cấp nào gần dân, sát dân hơn thì phân quyền mạnh hơn, “ai làm tốt thì giao việc”. Những việc người dân, doanh nghiệp có thể làm tốt thì nên để họ làm.
Đơn cử trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Thủ tướng yêu cầu cấp bộ ban hành quy định chung, còn kiểm tra phải phân cấp rõ: cấp bộ kiểm tra bộ, cấp tỉnh do tỉnh thực hiện, cấp cơ sở thì giao cho địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chiều 22/5. Ảnh: Nhật Bắc
Về công tác xây dựng pháp luật, Thủ tướng yêu cầu luật sửa đổi phải bám sát “6 rõ” (kế thừa, lược bỏ, sửa đổi, bổ sung, đơn giản hóa, phân cấp) và luật mới phải dựa trên “7 rõ” (từ đường lối của Đảng, đến thực tiễn, những vướng mắc cần tháo gỡ, cải cách thủ tục, phân quyền…). Mục tiêu là bảo đảm yêu cầu quản lý nhưng đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực phát triển.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục cải cách triệt để, chuyển từ tư duy “quản lý” sang “phục vụ”, xóa bỏ cơ chế “xin – cho”, loại bỏ tư duy “không biết vẫn quản, không quản được thì cấm”. Các quy định trong luật phải ổn định, khả thi cao, giá trị lâu dài, bền vững. Luật chỉ quy định khung, nguyên tắc còn nội dung thay đổi nhiều theo thực tiễn thì giao Chính phủ quy định chi tiết.
Đối với các luật đang xây dựng, Thủ tướng đề nghị Luật Tiết kiệm, chống lãng phí cần bổ sung hành vi “lãng phí thời gian, bỏ lỡ thời cơ phát triển”; còn Luật An toàn thực phẩm sửa đổi phải khẳng định tính chất đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng nhân dân.
Vũ Tuân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thu-tuong-nhieu-can-bo-bi-ky-luat-do-om-viec-khong-phan-cap-4889320.html