Gia LaiHơn 30 người lựa thời điểm đêm 30 Tết đưa nhiều xe công nông vào cánh rừng ở huyện Chư Prông đốn hạ 181 cây loại lớn với gần 26 m3 gỗ.
Ngày 22/2, ông Nguyễn Trung Văn, Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Ia Meur, cho biết tối 9/2 (30 Tết) đơn vị tổ chức tuần tra tại tiểu khu 1003, phát hiện khoảng 30 người (ngụ xã Ia Piơ) đang vận chuyển gỗ trái phép.
Tổ công tác yêu cầu nhóm người đưa số gỗ về UBND xã Ia Mơr. Tuy nhiên, nhiều người chống đối, đe dọa lực lượng chức năng. Thống kê có 181 cây gỗ tròn bị cưa hạ, đường kính gốc từ 20-60 cm, chủ yếu là cây dầu hàng chục năm tuổi. Để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng, lâm tặc đã huy động 8 xe công nông.
Ông Văn cho biết, nhiều tháng nay địa bàn liên tục xảy ra các vụ phá rừng. Nguyên nhân là rừng khộp đan xen rẫy người dân, trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng khó phát hiện và xử lý.
Ngoài ra, theo cơ quan chức năng, tình trạng phá rừng cũng bắt nguồn từ dự án hồ chứa nước quy hoạch trên địa bàn huyện Chư Prông. Trước đó, năm 2025 hồ chứa nước Ia Mơr, với tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt đầu tư.
Để đảm bảo vùng tưới cho dự án thuỷ lợi nói trên, nhiều năm qua Gia Lai liên tục trình Thủ tướng xin chuyển hơn 8.000 ha đất lâm nghiệp sang nông nghiệp, song Quốc hội không thông qua. Trong khi đó, người dân địa phương “đón đầu” bằng cách chặt phá, đốt cây, lấn chiếm đất rừng làm nông nghiệp, chờ đền bù.
Rừng khộp tập trung nhiều cây lá rộng, chỉ có ở khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, Tây Nguyên là nơi duy nhất có rừng khộp, ở dọc biên giới với Campuchia. Những cánh rừng này phát triển nhanh, nhất là vào mùa mưa, góp phần cân bằng hệ sinh thái, là nơi cư ngụ của nhiều muông thú như voi, bò tót, công, gà lôi…
Trần Hóa
Nguồn tin: https://vnexpress.net/rung-bien-gioi-bi-tan-pha-4714173.html