Quảng NamSau ba lần nung gạch thất bại, ông Nguyễn Quá đã tìm ra bí quyết sản xuất gạch thủ công cung cấp cho việc trùng tu tháp Chăm ở thánh địa Mỹ Sơn.
Ngày giữa 7, lò gạch thủ công của ông Nguyễn Quá, 57 tuổi, ở trung tâm xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên chỉ còn ít gạch. Sản phẩm này cung cấp cho các dự án trùng tu tháp Chăm vì đáp ứng quy chuẩn của UNESCO.
Sinh ra vùng đất gốm sứ La Tháp, cách thánh địa Mỹ Sơn 7 km, học hết lớp 9 ông Quá theo nghề gốm và điêu khắc. Sau năm 1975, ông được đưa đi đào tạo kỹ thuật tạo mẫu gốm tại Quảng Đông (Trung Quốc) hai năm, lúc trở về làm cán bộ tại xí nghiệp gốm sứ nhà nước tại La Tháp.
Năm 1992, ông nghỉ chế độ và mở xưởng sản xuất gốm mỹ nghệ tại nhà. Hàng ngày ông vào Mỹ Sơn nghiên cứu, vẽ lại những bức tượng, hoa văn trên tháp Chăm để đưa vào sản phẩm. Khi tháp Mỹ Sơn được công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999, sản phẩm gốm của ông mới được biết đến. Nhiều đoàn du khách đến chiêm ngưỡng rồi mua làm quà.
Năm 2003, các chuyên gia Italy đến Mỹ Sơn trùng tu tháp Chăm với sự bảo trợ của UNESCO. Tháp G đổ nát, số gạch cũ không đủ trùng tu nên cần loại gạch mới. Chuyên gia tìm đến cơ sở gốm sứ của ông Quá đặt vấn đề thử nghiệm gạch để trùng tu tháp Chăm ở Mỹ Sơn.
Chuyên gia lấy mẫu gạch Chăm cũ mang đi phân tích và đem kết quả đưa cho ông Quá. Họ yêu cầu phải sản xuất được loại gạch có tính chất lý, hóa gần tương đồng với gạch cũ, nếu không sẽ dừng hợp tác.
Nghe xong yêu cầu, ông Quá vò đầu bứt tai vì gạch xây tháp của người Chăm đang còn là bí ẩn, không có tài liệu nói về quy trình sản xuất. Tuy nhiên, ông không muốn bỏ lỡ cơ hội này, cũng không muốn tháp Chăm Mỹ Sơn ngày càng xuống cấp nên đồng ý hợp tác.
Hơn 30 năm sản xuất gốm thủ công, ông Quá nắm rõ nguồn đất sét trong vùng, quy trình nung. Ông lấy đất sét ở xã Duy Hòa, gần thánh địa Mỹ Sơn mang về̀ lọc thủ công đến khi miết không nhám hay sỏi cặn. Tiếp đến ông hai lần ủ đất rồi đưa ra nhồi trước khi cho vào khuôn đúc.
Để hình thành viên gạch, đất cho vào khuôn mỗi lần một ít, lấy sức nện chặt, đến khi đầy dùng chân nén kín. Gạch ra khuôn được phơi nơi không nắng quá cũng không râm quá, sau đó gọt, mài cho bằng phẳng rồi cho vào lò nung.
Khác với gạch thông thường, gạch Chăm có kích thước, độ dày lớn hơn 4-5 lần. Mỗi viên dài 30 cm, rộng 17 cm, dày 5-10 cm. Quá trình làm không dùng máy móc, chỉ sức người và dụng cụ thô sơ. Viên gạch làm ra được nhào nặn, trau chuốt giống như một sản phẩm gốm.
Lần đầu tiên ông thử nghiệm 100 viên. Sau 10 ngày đốt, gạch ra lò không đạt, tính chất lý hóa không giống với gạch cũ trên tháp Chăm. Một số viên thí nghiệm trùng tu bị sủi muối bề mặt.
Sau thất bại đầu tiên, ông Quá rút ra bài học viên gạch có lượng đất sét quá lớn, muốn khắc phục phải tìm nguồn đất chứa ít silic và tăng hàm lượng nhôm. Mất nửa năm trời nghiên cứu, nhưng thất bại, nhiều người khuyên ông từ bỏ. Riêng ông Quá tự động viên không được nản vì “dễ làm đã không đến lượt mình”.
Rút kinh nghiệm từ lần trước, ông lấy đất sét nơi khác và thay đổi công thức. Đất dùng đóng gạch được phối trộn hài hòa, giảm lượng sét. Đóng hơn 500 viên mang đi nung, nhưng gạch méo mó do thiếu nhiệt, thời gian nung quá ngắn.
Đến mẻ gạch thứ ba, ông tăng nhiệt nhưng gạch ra lò bị cong vênh. “Hàng trăm khối đất, công sức, tiền của bỏ ra nhưng đều đổ sông đổ bể”, ông kể.
Năm 2005 là lần thứ tư ông Quá thử nghiệm. Gạch được nung bằng củi gần hai tuần, quá trình đốt phải nhìn lửa không được quá hoặc thiếu. Nếu quá lửa gạch sẽ cong vênh, non lửa thì chất lượng thấp.
Những viên gạch thử nghiệm lần thứ tư có mẫu mã đẹp, được chuyên gia Italy đưa đi phân tích so sánh với gạch cũ, kết quả chỉ số lý hóa đạt 90%. Họ đã thử nhiều loại, chưa gạch nào đạt kết quả như trên nên đặt hàng ông Quá sản xuất.
“Gần 20 năm tôi sản xuất, cung cấp gạch cho các công trình trùng tu ở Mỹ Sơn và một số di tích tháp Chăm ở Bình Thuận và Gia Lai”, ông Quá tự hào nói. Năm 2023, ông còn xuất 30.000 viên gạch sang Lào để trùng tu đền cổ Wat Phou.
Hiện lò nung của ông Quá do nằm trong khu dân cư nên phải đóng cửa do ảnh hưởng đến môi trường. Để tiếp tục hoạt động, cung cấp gạch trùng tu tháp Chăm, ông mong muốn được xây dựng lò đốt cách xa khu dân cư. Nếu được chấp nhận, ông sản xuất gạch tại xưởng ở gia đình, sau đó mang đến lò đốt.
Ông Nguyễn Công Khiết, Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn, cho biết gần 20 năm qua các chuyên gia Italy, Ấn Độ, Việt Nam sử dụng gạch của ông Quá cho các công trình trùng tu ở di tích Mỹ Sơn. Gạch này đáp ứng tiêu chuẩn của UNESCO và các cơ quan chuyên môn. Sau trùng tu, gạch đảm bảo chất lượng, thích nghi với gạch gốc và môi trường di tích.
“Hiện chưa có cơ sở nào thay thế loại gạch do ông Quá làm”, ông Khiết nói, mong muốn cơ quan chức năng có cơ chế để lò gạch của ông tiếp tục sản xuất.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tho-gom-giu-bi-quyet-san-xuat-gach-trung-tu-thap-cham-4767505.html