Sáng 20/11, Quốc hội thảo luận hội trường về dự án Luật Nhà giáo, trong đó tập trung chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài và giao quyền tuyển dụng cho cơ sở giáo dục.
Trình Quốc hội trước đó, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết Đảng và Nhà nước xác định giáo viên là yếu tố quan trọng, nền tảng, cốt lõi nhất quyết định chất lượng giáo dục. Vì vậy, phát triển lực lượng đủ về số lượng, tốt về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu là việc sống còn của ngành Giáo dục.
“Nếu phát triển giáo dục và đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước thì phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu đột phá trong đột phá chiến lược ấy”, ông nói.
Vì vậy, Chính phủ đề xuất chính sách người có trình độ cao, có tài năng, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, người có năng khiếu đặc biệt tham gia tuyển dụng giáo viên được hưởng phụ cấp và trợ cấp thu hút. Giáo viên đến công tác tại nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn được bảo đảm chỗ ở tập thể hoặc được thuê nhà ở công vụ. Thầy cô trong các cơ sở giáo dục công lập được hưởng chính sách thu hút đối với viên chức, các chính sách thu hút khác theo thực tế từng địa phương và cơ sở giáo dục.
Chính phủ cũng mong muốn giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; hưởng phụ cấp ưu đãi nghề, các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc và theo vùng như quy định của pháp luật. Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được tăng một bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Người công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; dạy trường chuyên biệt, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật được hỗ trợ về chỗ ở tập thể hoặc thuê nhà công vụ và thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc.
Ngành giáo dục cần có quyền tuyển dụng, điều động giáo viên
Theo dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (phụ trách đào tạo nghề) là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển và tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý. Hai Bộ này cũng sẽ được ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng; điều phối biên chế giáo viên trong các trường công lập.
Các cơ quan quản lý giáo dục chủ trì, hoặc phân cấp cho trường tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm. Phương thức tuyển dụng gồm xét tuyển hoặc thi tuyển, bắt buộc có phần thực hành sư phạm.
Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa chỉ ra nhiều bất cập trong việc tuyển dụng giáo viên hiện nay. Cụ thể, ở cấp học mầm non, tiểu học và THCS, quyền tuyển dụng thuộc về UBND huyện, dẫn đến tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ giữa các địa phương. Ông Nghĩa cho biết huyện này thừa giáo viên nhưng không thể điều động sang huyện khác vì vướng mắc về thẩm quyền. Đây là một hạn chế lớn, trong khi đó, ngành Nội vụ lại là cơ quan chủ trì tham mưu chính trong lĩnh vực này thay vì ngành Giáo dục.
Bên cạnh đó, quy định về viên chức nhà giáo hiện hành cũng gây khó khăn trong việc sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Việc giáo viên chỉ được công tác tại một đơn vị sự nghiệp công lập khiến việc dạy liên trường, liên cấp trở nên khó khăn, trong khi nhu cầu thực tế lại rất lớn. “Nếu giao quyền sử dụng nguồn lực cho ngành Giáo dục, chúng ta sẽ giải quyết được bài toán này. Giáo viên sẽ có cơ hội giảng dạy linh hoạt hơn, tạo ra sự thay đổi tích cực cho ngành giáo dục”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng trong hôm nay, các đại biểu thảo luận về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/quoc-hoi-thao-luan-chinh-sach-thu-hut-nguoi-gioi-vao-nganh-giao-duc-4817878.html