Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương liên quan khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển các cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, trong đó có ngành cà phê theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững.
Rà soát, tiếp tục thúc đẩy, triển khai nhanh, có hiệu quả Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch hành động Quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030 nhằm thúc đẩy phát triển ngành tôm hiệu quả, bền vững.
* Trước đó, trong tổng hợp, báo cáo tình hình thông tin, báo chí, dư luận của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có nêu, theo Báo Tiền phong, tối 24/11, bộ phim tài liệu “The Tao of Coffee – Cà Phê Đạo” kể về khát vọng và hành trình nỗ lực của ngành cà phê Việt Nam nhằm định hình và đưa văn hóa cà phê của quốc gia chinh phục toàn cầu do hãng truyền thông danh tiếng Warner Bros. Discovery sản xuất đã chính thức phát sóng lần đầu tiên trên kênh truyền hình Discovery tại Úc và New Zealand.
Bộ phim đã nhanh chóng tạo tiếng vang lớn trên toàn cầu, đem đến nhiều cảm xúc, sự bất ngờ thú vị cho những người yêu và đam mê cà phê trên thế giới.
Trong bộ phim này, Discovery nhận định “vùng đất Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, có những điều kiện hoàn hảo để sản xuất hạt cà phê Robusta chất lượng cao”, đang từng bước phát triển trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”.
Còn Báo BNews nêu, theo lãnh đạo Cục Thủy sản, giai đoạn 2010-2023, Việt Nam có diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 644.000 -737.000 ha, xuất khẩu tôm đến khoảng 100 quốc gia với 5 thị trưởng lớn như: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Việt Nam trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ hai thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới.
Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam vẫn còn một số khó khăn nhất định như, hộ nuôi ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ còn thấp (đạt 18,9% tổng diện tích thả nuôi), chưa chủ động nguồn giống (phụ thuộc nguồn tự nhiên), liên kết trong chuỗi sản xuất tôm còn lỏng lẻo và giá thành sản xuất cao, năng lực cạnh tranh thấp.
Để ngành tôm Việt Nam phát triển trong thời gian tới, các địa phương cần tổ chức lại sản xuất nhằm giảm diện tích nuôi nhỏ lẻ; ứng dụng các quy trình kỹ thuật để giảm chi phí sản xuất, từ đó nâng cao được tính cạnh tranh sản phẩm tôm Việt Nam với các nước.
Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước cần quản lý chặt con giống, đảm bảo con giống sạch bệnh và tuân thủ các quy định của pháp luật; kiểm soát tốt chất lượng thức ăn, giá thức ăn, triển khai các hình thức sản xuất giúp người nuôi tôm đạt hiệu quả.
Theo Báo Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/thu-tuong-chi-dao-ve-phat-trien-nganh-ca-phe-va-nganh-tom-102231208153915394.htm