Bình Thuận đưa ra phương án sắp xếp từ 121 xã, phường còn 45, Kon Tum từ 102 đơn vị giảm xuống 40, nhiều địa danh nổi tiếng được giữ lại.
Ngày 17/4, Tỉnh uỷ Bình Thuận đã có kết luận về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã khi tinh gọn bộ máy. Tỉnh sắp xếp 121 xã, phường, thị trấn còn 45 đơn vị cấp xã (26 xã, 8 phường, 1 đặc khu), giảm 76 đơn vị (80,62%) so với tổng số đơn vị hiện có.
Toàn cảnh trung tâm TP Phan Thiết, Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Việt Quốc
Tất cả đơn vị hành chính sau sắp xếp đều đạt tiêu chuẩn theo quy định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Nhiều địa danh có từ lâu đời gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này được xem xét giữ lại.
Địa danh Bình Thuận được đặt cho đơn vị hành chính mới là phường Bình Thuận từ việc sáp nhập phường Phú Tài, xã Phong Nẫm của TP Phan Thiết và xã Hàm Hiệp của huyện Hàm Thuận Bắc.
Các phường Lạc Đạo, Bình Hưng và Phú Trinh nằm hai bên sông Cà Ty ở trung tâm thành phố Phan Thiết hiện hữu được gộp thành phường Phan Thiết. Hai phường Mũi Né, Hàm Tiến và xã Thiện Nghiệp sáp nhập thành phường Mũi Né, nơi đã được quy hoạch là khu đô thị quốc gia.
Tại huyện Đức Linh, địa danh Trà Tân có từ thời nhà Nguyễn cũng được giữ lại khi sáp nhập 3 xã Trà Tân, Tân Hà và Đông Hà thành xã Trà Tân. Địa danh huyện Tánh Linh được giữ lại khi thành tên gọi của xã Gia An, xã Đức Thuận và thị trấn Lạc Tánh nhập lại.
Cùng đó, thị trấn Tân Nghĩa, xã Tân Hà và xã Tân Xuân (của huyện Hàm Tân) sáp nhập thành xã mới Hàm Tân. Các phường Tân An, Tân Thiện, Bình Tân và xã Tân Bình (thị xã La Gi) nhập thành phường La Gi. Thị trấn Phan Rí Cửa, xã Hòa Minh và xã Chí Công (huyện Tuy Phong) kết hợp thành xã Phan Rí Cửa…
Ngoài ra, tỉnh còn thành lập đặc khu Phú Quý có diện tích tự nhiên 18 km2, quy mô dân số 32.268 người trên cơ sở sáp nhập 3 xã Long Hải, Tam Thanh và Ngũ Phụng (huyện đảo Phú Quý), trung tâm đặt tại xã Ngũ Phụng, cách đất liền 56 hải lý.
Bình Thuận rộng 7.942 km2, dân số hơn 1,5 triệu người; hiện có 10 đơn vị hành chính cấp huyện; 121 đơn vị hành chính cấp xã (93 xã, 16 phường, 12 thị trấn). Tỉnh đang có thế mạnh về du lịch biển, đánh bắt hải sản, sản xuất thanh long, năng lượng tái tạo…
Tới đây, theo phương án đã được Ban chấp hành Trung ương thông qua, Bình Thuận sẽ cùng với Đắk Nông và Lâm Đồng sẽ được sáp nhập thành tỉnh mới lấy tên là Lâm Đồng, trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Lâm Đồng.
Ngày 17/4, Kon Tum công bố phương án dự kiến sắp xếp 102 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 10 phường, 7 thị trấn và 85 xã) sẽ được sắp xếp lại thành 3 phường và 37 xã.
TP Kon Tum sẽ còn 3 phường mang tên Kon Tum và 3 xã. Phường Kon Tum 1 nhập các phường Quyết Thắng, Quang Trung, Thống Nhất và Thắng Lợi; phường Kon Tum 2 được nhập phường Ngô Mây, Duy Tân, Trường Chinh và xã Đăk Cấm. Phường Kon Tum 3 nhập các phường Nguyễn Trãi, Lê Lợi và Trần Hưng Đạo.
Một góc TP Kon Tum. Ảnh: Trần Hóa
Ba xã còn lại của TP Kon Tum sẽ có tên là Ngọc Bay, Đăk Bla và Ia Chim. Đây là kết quả của việc sáp nhập từ 9 xã lân cận.
Huyện Đăk Glei còn 6 xã; Đăk Hà và Sa Thầy mỗi huyện còn 5 xã; huyện Đăk Tô còn 4 xã; các huyện Kon Rẫy, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi và Kon Plông mỗi huyện còn lại 3 xã; riêng huyện Ia H’Drai còn 2 xã.
Kon Tum rộng gần 10.000 km2, dân số hơn 600.000 người, giáp Lào và Campuchia. Sau khi sáp nhập với Quảng Ngãi, diện tích nâng lên 15.000 km.
Việt Quốc – Trần Hóa
Nguồn tin: https://vnexpress.net/phuong-an-sap-nhap-cua-binh-thuan-kon-tum-4875435.html