Ngày 23/10, Quốc hội thảo luận dự Luật Di sản văn hóa sửa đổi, trong đó có việc ưu tiên ngân sách bảo vệ và phát huy di tích quốc gia đặc biệt, bảo vật quốc gia.
Sau khi tiếp thu ý kiến của đại biểu tại kỳ họp trước, Thường vụ Quốc hội đã điều chỉnh dự thảo, tập trung vào các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có tính trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là bảo tồn tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di sản.
Dự luật tạo điều kiện để các địa phương chủ động thành lập Quỹ bảo tồn di sản, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương, tập trung vào các di tích bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mục tiêu là huy động nguồn lực xã hội để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nghệ nhân có công lao bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là nghệ nhân người dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Ngân sách Nhà nước được ưu tiên bố trí cho bảo vệ và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử – văn hóa thuộc sở hữu toàn dân xuống cấp nghiêm trọng; bảo tàng công lập có vai trò quan trọng; bảo vật quốc gia; di sản văn hóa phi vật thể, di sản có nguy cơ mai một, thất truyền.
Một số đại biểu đề nghị quy định chặt chẽ nội hàm chuyển nhượng, mua bán, kinh doanh di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia để tránh có nhiều cách hiểu khác nhau. Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát quy định hiện hành và dự thảo Luật để nghiên cứu chỉnh lý phù hợp, chặt chẽ.
Bảo vật quốc gia, là tài sản đặc biệt của quốc gia, không được chuyển quyền sở hữu dưới bất kỳ hình thức nào. Nhưng nếu bảo vật thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng thì được mua bán, trao đổi, tặng cho và để thừa kế ở trong nước.
Trường hợp mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng thông qua đấu giá thì thực hiện theo pháp luật về đấu giá tài sản. Khi chuyển quyền sở hữu, tổ chức, cá nhân phải thông báo bằng văn bản tới cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh.
Thủ tướng quyết định phương án thu hồi hoặc dùng ngân sách Nhà nước mua, đưa về Việt Nam di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Tổ chức, cá nhân mua, đưa di vật, cổ vật và bảo vật về Việt Nam để lưu giữ, trưng bày không vì mục đích lợi nhuận được hưởng chế độ ưu đãi về các loại thuế.
Phải xin phép nếu sửa chữa công trình tại khu bảo vệ di tích
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thường vụ quy định việc sửa chữa, cải tạo nhà ở trong khu bảo vệ di tích phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về xây dựng, di sản văn hóa và quy hoạch đô thị. Mọi hoạt động xây dựng phải được thực hiện khoa học, đảm bảo hài hòa với cảnh quan chung, không làm sai lệch các sự kiện lịch sử, không làm mất đi giá trị lịch sử, văn hóa của di tích.
Việc sửa chữa không phá vỡ cấu trúc quy hoạch, không che khuất tầm nhìn đối với công trình, không gian cảnh quan của di tích, nghệ thuật và phải giữ gìn sự toàn vẹn về giá trị của cảnh quan thiên nhiên, môi trường – sinh thái, địa hình, địa mạo và các yếu tố địa lý khác.
Sau khi xin ý kiến đại biểu và chỉnh lý, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua ngày 23/11.
Sáng nay, Chính phủ sẽ trình Quốc hội chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau đó, các đại biểu thảo luận hội trường về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Buổi chiều, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình về chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); sau đó đại biểu cho ý kiến Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Nguồn tin: https://vnexpress.net/quoc-hoi-thao-luan-chinh-sach-bao-ve-va-phat-huy-gia-tri-bao-vat-quoc-gia-4807213.html