Cục Gìn giữ hòa bình và NXB Quân đội nhân dân ra mắt sách “Hành trình vì hòa bình” của cố thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng.
Ngày 8/1, trong lễ ra mắt sách tại Hà Nội, đại tá Phạm Văn Trường, Tổng biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, cho biết cuốn sách là hồi ức của tác giả với tư cách người trong cuộc. Bằng văn phong giản dị, mộc mạc, cố thượng tướng kể lại những câu chuyện quá trình tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc của Việt Nam.
Cuốn sách ghi chép chi tiết những gian nan vượt qua rào cản tư duy, cho tới trở ngại trong quá trình xây dựng, triển khai lực lượng tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc hơn 10 năm qua.
Cuốn sách gồm 6 chương, trong đó 5 chương là hồi ức của tướng Vịnh gồm: “Dò đường”, “Chuẩn bị và lên đường”, “Chuyện kể từ châu Phi”, “Nhìn lại và suy ngẫm”, “Hành trình tiếp nối”. Chương cuối “Cảm xúc” gồm những bài viết của nhiều tác giả là những cảm nhận khi đọc bản thảo “Hành trình vì hòa bình”.
Trong buổi ra mắt sách, thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, nguyên Cục trưởng Gìn giữ hòa bình Việt Nam, luôn dùng từ “thủ trưởng Vịnh” để nói về đàn anh, cấp trên đánh kính. Năm 2013, tướng Vịnh được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ xây dựng lực lượng quân đội tiên phong trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Lúc đó, “thủ trưởng” luôn trăn trở trong giai đoạn phát triển mới, hội nhập mới, không phải chờ giặc đến biên thùy mới phát động chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Mà bảo vệ Tổ quốc là việc làm từ sớm, từ xa, trong thời bình. “Đây là tầm nhìn chiến lược của một lãnh đạo quân sự tài ba”, ông Phụng nói.
Khi còn công tác, tướng Vịnh từng chỉ ra cho ông cùng cộng sự ở Cục Gìn giữ hòa bình phải “bám dân”, coi người dân các nước ở châu Phi mà lực lượng mũ nồi xanh làm nhiệm vụ như nhân dân Việt Nam. Trong khi lực lượng các nước gần như không giao tiếp, liên hệ với dân bản địa thì bộ đội Việt Nam tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ để giúp dân, làm từ thiện.
“Không quân đội nào trên thế giới có thể làm như chúng ta, không có chỉ đạo nào đúng đắn hơn việc chúng ta phải gần dân, hiểu dân, bảo vệ dân và để người dân bảo vệ chính chúng ta”, ông Phụng đúc kết. Tư duy lãnh đạo của cố thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có nền tảng, cơ sở từ tư tưởng Hồ Chí Minh; từ tư duy bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới.
Ông Phụng nói lực lượng mũ nồi xanh của Việt Nam được lựa chọn để đóng góp cho mặt trận mới không tiếng súng, để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. “Đây là những dấu ấn của thủ trưởng Vịnh để lại. Trong buổi lễ này, tôi chỉ ước thủ trưởng có mặt ở đây để tự kể cho chúng ta nghe những câu chuyện đời thường nhưng nhân văn của ông”, tướng Phụng nói.
Bà Đặng Thị Minh Ngọc, phu nhân cố thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nói khi chồng bà viết xong bản thảo cuốn sách vào tháng 6/2023 thì đã “không còn đủ thời gian để biên tập nữa”. Gia đình đã cùng anh em, bạn bè, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân biên tập, chỉnh lý và bổ sung ý kiến cơ quan, đơn vị, cá nhân để bản thảo được hoàn thiện nhất. “Tôi hy vọng cuốn sách khi ra mắt bạn đọc sẽ được cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là lực lượng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và các bạn trẻ đón nhận”, bà nói.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Quốc phòng, qua đời ngày 14/9/2023 khi 64 tuổi. Ông quê ở TP Huế, là giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành quan hệ quốc tế; Ủy viên Trung ương Đảng khóa 11 và 12. Ông là con trai của đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cố chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ông từng kinh qua nhiều cương vị công tác trong ngành tình báo quốc phòng. Từ cuối năm 2009, ông thôi kiêm nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng để toàn tâm thực hiện trọng trách Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách đối ngoại khi Quân đội nhân dân Việt Nam dần trở thành mũi chủ công trong thế trận bảo vệ Tổ quốc trong thời bình bằng biện pháp hòa bình.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người đầu tiên phát biểu công khai về chính sách quốc phòng “3 không” của Việt Nam vào năm 2010 (không liên minh, liên kết; không đi với nước này chống nước kia; không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam).
Ông đã tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng, đưa cảng quốc tế Cam Ranh vào hoạt động, trở thành biểu tượng cụ thể về chính sách quốc phòng “4 không” hiện nay của Việt Nam (không liên minh quân sự, không đi theo nước này chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam để chống lại nước khác và không dùng vũ lực đe dọa hòa bình trong quan hệ quốc tế).
Trong 12 năm làm Thứ trưởng Quốc phòng, ông Vịnh có nhiều đóng góp thúc đẩy đối ngoại quốc phòng Việt Nam phát triển như cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc; tổ chức các chuỗi hội nghị quốc phòng – quân sự ASEAN…
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ra-mat-sach-cua-co-thuong-tuong-nguyen-chi-vinh-ve-luc-luong-mu-noi-xanh-4836944.html