Nguồn kinh phí của ngành giao thông vận tải hiện chỉ khắc phục được khoảng 40% hậu quả do thiên tai, dẫn tới một số công trình sữa chữa bị chậm tiến độ.
Sáng 10/5, tại hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 2024, ông Hoàng Thế Tùng, Vụ phó An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), cho biết thiên tai năm 2023 đã làm sạt lở gần 1,2 triệu m3 taluy dương, gần 6 km taluy âm, khoảng 87.000 m2 mặt đường, 32.000 m2 lề đường bị hỏng. 177 m đường bị đứt, 38 cầu cùng 119 biển báo hư hại.
Kinh phí khắc phục đảm bảo giao thông bước một của đường bộ là 350 tỷ đồng, đường sắt 35 tỷ đồng. Theo ông Tùng, số tiền này chỉ đáp ứng khoảng 40% so với yêu cầu. “Nguồn kinh phí cấp cho công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ, đường sắt hạn hẹp, trong khi những năm gần đây thiên tai ngày càng cực đoan, kinh phí khắc phục ngày càng lớn”, ông Tùng nói.
Hệ quả là việc khắc phục hậu quả thiên tai chậm trễ, ảnh hưởng tới việc giao thương, đi lại của người dân.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải giải thích thêm, các đơn vị trung ương như Bộ Giao thông Vận tải trong dự toán chi ngân sách không được bố trí phần dự phòng cho khắc phục sự cố thiên tai. Việc này dẫn tới hệ lụy nguồn kinh phí được cấp không đủ thanh toán ngay cho các đơn vị quản lý, bảo trì.
Mặt khác, theo quy định hiện hành để triển khai dự án khắc phục hậu quả thì cần bộ trưởng hoặc chủ tịch tỉnh thành ban bố tình huống khẩn cấp và lệnh xây dựng công trình khẩn cấp. “Để ban bố được hai lệnh trên thì cơ quan tham mưu cần lập hồ sơ rồi trình cấp có thẩm quyền quyết định nên sẽ mất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến tiến độ khắc phục hậu quả”, ông Tùng nói và đề nghị Chính phủ cho phép phân cấp, phân quyền trong việc ban bố tình huống khẩn cấp và Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để việc sửa chữa được kịp thời.
Để giải quyết vấn đề về kinh phí, đại diện Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ ưu tiên bổ sung kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương hàng năm để hỗ trợ ngành; đồng thời đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng cho phép Bộ được trích lập dự phòng tối đa 2-4% theo mức trích lập quy định.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang nói trong tình huống khẩn cấp thì sẽ không cần theo các quy định, quy trình bình thường mà giảm bớt các thủ tục. Thời gian tới các cơ quan liên quan sẽ từng bước tháo gỡ để phù hợp với thực tiễn.
Trả lời về vấn đề phân cấp, phân quyền công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai và Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp cho các đơn vị phía dưới, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ những vướng mắc mà đơn vị giao thông gặp phải. Tuy nhiên, không thể phân cấp công việc này cho cấp dưới vì ban bố tình huống khẩn cấp phải thận trọng, nếu tùy tiện sẽ ảnh hưởng đến nhiều hoạt động kinh tế – xã hội.
Năm 2023, trên cả nước xảy ra hơn 5.300 sự cố, thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích. Thiệt hại về kinh tế do thiên tai ước tính 9.300 tỷ đồng.
Cơ quan khí tượng dự báo năm 2024 tình hình mưa lũ sẽ diễn biến phức tạp vào những tháng cuối năm. Khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới sẽ xuất hiện trên Biển Đông, trong đó 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam từ tháng 9 đến 11.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thieu-tien-tu-sua-duong-sau-thien-tai-4744246.html